BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2899/QĐ-BNN-TTr
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH "QUY CHẾ THANH TRA, KIỂM TRA VÀ KIỂM TOÁN NỘI BỘ CHƯƠNG TRÌNH MỤC
TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN"
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP
ngày 03/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày
04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý, điều hành thực hiện
các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch
và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015;
Căn cứ Quyết định số 2283/QĐ-BNN-HTQT ngày
21/9/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Báo
cáo nghiên cứu khả thi Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết
quả tại 08 tỉnh đồng bằng sông Hồng vốn vay Ngân hàng Thế giới;
Căn cứ Hiệp định tài trợ số 5176-VN ngày
22/2/2013 giữa Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA thuộc Ngân hàng Thế giới (WB)
và Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tài trợ cho Chương trình "Mục
tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn phương thức dựa trên kết quả tại 8
tỉnh đồng bằng sông Hồng";
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế thanh tra, kiểm
tra và kiểm toán nội bộ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi
trường nông thôn".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các cơ quan được phân công chủ trì các dự án theo Quyết định
số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ;
- AusAID;
- Tổng cục Thủy lợi;
- VP thường trực CTMTQG;
- Trung tâm QG NSVSMTNT;
- Lưu: VT, TTra.
|
KT. BỘ TRƯỞNG -
TRƯỞNG BAN
THỨ TRƯỞNG - PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Hoàng Văn Thắng
|
QUY CHẾ
THANH
TRA, KIỂM TRA VÀ KIỂM TOÁN NỘI BỘ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ
SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2899/QĐ-BNN-TTr ngày 09/12/2013 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về công tác thanh tra, kiểm
tra của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với các dự án, công trình được
thực hiện trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh
môi trường nông thôn (sau đây gọi tắt là Chương trình) và công tác kiểm toán nội
bộ đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh
đồng bằng sông Hồng (sau đây gọi tắt là PforR).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan được phân
công chủ trì, quản lý, thực hiện các dự án theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày
31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương; các cơ quan thanh tra có thẩm quyền thuộc các Bô: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan thanh tra có thẩm
quyền thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức, cá nhân được
giao nhiệm vụ kiểm toán nội bộ PforR; các tổ chức, đơn vị được giao quản lý
công trình sau đầu tư.
Điều 3. Nguyên tắc thanh tra,
kiểm tra và kiểm toán nội bộ
1. Việc thanh tra, kiểm tra phải tuân theo pháp luật
về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham
nhũng; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời;
không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các
cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường
của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
2. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm toán nội
bộ PforR phải độc lập với cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện PforR;
hoạt động kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và công bằng.
Điều 4. Mục tiêu của thanh tra,
kiểm tra, kiểm toán nội bộ
1. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ
Chương trình nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ
Chương trình và PforR, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch được duyệt, phù hợp với
mục tiêu của Chương trình và các cam kết đã được nêu trong các Hiệp định tài trợ;
đảm bảo các công trình, dự án được đầu tư và sử dụng có hiệu quả, đúng mục
đích.
2. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi
vi phạm trong việc quản lý, thực hiện Chương trình và việc quản lý công trình
sau đầu tư.
3. Phát hiện những sơ hở, bất cập của các quy định liên
quan đến việc quản lý và thực hiện các mục tiêu của Chương trình; kiến nghị với
cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung để khắc phục những
sơ hở, bất cập đó.
4. Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, tăng cường hệ
thống kiểm soát và quy trình quản lý dự án.
Điều 5. Trách nhiệm thanh tra,
kiểm tra và kiểm toán nội bộ
1. Các cơ quan được phân công chủ trì, quản lý, thực
hiện các dự án theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính
phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi quản
lý của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với
các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn khác thuộc
Chương trình, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
2. Các tổ chức, đơn vị được giao quản lý công trình
sau đầu tư có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc sử dụng công trình, bảo
đảm cho công trình được vận hành theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật; khai
thác dự án và công trình đúng mục đích, có hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người
dân và cộng đồng thụ hưởng, chống thất thoát, lãng phí.
3. Ủy ban nhân dân 8 tỉnh tham gia PforR có trách
nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng
kiểm toán nội bộ cho Chương trình tại tỉnh; đảm bảo các nguồn lực và tạo các điều
kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm toán nội bộ hoàn
thành việc kiểm toán theo quy định tại Quy chế này.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có
trách nhiệm kiểm toán nội bộ chung đối với PforR; trực tiếp kiểm toán chi phí
phát sinh đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tham gia Chương trình.
4. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm toán nội
bộ PforR tại các tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ với Ban
điều hành Chương trình của tỉnh qua Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thuộc tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm định kỳ
6 tháng một lần báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ và giải quyết khiếu nại của tỉnh
với Ban Chủ nhiệm Chương trình qua Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
Điều 6. Bảo đảm thi hành kết luận
thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của kiểm
toán nội bộ
1. Thủ trưởng các cơ quan được phân công chủ trì,
quản lý, thực hiện các dự án theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của
Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý kịp thời kết luận,
kiến nghị thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của kiểm toán nội bộ; ban hành quyết
định xử lý về thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử
lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; khắc phục kịp thời sơ hở,
yếu kém trong công tác quản lý.
2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm
tra.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp
hành kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra mà
không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử
lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì
phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ,
THỦ TỤC THANH TRA, KIỂM TRA, KIỂM TOÁN NỘI BỘ
Điều 7. Xây dựng kế hoạch thanh
tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ
1. Căn cứ quy định của pháp luật về thanh tra, các
cơ quan được phân công chủ trì, quản lý, thực hiện các dự án theo Quyết định số
366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm
tra các công trình, dự án thuộc Chương trình trước ngày 25 tháng 11 hàng năm.
Các cơ quan thanh tra có thẩm quyền thuộc các Sở có
liên quan có trách nhiệm xây dựng, trình Giám đốc Sở xem xét, phê duyệt kế hoạch
thanh tra trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
2. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm toán nội
bộ PforR có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ, trình người có thẩm
quyền phê duyệt trước ngày 25 tháng 11 hàng năm.
Kế hoạch kiểm toán nội bộ được xây dựng trên cơ sở
các dấu hiệu rủi ro có thể xảy ra; đảm bảo tất cả các bước triển khai thực hiện
PforR đều được kiểm toán.
Điều 8. Căn cứ ra Quyết định
thanh tra, kiểm tra
- Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt;
- Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ
chức, cá nhân trong quá trình thực hiện công trình, dự án hoặc trong quá trình
quản lý, khai thác, sử dụng công trình, dự án thuộc Chương trình;
- Theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố
cáo, phòng chống tham nhũng;
- Theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà
nước.
Điều 9. Thẩm quyền thanh tra,
kiểm tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra
Thẩm quyền tiến hành thanh tra, ra Quyết định thanh
tra, kiểm tra; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm tra; việc thực hiện
các quyền và nghĩa vụ của đoàn thanh tra, kiểm tra và đối tượng thanh tra, kiểm
tra được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về thanh tra, kiểm
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Điều 10. Thẩm quyền và trình tự,
thủ tục kiểm tra của các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý dự án hoặc
công trình xây dựng sau đầu tư
- Các tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý dự
án hoặc công trình xây dựng sau đầu tư kiểm tra và phân công cán bộ kiểm tra
trong quá trình thực hiện dự án; khai thác và sử dụng công trình.
Việc tiến hành kiểm tra phải được thông báo trước
cho đối tượng khi bị kiểm tra, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất khi phát hiện
có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Tổ chức, đơn vị có thể áp dụng các quy định tại Quy
chế này hoặc tự ban hành quy chế để thực hiện công tác kiểm tra của mình mà
không trái với những quy định của pháp luật hiện hành. Quy định về kiểm tra do
các tổ chức, đơn vị được giao quản lý công trình, dự án ban hành phải được phổ
biến đến các đối tượng của việc kiểm tra.
- Sau khi kiểm tra, tổ chức, đơn vị thực hiện việc
kiểm tra phải có kết luận, đánh giá việc quản lý, sử dụng, khai thác dự án công
trình; những sai phạm được phát hiện và nguyên nhân của sai phạm; biện pháp khắc
phục hậu quả do sai phạm gây ra, những vấn đề cần chấn chỉnh đối tượng kiểm
tra.
Trường hợp cần thiết thì kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền tiến hành thanh tra hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử phạt
vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 11. Thẩm quyền và trình tự,
thủ tục kiểm toán nội bộ
1. Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ kiểm
toán nội bộ PforR có thẩm quyền tiến hành kiểm toán nội bộ trong phạm vi nhiệm
vụ được giao.
