ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3099/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày
12 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH Y KHOA VÀ LĨNH VỰC DƯỢC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA
SỞ Y TẾ TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành
chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 và Nghị định số
92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số
02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số
361/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc
phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Y tế tại Tờ trình số 4715/TTr-SYT ngày 26 tháng 10 năm 2021,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thông qua phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành
chính trong lĩnh vực giám định y khoa và lĩnh vực dược thuộc thẩm quyền giải
quyết của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận (Phụ lục đính kèm).
Điều 2.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các
đơn vị có liên quan dự thảo văn bản thực thi phương án đơn giản hóa, sáng kiến
cải cách thủ tục hành chính không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh sau
khi được Bộ Y tế thông qua.
Điều 3.
Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm
tra, đôn đốc các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.
Điều 4.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 5.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế,
Thủ trưởng các Sở, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Văn phòng Chính phủ (Cục KSTTHC);
- Bộ Y tế;
- Lưu:VT, KGVXNV, NCKSTTHC.Huy
|
CHỦ TỊCH
Lê Tuấn Phong
|
PHỤ LỤC
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC
GIÁM ĐỊNH Y KHOA VÀ LĨNH VỰC DƯỢC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ Y TẾ TỈNH
BÌNH THUẬN
(kèm theo Quyết định số 3099/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
1. Thủ tục
khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động (Mã
số thủ tục hành chính: 1.002671)
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
a) Bổ sung quy định tại khoản 3
Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định
chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc
lĩnh vực y tế (Thông tư số 56/2017/TT-BYT) như sau:
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Lý do: Thông tư số
56/2017/TT-BYT không quy định số lượng hồ sơ (bộ) phải nộp.
b) Bổ sung nội dung ô dán ảnh
trong “Mẫu giấy giới thiệu đề nghị giám định” (Phụ lục 01 ban hành kèm theo
Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017); đồng thời, bổ sung ghi chú như
sau: Dán ảnh chân dung của người được đề nghị khám giám định chụp trên nền trắng
cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày lập hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và
đóng dấu giáp lai của cơ quan, đơn vị đang làm việc.
- Lý do:
+ Trong “Mẫu giấy giới thiệu đề
nghị giám định” không nêu phải có ảnh chân dung; thay vào đó, tại điểm c khoản
3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT- BYT quy định phải có một trong các giấy tờ quy
định tại điểm đ khoản 1 Điều 5. Điểm đ khoản 1 Điều 5 quy định: “Một trong các
giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu
lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của
Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh.
Tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số
52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về nhiệm vụ, quyền
hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp,
quy định người khám giám định y khoa phải kiểm tra một trong các giấy tờ có ảnh:
Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy xác nhận
của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú có dán ảnh chân
dung của đối tượng chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày
lập hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và đóng dấu giáp lai.
Như vậy, mục đích của việc nộp
một trong các giấy tờ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư số
56/2017/TT-BYT (Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực)
là dùng để đối chiếu giữa hồ sơ và người được giám định.
Quy định nêu trên là không cần
thiết. Nếu giấy giới thiệu có ảnh của người được đề nghị giám định, có đóng dấu
giáp lai của cơ quan, đơn vị sử dụng lao động thì sẽ đáp ứng yêu cầu đối chiếu và
không cần nộp thêm các giấy tờ có ảnh như quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5
Thông tư số 56/2017/TT-BYT và khoản 1 Điều 20 Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày
30/12/2016. Đơn vị giám định y khoa có thể sử dụng giấy giới thiệu để đối chiếu
trong quy trình giám định. Mặt khác, đối tượng được giám định là người lao động
đang thuộc quản lý của cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, việc xác thực bằng con
dấu của cơ quan, đơn vị trên ảnh phù hợp với các thông tin về người được đề nghị
giám định có độ tin cậy còn cao hơn các giấy tờ khác.
+ Điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông
tư số 56/2017/TT-BYT quy định trong trường hợp không có Chứng minh nhân dân;
Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực thì có thể thay thế bằng Giấy xác nhận
của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh; nhưng Thông tư số
56/2017/TT-BYT không quy định thông tin trên giấy xác nhận gồm những gì, cũng
không có mẫu giấy xác nhận.
+ Điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông
tư số 56/2017/TT-BYT quy định giấy giới thiệu đề nghị giám định có giá trị
trong vòng ba tháng kể từ ngày ký giới thiệu. Quy định thời hạn có giá trị của
Giấy giới thiệu ngắn, không phù hợp với điều kiện người lao động suy giảm sức
khỏe, đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời, quy định này
không thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 52/2016/TT-BYT
ngày 30/12/2016.
c) Bổ sung vào Phụ lục 02 “Mẫu
giấy đề nghị giám định” ban hành kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT yêu cầu:
Có dán ảnh chân dung của người đề nghị giám định chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4
cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày lập hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và đóng dấu
giáp lai của cơ quan, đơn vị đang làm việc.
- Lý do: Nếu giấy đề nghị khám
giám định có ảnh của người đề nghị giám định, có đóng dấu giáp lai của cơ quan,
đơn vị sử dụng lao động thì sẽ không cần nộp thêm các giấy tờ có ảnh như quy định
tại điểm c khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT và khoản 1 Điều 20 Thông
tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016. Đồng thời, đơn vị giám định y khoa có thể
sử dụng giấy giới thiệu để đối chiếu trong quy trình giám định.
d) Sửa đổi quy định tại điểm a
khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT- BYT theo hướng người lao động đang đóng
bảo hiểm xã hội bắt buộc có quyền tự mình đề nghị giám định (thực hiện như người
thuộc đối tượng người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc
người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp
hàng tháng cùng được quy định tại a khoản 3 Điều 5).
- Lý do: Điểm a khoản 3 Điều 5
Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định rằng đối với người lao động đang đóng bảo
hiểm xã hội bắt buộc thì buộc phải có Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động:
“Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động: “Giấy
giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo
Thông tư này đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Nếu
không có Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động, thì không thực hiện thủ tục
này được, tức là người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc muốn được
giám định để nghỉ hưu không thể thực hiện giám định. Trong thực tế, nhiều trường
hợp, người sử dụng lao động không viết giấy giới thiệu hoặc trì hoãn việc viết
giấy giới thiệu cho người lao động đi khám giám định. Do đó, quy định này không
bảo đảm quyền của người lao động.
đ) Sửa đổi, thay thế cụm từ “bản
sao hợp lệ” thành “bản chụp” tại điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số
56/2017/TT-BYT .
- Lý do: Tại điểm b khoản 3 Điều
5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về
thành phần hồ sơ phải có: Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ
khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật,
Giấy ra viện, Sổ khám bệnh…
Quy định trên không phù hợp,
không rõ để thực hiện, cụ thể là:
+ Bản chính của các giấy tờ nêu
trên được người lao động sử dụng và cần thiết để thực hiện các thủ tục đề nghị
được hưởng các quyền, lợi ích khác; nếu yêu cầu nộp bản chính là không phù hợp,
ảnh hưởng đến việc hưởng các quyền, lợi ích khác của người lao động (ví dụ giấy
ra viện dùng để thực hiện thủ tục đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau; hoặc
Sổ khám bệnh còn dùng để đi khám bệnh).
+ Quy định “bản sao hợp lệ”
không rõ, hình thức của bản sao như thế nào được công nhận là hợp lệ.
+ Giá trị của những giấy tờ này
chủ yếu là để làm cơ sở định hướng giám định, không phải là bằng chứng làm căn
cứ để kết luận, do đó không nhất thiết phải có bản chính.
e) bãi bỏ quy định phải nộp “Một
trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ
chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy
xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp
trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định”
trong thành phần hồ sơ.
- Lý do: Tại điểm c khoản 3 Điều
5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thành phần hồ sơ
phải có một trong các giấy tờ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5. Điểm đ khoản
1 Điều 5 quy định: “Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân;
Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu
trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai
trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề
nghị khám giám định”.
Quy định trên không rõ, không
thuận lợi cho người đề nghị giám định, cụ thể như sau:
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều
20 Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 thì việc yêu cầu có các giấy tờ
trên là để phục vụ đối chiếu trong quy trình giám định (tuy nhiên, quy định
tại khoản 1 Điều 20 Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 yêu cầu: “Giấy
xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú có dán ảnh
chân dung của đối tượng chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách
ngày lập hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và đóng dấu giáp lai”. Qua so sánh, quy
định tại Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 rõ hơn (về kích thước ảnh,
về loại ảnh (là ảnh chân dung), và về đơn vị cấp là Công an cấp xã nơi thường
trú hoặc tạm trú (đều được chấp nhận); ngoài ra, thời hạn hiệu lực của Giấy xác
nhận của Công an cấp xã giữa hai Thông tư đều do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy
định về cùng một việc khác nhau: Tại Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016
là không quá 06 (sáu) tháng; tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 là
không quá 03 (ba) tháng).
