BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số:
3285/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC KIỂM
NGƯ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC THỦY SẢN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ Sửa đổi Điều 3 của Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày
29/11/2012 của Chính phủ Về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư;
Xét đề nghị của Tổng cục Thủy sản tại văn bản số 2496/TTr-TCTS-PCTTr ngày
14/12/2012 về ký ban hành Quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm ngư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Kiểm ngư là cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản
trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu
giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản quản lý nhà nước chuyên ngành về kiểm
ngư; thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử
lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt
Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Cục Kiểm ngư có tư cách pháp nhân, có con dấu
riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Kinh phí hoạt động do ngân
sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục Kiểm ngư đặt tại thành phố Hà Nội.
4. Tên giao dịch tiếng Anh: Department of Fisheries
Resources Surveillance; viết tắt (DFIRES).
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế
chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công,
phân cấp.
2. Tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát,
phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển
Việt Nam theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
4. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện
pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước hoạt động thủy sản
trên các vùng biển Việt Nam.
5. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.
6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp
luật quốc tế về thủy sản; hướng dẫn ngư
dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển thực hiện các quy định
pháp luật về thủy sản.
7. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục các sự cố trên biển; bảo vệ tài sản của Nhà nước,
tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống ô nhiễm môi trường biển.
8. Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền
tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.
9. Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy sản
theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
10. Xây dựng và phát triển lực lượng Kiểm ngư theo
quy định; phối hợp với các cơ quan, tổ chức
có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm ngư
viên, công chức, viên chức và Thuyền viên tàu Kiểm ngư.
11. Phối hợp
với các lực lượng tuần tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các Bộ, ngành và
địa phương trong việc trao đổi thông tin, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật về thủy sản trên các vùng biển
Việt Nam.
12. Tổ chức thực hiện lệnh điều động lực lượng và
phương tiện trong những trường hợp khẩn cấp,
cần thiết được pháp luật quy định.
13. Quản lý tàu Kiểm ngư; trang phục, phù hiệu, cấp
hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ Kiểm ngư viên; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính của
Kiểm ngư; phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng; phương tiện, thiết bị đặc
thù; công cụ tự vệ phục vụ hoạt động của Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực Kiểm
ngư theo kế hoạch cải cách hành chính của Tổng cục Thủy sản và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
15. Quản lý tổ chức
bộ máy, biên chế công chức, viên chức và người lao động; quản lý tài sản, tài
chính, phương tiện, trang thiết bị và các nguồn lực khác theo quy định của pháp
luật; thực hiện chế độ tiền lương, các chính sách, chế độ, thi đua, khen thưởng,
kỷ luật, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng
theo quy định của pháp luật.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng và Tổng
cục trưởng Tổng cục Thủy sản giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Văn phòng Cục.
2. Phòng Tổ chức cán bộ.
3. Phòng Kế hoạch, Tài chính.
4. Phòng chỉ huy nghiệp vụ.
5. Phòng đào tạo và Hợp tác Quốc tế.
6. Chi cục Kiểm ngư Vùng 1.
7. Chi cục Kiểm ngư Vùng 2.
8. Chi cục Kiểm ngư Vùng 3.
9. Chi cục Kiểm ngư Vùng 4.
10. Trung tâm Thông tin Kiểm ngư.
Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 5 là các
tổ chức giúp Cục trưởng Cục Kiểm ngư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Kiểm
ngư.
Các tổ chức quy định từ khoản 6 đến khoản 9 là các
tổ chức giúp Cục trưởng Cục Kiểm ngư thực hiện việc tuần tra, kiểm tra, kiểm
soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành về thủy sản
trên các vùng biển Việt Nam.
Tổ chức quy định tại khoản 10 là tổ chức sự nghiệp
phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục Kiểm ngư.
Các tổ chức từ khoản 6 đến khoản 10 có tư cách pháp
nhân, có con dấu và trụ sở riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và
Ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổng cục trưởng Tổng
cục Thủy sản quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị
trực thuộc Cục Kiểm ngư; ban hành Quy chế làm việc của Cục Kiểm ngư.
Việc thành lập mới, điều chỉnh, bổ sung cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm ngư do Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Lãnh đạo Cục Kiểm ngư
1. Cục Kiểm ngư có Cục trưởng và các Phó cục trưởng;
các Phòng có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng; các Chi cục có Chi cục trưởng, Chi
cục phó; Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm.
2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng, các Phó Cục
trưởng Cục Kiểm ngư; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị thuộc Cục Kiểm ngư theo quy
định của pháp luật và phân cấp thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
3. Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu
trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục
Thủy sản và trước pháp luật về hoạt động
của Cục; Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số nhiệm vụ theo
phân công và ủy quyền của Cục trưởng và
chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25
tháng 01 năm 2013.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chánh thanh tra Bộ và Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTg. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng (để c/đ);
- Các Vụ, Tổng cục, Cục, Thanh tra, VP;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|