QUY CHẾ
TỰ KIỂM TRA, KIỂM TRA
VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2011/QĐ-UBND, ngày 20 tháng 9 năm 2011 của
UBND tỉnh Tây Ninh).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định phương thức, nguyên tắc, trình tự, thủ tục và trách
nhiệm của các sở, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị trong việc
giúp Chủ tịch UBND tỉnh tự kiểm tra, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
và các văn bản khác có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng
hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 2. Các văn bản thuộc đối tượng tự kiểm tra, kiểm
tra và xử lý
1. Các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân huyện ban hành theo thẩm quyền gồm:
a) Quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh.
b) Nghị quyết của HĐND, Quyết định, Chỉ thị của UBND huyện, thị xã.
2. Các văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
huyện ban hành có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức
văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức
và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do thủ trưởng các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.
Điều 3. Phương thức tự kiểm tra, kiểm tra văn bản
Việc kiểm tra văn bản được tiến hành bằng các phương thức
sau đây:
1. Kiểm tra văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền ban
hành văn bản gửi đến;
2. Kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các
cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;
3. Kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn (tại cơ quan
ban hành văn bản) hoặc theo ngành, lĩnh vực.
Điều 4. Phạm vi nội dung tự kiểm tra, kiểm tra văn bản
Phạm vi nội dung tự kiểm tra, kiểm tra văn bản bao gồm:
1. Tính hợp pháp của văn bản theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số
40/2010/NĐ-CP , ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm
pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư số 20/2010/TT-BTP , ngày 30/11/2010 của Bộ
Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ,
ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật
(Sau đây gọi là Thông tư số 20/2010/TT-BTP).
2. Sự phù hợp của văn bản với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu
cầu quản lý nhà nước của địa phương.
Điều 5. Nguyên tắc tự kiểm tra, kiểm tra xử lý văn bản
1. Công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản phải được tiến hành thường
xuyên, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.
2. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị được giao chịu trách nhiệm
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tự kiểm tra, kiểm tra văn bản với đơn vị đã chủ trì
soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản được tự kiểm tra, kiểm tra và
các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có liên quan.
3. Việc xử lý văn bản trái pháp luật được phát hiện trong quá trình tự kiểm
tra, kiểm tra phải khách quan, toàn diện, kịp thời, chính xác theo đúng quy định
của pháp luật; khắc phục kịp thời hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra.
Chương II
TRÁCH NHIỆM TỰ KIỂM TRA, KIỂM TRA VĂN BẢN
Điều 6. Trách nhiệm tự kiểm tra văn bản
1. Giám đốc Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc tự kiểm
tra các quyết định, chỉ thị quy phạm pháp luật, các văn bản do UBND tỉnh ban
hành có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản
quy phạm pháp luật.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành phối hợp với Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tự
kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của sở,
ban, ngành do UBND tỉnh ban hành và các văn bản có chứa quy phạm pháp luật của
UBND tỉnh nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật,
văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có hình thức, nội dung như văn bản quy
phạm pháp luật do các sở, ban, ngành mình ban hành.
3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện việc tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy
phạm pháp luật do Giám đốc Sở Tư pháp tham mưu ban hành hoặc tự mình ban hành.
Điều 7. Trách nhiệm kiểm tra văn bản
Giám đốc Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc kiểm
tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã ban hành.
Chương III
THỦ TỤC TỰ KIỂM TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN TRÁI PHÁP
LUẬT
Điều 8. Gửi và tiếp nhận văn bản để tự kiểm tra, kiểm
tra
1. Đối với các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quy chế này, khi
làm thủ tục phát hành, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng HĐND, UBND các
huyện, thị có trách nhiệm gửi Sở Tư pháp 01 bản để thực hiện việc tự kiểm tra,
kiểm tra trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành.