1.2. Kiến nghị thực thi:
a) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số
56/2017/TT-BYT như sau:
Số lượng hồ sơ phải nộp: 01 bộ.
b) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư bổ sung Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số
56/2017/TT-BYT như sau:
Bổ sung ô dán ảnh trong “Mẫu giấy
giới thiệu đề nghị giám định”. Đồng thời, bổ sung dòng ghi chú trong “Mẫu giấy
giới thiệu đề nghị giám định” như sau: Dán ảnh chân dung của người được đề nghị
khám giám định chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày lập
hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và đóng dấu giáp lai của cơ quan, đơn vị đang
làm việc.
c) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư bổ sung vào Phụ lục 02 “Mẫu giấy đề nghị giám định” ban hành
kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT như sau:
Bổ sung ô dán ảnh trong “Mẫu giấy
đề nghị giám định”. Đồng thời, bổ sung dòng ghi chú trong “Mẫu giấy đề nghị
giám định” như sau: Dán ảnh chân dung của người đề nghị khám giám định chụp
trên nền trắng cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày lập hồ sơ không quá 06
(sáu) tháng và đóng dấu giáp lai của cơ quan, đơn vị đang làm việc.
d) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT , trong đó, sửa đổi
điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT như sau: Giấy giới thiệu của
người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 hoặc Giấy đề nghị khám
giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này đối với người
lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu
quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang bảo
lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc
chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng.
Đồng thời, kiến nghị Bộ trưởng
Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 Thông tư số 52/2016/TT-BYT như sau:
Người thực hiện khám giám định y khoa có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu người
khám giám định với giấy giới thiệu đề nghị giám định hoặc giấy đề nghị khám
giám định.
đ) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư sửa đổi, thay thế cụm từ “bản sao hợp lệ” thành “bản chụp” tại
điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT .
e) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ
Y tế như sau: Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 5 Thông tư số 56/2017/TT-BYT .
1.3. Lợi ích của phương án
đơn giản hóa:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành
chính trước khi đơn giản hóa: 358.183.616 đồng/năm (trường hợp nộp hồ sơ và nhận
kết quả trực tiếp); 335.904.352 đồng/năm (trường hợp nộp hồ sơ và nhận kết quả
qua bưu điện).
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành
chính sau khi đơn giản hóa: 337.877.792 đồng/năm (trường hợp nộp hồ sơ và nhận
kết quả trực tiếp); 315.598.528 đồng/năm (trường hợp nộp hồ sơ và nhận kết quả
qua bưu điện).
- Chi phí tiết kiệm: 20.305.824
đồng/năm (cho cả hai trường hợp nộp hồ sơ).
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau
khi đơn giản hóa lần lượt là: 5,67 % (trong trường hợp nộp hồ sơ, nhận kết quả
trực tiếp) và 6,05 % (trong trường hợp nộp hồ sơ, nhận kết quả qua bưu điện).
Ngoài ra, việc thực hiện phương
án đơn giản hóa giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động;
giúp cho cá nhân người lao động dê dang, thuận lợi hơn trong việc lập hồ sơ đề
nghị khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí.
2. Thủ tục
đánh giá duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (Mã số
thủ tục hành chính: 1.002952):
2.1. Nội dung đơn giản hóa:
a) Bổ sung quy định phân cấp
cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá định kỳ
duy trì đáp ứng thực hành tốt đối với cơ sở bán lẻ thuốc là quầy thuốc; các quầy
thuốc nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ về Bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân
cấp huyện.