2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, cá
nhân được giao nhiệm vụ kiểm toán nội bộ có các thẩm quyền sau:
- Được quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân
là đối tượng kiểm toán cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan và được
tiếp cận, xem xét tất cả các quy trình thực hiện PforR thuộc phạm vi kiểm toán;
- Được quyền đưa ra các kiến nghị và giám sát, đánh
giá và theo dõi các hoạt động sửa chữa, khắc phục và hoàn thiện của lãnh đạo
các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các vấn đề mà kiểm toán nội bộ đã có
kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.
3. Trình tự, thủ tục kiểm toán nội bộ thực hiện
theo quy định của pháp luật về kiểm toán và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
Chương 3.
NỘI DUNG THANH TRA, KIỂM
TRA, KIỂM TOÁN NỘI BỘ
Điều 12. Nội dung thanh tra,
kiểm tra
1. Việc quyết định đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư
công trình, dự án:
- Đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư với quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,… kế hoạch đầu tư có liên
quan trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Tư cách pháp lý và năng lực của tổ chức, cá nhân
được lựa chọn làm chủ đầu tư.
- Trình tự thủ tục các tiêu chí lựa chọn chủ đầu
tư;
- Việc công khai, minh bạch trong việc lựa chọn chủ
đầu tư.
2. Việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình và quản
lý, sử dụng vốn đầu tư:
- Việc thực hiện tiêu chí phân bổ vốn, xây dựng
phương án phân bổ vốn; trình tự, thủ tục và việc công khai, minh bạch trong việc
phân bổ vốn;
- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu
thầu;
- Việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình đối với
các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị, vật
tư, nguyên, nhiên, vật liệu,… của dự án, công trình;
- Việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây
dựng công trình; việc tuân thủ các quy định về chuyên môn - kỹ thuật, định mức
vật tư và quy cách, chủng loại vật tư, thiết bị theo quy định của chủ đầu tư
trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, công trình;
- Việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước,
các nguồn vốn khác và khoản đóng góp nhân dân để thực hiện dự án, công trình;
- Việc bảo đảm thực hiện quyền giám sát của cộng đồng
dân cư sinh sống trên địa bàn nơi có công trình xây dựng theo quy chế giám sát
đầu tư của cộng đồng việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan
có thẩm quyền (Ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày
18/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ)
3. Việc quản lý, khai thác và sử dụng công trình
sau đầu tư:
- Việc quản lý, kiểm tra của tổ chức, cá nhân được
giao quản lý, khai thác công trình dự án sau khi đã được đưa vào sử dụng.
- Việc chấp hành các quy định về chuyên môn, kỹ thuật
trong quá trình khai thác, sử dụng dự án, công trình;
- Chất lượng nước của các công trình nước sạch và chất
lượng các sản phẩm của dự án theo các bộ tiêu chuẩn quốc gia;
- Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của người
quản lý, khai thác, sử dụng dự án, công trình theo quy định của nhà nước và của
cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
- Các nội dung khác có liên quan.
Điều 13. Nội dung kiểm toán nội
bộ
1. Kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của hoạt động đấu
thầu;
2. Rà soát, đánh giá hiệu quả của hệ thống kiểm
soát nội bộ;
3. Kiểm tra tính phù hợp, chính xác của Báo cáo tài
chính và hoạt động;
4. Việc tuân thủ luật pháp và các quy định tín dụng;
5. Kiểm tra, đánh giá tính kinh tế và hiệu quả của
nguồn lực sử dụng;
6. Việc quản lý hợp đồng và thanh toán;
7. Đánh giá việc thực hiện kiến nghị của các cơ
quan thanh tra có thẩm quyền và của Kiểm toán độc lập; việc thực hiện khuyến
nghị của kiểm toán nội bộ trong báo cáo kỳ trước.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu tại Điều 5 Quy chế này,
căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, hàng năm chỉ đạo, tiến hành thanh tra,
kiểm tra, kiểm toán nội bộ ít nhất 01 công trình, dự án thuộc phạm vi quản lý.
Điều 15. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chỉ đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo
tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định của Quy chế này.
Điều 16. Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách
nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan được
giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ (Tổng cục Thủy lợi) và
Thanh tra các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn trình tự, thủ tục
và nghiệp vụ kiểm toán nội bộ đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ
kiểm toán nội bộ tại 08 tỉnh tham gia PforR.
Điều 17. Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có vướng mắc, đề
nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung./.