2. Khi nhận được thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn
bản do UBND tỉnh, văn bản do HĐND, UBND các huyện, thị xã ban hành có dấu hiệu
trái pháp luật hoặc nhận được yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức,
các cơ quan thông tin đại chúng và cá nhân về văn bản của UBND tỉnh, huyện có
chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm
pháp luật hoặc do các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc UBND tỉnh, huyện không có
thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 2
của Quy chế này. Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị khác thuộc UBND tỉnh có
trách nhiệm thông báo và chuyển các tài liệu có liên quan đến Sở Tư pháp để tự
kiểm tra, kiểm tra.
Điều 9. Xử lý văn bản trái pháp luật qua việc tự kiểm
tra
1. Khi thực hiện việc tự kiểm tra văn bản, phát hiện văn bản có dấu hiệu
trái pháp luật thì Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ tự kiểm tra văn bản và báo cáo
ngay với Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, thực hiện việc tự xử lý theo quy định của
pháp luật.
2. Đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật có thông báo của cơ quan
có thẩm quyền kiểm tra văn bản yêu cầu tự kiểm tra hoặc có yêu cầu, kiến nghị,
khiếu nại được chuyển, gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra theo quy định tại khoản 2
Điều 8 của Quy chế này, Giám đốc Sở Tư pháp thông báo cho thủ trưởng đơn vị đã
chủ trì, tham mưu soạn thảo, ban hành văn bản đó để tổ chức tự kiểm tra.
3. Thủ trưởng đơn vị đã chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành văn bản có
trách nhiệm tổ chức tự kiểm tra văn bản. Trong quá trình tự kiểm tra có trách
nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp để làm rõ các nội dung có dấu hiệu trái pháp luật
của văn bản, biện pháp xử lý và chuẩn bị văn bản xử lý. Trong trường hợp cần
thiết, đơn vị chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành văn bản và Sở Tư pháp có
hình thức thích hợp để lấy ý kiến tham gia của các đơn vị khác có liên quan thuộc
UBND tỉnh, ban pháp chế Hội đồng nhân dân, tổ chức pháp chế và các cơ quan, tổ
chức hữu quan khác về các vấn đề nêu trên.
4. Trong trường hợp Sở Tư pháp và đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản thống nhất
ý kiến về nội dung trái pháp luật của văn bản, thống nhất biện pháp xử lý là
đình chỉ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản thì Giám đốc Sở Tư pháp
dự thảo quyết định xử lý. Nếu biện pháp được đề xuất là sửa đổi một phần hoặc
toàn bộ nội dung của văn bản thì đơn vị đã chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành
văn bản phải dự thảo ngay văn bản sửa đổi hoặc thay thế. Đối với vấn đề có nội
dung phức tạp cần có thêm thời gian nghiên cứu để dự thảo văn bản sửa đổi thì
đơn vị đã chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành phải có báo cáo riêng nêu rõ lý
do và xác định thời hạn trình văn bản. Trong trường hợp đó dự thảo quyết định xử
lý phải quy định rõ việc đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản có nội
dung trái pháp luật.
5. Trong trường hợp Sở Tư pháp và đơn vị đã chủ trì soạn thảo, tham mưu
ban hành văn bản không thống nhất ý kiến thì đơn vị đã chủ trì soạn thảo, tham
mưu ban hành phải có văn bản trình bày quan điểm của mình gởi Sở Tư pháp.
Điều 10. Xử lý văn bản trái pháp luật qua việc kiểm
tra
Đối với các văn bản qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật thì
Sở Tư pháp thông báo cho cơ đã quan ban hành văn bản có sai sót để tổ chức tự
kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày
cơ quan ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý theo thông báo
của Sở Tư pháp hoặc Sở Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Sở Tư pháp
báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Điều 11. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả tự kiểm
tra, kiểm tra văn bản có nội dung trái pháp luật.
Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bằng văn bản về kết quả tự
kiểm tra, kiểm tra kèm theo hồ sơ văn bản có nội dung trái pháp luật. Báo cáo
phải nêu rõ tên văn bản được kiểm tra; cơ sở pháp lý để kiểm tra; quá trình tổ
chức kiểm tra; nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra; ý kiến của
Giám đốc Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan về kết quả kiểm tra, xử
lý văn bản.