- Lý do: Theo quy định tại khoản
3, Điều 33 Luật Dược ngày 06/4/2016, khoản 1, Điều 9 Thông tư số 02/2018/TT-BYT
ngày 22/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ
thuốc (Thông tư số 02/2018/TT- BYT) thì việc đánh giá duy trì đáp ứng thực hành
tốt đối với các cơ sở bán lẻ thuốc được thực hiện 03 năm một lần; đối chiếu với
điều kiện thực tế ở tỉnh Bình Thuận, mỗi năm có gần 300 quầy thuốc phải thực hiện
đánh giá duy trì đáp ứng thực hành tốt1; như vậy,
toàn bộ số lượng công chức của Sở Y tế có chuyên môn về dược phải dành hầu hết
thời gian để thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi phạm vi nhiệm vụ tham mưu quản
lý nhà nước về dược và mỹ phẩm rất rộng, công việc phải tác nghiệp rất nhiều;
có nhiều nhiệm vụ có tác động sâu rộng, quan trọng hơn đối với công tác quản lý
nhà nước về dược, mỹ phẩm.
b) Sửa đổi các quy định tại Điều
10 Thông tư số 02/2018/TT-BYT: Phân cấp thẩm quyền xử lý kết quả đánh giá định
kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt đối với cơ sở bán lẻ thuốc, trừ quy định
về thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy chứng nhận GPP tại
điểm b, khoản 3 Điều này.
- Lý do: Điều 10 Thông tư số
02/2018/TT-BYT quy định về xử lý kết quả đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng
Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Để phù hợp với việc phân cấp cho Ủy ban nhân
dân cấp huyện đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực hành tốt đối với cơ sở
bán lẻ thuốc là quầy thuốc, thì cần sửa đổi các quy định tương ứng về thẩm quyền,
trách nhiệm xử lý kết quả đánh giá định kỳ. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 3 Điều
10 có quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy
chứng nhận GPP (nếu có) đã cấp; các Giấy chứng nhận này do Sở Y tế cấp, để phù
hợp với nguyên tắc về thẩm quyền, nên quy định bổ sung Ủy ban nhân dân cấp huyện
đề nghị Sở Y tế thu hồi.
c) Sửa đổi, bổ sung nội dung Mẫu
số 01/GPP: Đơn đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì GPP (Phụ lục III ban hành
kèm theo Thông tư số 02/2018/TT-BYT).
- Lý do: Để phù hợp với việc
phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng Thực
hành tốt đối với cơ sở bán lẻ thuốc là quầy thuốc.
2.2. Kiến nghị thực thi:
a) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế
ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2018/TT-BYT như sau:
- Bổ sung khoản 3, Điều 9 quy định
sau: Đối với cơ sở bán lẻ thuốc là quầy thuốc, nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định
kỳ về Bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Sửa đổi quy định tại Điều 10
Thông tư số 02/2018/TT-BYT như sau: Sửa đổi, thay thế cụm từ “Sở Y tế” thành “Ủy
ban nhân dân cấp huyện” trong các quy định tại Điều 10 Thông tư số
02/2018/TT-BYT đối với loại hình cơ sở bán lẻ là quầy thuốc, trừ quy định về
thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy chứng nhận GPP tại
điểm b, khoản 3 Điều này.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản
3 Điều 10 như sau: Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Sở Y tế thu hồi Giấy chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận GPP (nếu có) đã cấp đối với
quầy thuốc.
- Sửa đổi, thay thế cụm từ “Sở
Y tế” thành “Ủy ban nhân dân cấp huyện” trong các quy định tại Điều 10 Thông tư
số 02/2018/TT-BYT đối với loại hình cơ sở bán lẻ là quầy thuốc, trừ quy định về
thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Giấy chứng nhận GPP tại
điểm b, khoản 3 Điều này.
- Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản
3 Điều 10 như sau: Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Sở Y tế thu hồi Giấy chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và Giấy chứng nhận GPP (nếu có) đã cấp đối với
quầy thuốc.
- Bổ sung tại khoản 2 và khoản
3 Điều 12 cụm từ: “Hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với quầy thuốc” sau các cụm
từ “Sở Y tế”.
- Bổ sung quy định tại khoản 1,
Điều 13: Đối với quầy thuốc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
thành lập Đoàn đánh giá.
- Bổ sung quy định làm rõ các cụm
từ “đơn vị liên quan đến công tác quản lý dược” tại khoản 1, Điều 13 và cụm từ
“kinh nghiệm trong công tác quản lý dược” tại điểm d, khoản 2, Điều 13; đồng thời,
bổ sung quy định bảo đảm nhân sự ở khoa Dược của Bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến
huyện được tham gia Đoàn đánh giá.