Trong trường hợp các đơn vị thống nhất ý kiến về kết quả kiểm tra, biện
pháp xử lý thì báo cáo phải kèm theo dự thảo quyết định xử lý và dự thảo văn bản
sửa đổi (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của quy chế này.
Điều 12. Xem xét, quyết định xử lý văn bản có nội
dung trái pháp luật
Trên cơ sở báo cáo và hồ sơ văn bản có nội dung trái pháp luật quy định tại
Điều 11 của quy chế này, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định việc xử lý văn
bản có nội dung trái pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh
yêu cầu Giám đốc Sở Tư pháp, thủ trưởng đơn vị đã chủ trì soạn thảo, tham mưu
ban hành văn bản, cùng các đơn vị khác có liên quan báo cáo trực tiếp và trao đổi
ý kiến trước khi quyết định.
Điều 13. Thời hạn tự kiểm tra, xử lý đối với văn bản
có dấu hiệu trái pháp luật theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm
tra văn bản
Thời hạn tự kiểm tra, xử lý đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật
theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn bản chậm nhất
không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh nhận được thông báo về
văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đến ngày gửi văn bản thông báo kết quả kiểm
tra, xử lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn bản, bao gồm các thời
hạn cụ thể sau đây:
1. Chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông
báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn bản, UBND tỉnh thông báo và
chuyển các tài liệu có liên quan đến Sở Tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều
8 của Quy chế này;
2. Chậm nhất không quá hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
thông báo và các tài liệu có liên quan, Sở Tư pháp phối hợp với đơn vị đã chủ
trì soạn thảo, tham mưu ban hành văn bản hoàn thành việc tự kiểm tra văn bản có
dấu hiệu trái pháp luật theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 9 của Quy chế
này để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
3. Chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo
cáo của Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và quyết định việc xử
lý văn bản có nội dung trái pháp luật.
Điều 14. Thông báo kết quả xử lý văn bản
1. Việc thông báo kết quả xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện như
sau:
a) Kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật phải
được gửi đăng Công báo của tỉnh;
b) Đối với văn bản quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quy chế này, kết quả xử
lý phải được gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chủ trì soạn thảo, tham
mưu ban hành văn bản;
c) Trong trường hợp văn bản được kiểm tra và xử lý theo thông báo của cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn bản thì kết quả xử lý văn bản còn đồng
thời được gửi cho cơ quan đó;
d) Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm gửi đăng Công báo, thông báo kết quả
xử lý, đồng thời thông báo công khai kết quả xử lý tại cuộc họp gần nhất của
lãnh đạo UBND tỉnh.
2. Đối với văn bản tự kiểm tra theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền kiểm tra văn bản chuyển đến mà kết quả cho thấy văn bản được ban hành
đúng pháp luật thì sau khi báo cáo và được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý, Sở Tư
pháp phối hợp với đơn vị đã chủ trì soạn thảo văn bản đó chuẩn bị văn bản thông
báo kết quả tự kiểm tra trình Chủ tịch UBND tỉnh ký để gửi cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền kiểm tra văn bản.
Điều 15. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, cá nhân
tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc UBND tỉnh, cán bộ, công chức đã tham mưu ban
hành văn bản trái pháp luật phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 34 của
Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy
phạm pháp luật.
2. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định hình thức, mức độ xử lý đối với
thủ trưởng đơn vị, cán bộ, công chức đã tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật
được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 16. Kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc bí
mật Nhà nước
Việc kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước được thực
hiện theo quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2 Điều
11 của Thông tư số 20/2010/TT-BTP
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Điều kiện bảo đảm phục vụ công tác kiểm tra
Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, tự kiểm tra do ngân sách Nhà nước cấp
theo quy định hiện hành, được dự toán chung trong kinh phí hoạt động thường
xuyên hàng năm của Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành tỉnh.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Những nội dung khác liên quan đến công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản
không quy định trong Quy chế này thì thực thiện theo Nghị định số
40/2010/NĐ-CP , ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm
pháp luật và Thông tư số 20/2010/TT-BTP , ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp Quy định
chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP .
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này có thể được sửa đổi, bổ sung cho
phù hợp với tình hình thực tế./.