- Sửa đổi Mẫu số 01/GPP: Đơn đề
nghị đánh giá định kỳ việc duy trì GPP (Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư
số 02/2018/TT-BYT) như sau:
+ Tại Dòng “kính gửi” và dòng
“Nay, cơ sở chúng tôi đề nghị” của Mẫu số 01/GPP: Đơn đề nghị đánh giá định kỳ
việc duy trì GPP: Bỏ cụm từ “Sở Y tế”.
+ Bổ sung dòng ghi chú ở cuối mẫu
đơn: Đơn gửi Sở Y tế; riêng đối với quầy thuốc ghi gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện”.
b) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ban
hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2020/TT-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ
trưởng Bộ Y tế Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày
22/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc
(Thông tư số 12/2020/TT-BYT):
- Bổ sung quy định tại khoản 6,
Điều 1 Thông tư số 12/2020/TT-BYT: Đối với cơ sở bán lẻ thuốc là quầy thuốc, Ủy
ban nhân dân cấp huyện ban hành văn bản yêu cầu quầy phải nộp hồ sơ đề nghị
đánh giá định kỳ.
- Bổ sung quy định tại khoản 7,
Điều 1 Thông tư số 12/2020/TT-BYT: Bổ sung cụm từ, để trong ngoặc đơn: (hoặc Ủy
ban nhân dân cấp huyện đối với quầy thuốc) sau cụm từ “Sở Y tế”.
- Bổ sung quy định tại khoản 8,
Điều 1 Thông tư số 12/2020/TT-BYT: Bổ sung vào cuối khoản này nội dung: ‘Đối với
quầy thuốc, gửi đến Bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp huyện”.
- Bổ sung quy định tại khoản 9,
Điều 1 Thông tư số 12/2020/TT-BYT: Bổ sung vào cuối khoản này nội dung: ‘Hoặc Ủy
ban nhân dân cấp huyện đối với quầy thuốc”.
2.3. Lợi ích của phương án
đơn giản hóa:
Phương án đơn giản hóa theo kiến
nghị nêu trên không làm thay đổi chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các tổ
chức, cá nhân. Nhưng đối với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, nếu phân cấp
cho cấp huyện thì trên cơ sở thực tế của địa bàn tỉnh Bình Thuận, mỗi năm ước
chừng tiết kiệm được 144.455.000 đồng (một trăm bốn mươi bốn triệu, bốn trăm
năm mươi lăm ngàn đồng), gồm chi phí nhiên liệu, cước phí đường bộ, ... cho
Đoàn đánh giá của Sở Y tế đi đánh giá duy trì đáp ứng Thực hành tốt đối với cơ
sở bán lẻ thuốc là quầy thuốc theo thời giá hiện hành.
Ngoài ra, việc thực hiện phương
án đơn giản hóa thủ tục hành chính này giúp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản
lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc bán lẻ trên địa bàn. Đối với
Sở Y tế, tạo điều kiện để công chức được giao các nhiệm vụ trong lĩnh vực dược,
mỹ phẩm tập trung đầu tư cho công tác tham mưu quản lý nhà nước về dược, mỹ phẩm./.
1 Năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 153 nhà thuốc,
814 quầy thuốc (Báo cáo số 378/BC-SYT ngày 31/12/2020 của Sở Y tế tỉnh Bình
Thuận). Với số lượng quầy thuốc như trên (và sẽ ngày càng tăng thêm), việc
tổ chức đánh giá định kỳ sử dụng công chức của Sở Y tế gây áp lực không cần thiết
cho công chức làm nhiệm vụ tham mưu quản lý về dược (hiện nay, tại Sở Y tế chỉ
có 04 biên chế có bằng cấp chuyên môn về dược); trong khi đó, nhiệm vụ đánh giá
duy trì đáp ứng thực hành tốt không khó khăn, phức tạp và sâu về chuyên môn đến
mức chỉ có công chức của Sở Y tế mới thực hiện được. Ngoài ra, các quầy thuốc
hiện nay tập trung ở địa bàn các huyện, ở các xã vùng sâu, vùng xa (theo quy định
tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 Quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược thì ở địa bàn phường không
được mở quầy thuốc).