ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số: 246/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 03
tháng 02 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
NĂM 2017
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ,
ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (được sửa
đổi, bổ sung tại Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính
phủ);
Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ,
ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của
thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 3932/QĐ-UBND,
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Kiểm soát thủ
tục hành chính của tỉnh năm 2017;
Căn cứ Quyết định số 951/QĐ-UBND ,
ngày 08 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải cách hành chính
nhà nước tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 3711/QĐ-UBND, ngày
15 tháng 12 năm 2016 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Đắk Lắk
năm 2017; Quyết định số 3939/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 12 năm 2016 ban hành Kế hoạch
hoạt động và ngân sách thực hiện cải cách hành chính nhà nước năm 2017;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư
pháp tại Tờ trình số 03/TTr-STP, ngày 16 tháng 01 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà
soát, đánh giá thủ tục hành trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Điều 2. Trên cơ sở Kế hoạch được duyệt, các Sở, đơn vị
có liên quan có trách nhiệm chủ trì triển khai, hoặc phối hợp thực hiện.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp đôn đốc, hướng
dẫn việc triển khai thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh theo nội
dung và tiến độ được xác định trong Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp,
thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được xác định trong Kế hoạch; các cơ quan, đơn vị
có liên quan khác có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm soát TTHC;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- TTr Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh (Sở Nội vụ);
- VP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lưu: VT, NC (N_40).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Cảnh
|
KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 246/QĐ-UBND ngày 03/02/2017 của UBND tỉnh Đắk
Lắk)
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích:
- Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm
soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 20171; các nhiệm vụ trọng
tâm về cải cách TTHC được xác định trong các Kế hoạch cải cách hành chính nhà
nước năm 20172; Kế hoạch hoạt động và ngân sách thực hiện
cải cách hành chính nhà nước năm 20173 của UBND tỉnh; triển
khai thực hiện rà soát, đánh giá TTHC định kỳ hàng năm theo quy định tại Thông
tư số 07/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
- Kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ
sung, thay thế hoặc bãi bỏ đối với các TTHC không cần thiết, không phù hợp với
quy định của pháp luật; đồng thời, phát hiện những nội dung bất cập, không còn
phù hợp của những văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có quy định về TTHC để đề
xuất các phương án đơn giản hóa TTHC theo quy định (các phương án kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL có liên quan cho phù hợp).
- Rà soát các TTHC được ban hành
trong văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh để bãi bỏ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm
quyền bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp (nếu có) theo quy định của Luật Ban
hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.
2. Yêu cầu:
- Các Sở, đơn vị có thực hiện TTHC
nghiêm túc quán triệt và thực hiện rà soát, đánh giá TTHC có hiệu quả, đúng tiến
độ.
- Xác định rõ nội dung, biện pháp và
trách nhiệm của các Sở, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế
hoạch này.
II. Nội dung rà
soát và cơ quan thực hiện
1. Rà soát định kỳ hàng năm: Tất cả các cơ quan, đơn vị có thực hiện TTHC được nêu dưới đây có
trách nhiệm triển khai thực hiện rà soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và quản
lý (bao gồm cả TTHC được thực hiện tại cấp huyện và cấp xã) của cơ quan, đơn vị
mình, cụ thể:
Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải;
Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao
động, Thương binh và Xã hội; Sở Ngoại vụ; Sở Nội vụ; Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường;
Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Xây dựng; Ban Quản lý
các khu công nghiệp tỉnh.
2. Rà soát theo nhiệm vụ trọng tâm
được xác định trong Kế hoạch được ban hành kèm theo Quyết định số 3939/QĐ-UBND,
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh:
a) Lĩnh vực rà soát: TTHC trong lĩnh
vực Y tế; Giáo dục và Đào tạo (bao gồm TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp
tỉnh, cấp huyện và cấp xã nếu có).
b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Tư
pháp.
d) Cơ quan phối hợp: Sở Y tế; Sở Giáo
dục và Đào tạo.
III. Cách thức rà
soát
1. Cơ quan rà soát thống kê, tập hợp
đầy đủ các TTHC đã được công bố và đang áp dụng thực hiện; các văn bản QPPL của
HĐND, UBND cấp tỉnh có quy định TTHC để tiến hành rà soát, đánh giá.
2. Thực hiện việc rà soát, đánh giá từng
TTHC theo Biểu mẫu số 02/RS-KSTT, Phụ lục
III được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
Cơ quan rà soát đối chiếu nội dung của
TTHC đã được công bố với các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình
thực tế tại địa phương để xác định các nội dung không còn phù hợp của TTHC, từ
đó tham mưu công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; đồng thời xác định những
nội dung bất cập, không còn phù hợp của các văn bản QPPL có quy định về TTHC để
có phương án đơn giản hóa TTHC theo quy định (kiến nghị cơ quan có thẩm
quyền thực thi sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL này cho phù hợp).
3. Cơ quan rà soát gửi kết quả rà
soát về Sở Tư pháp trước ngày 30/7/2017 để tổng hợp, đánh giá chất lượng
và báo cáo UBND tỉnh.
Kết quả rà soát, đánh giá gồm:
- Các nội dung không phù hợp của TTHC
đã được công bố;
- Các phương án đơn giản hóa TTHC và
kiến nghị thực thi.
4. Trên cơ sở ý kiến của Sở Tư pháp,
cơ quan rà soát hoàn thiện kết quả xây dựng dự thảo Quyết định thông qua Phương
án đơn giản hóa (theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành
kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp) để trình Chủ tịch UBND tỉnh
phê duyệt, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo kết quả rà soát và gửi kiến
nghị, đề xuất về các Bộ, ngành trung ương có liên quan đến lĩnh vực có TTHC được
rà soát trước ngày 15/9/2017.
5. Đối với nhiệm vụ rà soát trọng tâm
tại khoản 2, mục II:
- Sở Tư pháp tiến hành rà soát, đánh
giá độc lập tương tự theo cách thức được nêu tại mục III.
- Sau khi kết thúc rà soát, Sở Tư
pháp chủ trì phối hợp với Sở Y tế Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện kết quả và
tham mưu cho UBND tỉnh thông qua Phương án đơn giản hóa và báo cáo, gửi kiến
nghị, đề xuất về Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/10/2017.
IV. Trách nhiệm thực
hiện
1. Các Cơ quan được giao rà soát tại
mục II có trách nhiệm:
- Chủ trì triển khai thực hiện việc
rà soát TTHC theo đúng nội dung và tiến độ được xác định trong Kế hoạch này.
- Sau khi kết thúc rà soát, khẩn
trương tham mưu cho UBND tỉnh công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các
TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc quản lý (bao gồm cả TTHC được thực hiện tại
cấp huyện và cấp xã).
- Tham mưu UBND, HĐND cấp tỉnh hoặc đề
nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các quy định TTHC không còn phù hợp (nếu có)
theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 hoặc theo quy định của
pháp luật hiện hành.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc,
hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo kết quả về
UBND tỉnh trong Quý IV/2017.
V. Kinh phí thực
hiện
1. Nguồn kinh phí thực hiện:
Sử dụng nguồn kinh phí được bố trí
hàng năm cho các cơ quan, đơn vị.
2. Nội dung chi, mức chi:
Thực hiện theo quy định của pháp luật
hiện hành.
1
Được ban hành kèm theo Quyết định số 3932/QĐ-UBND ngày 30/12/2016
của UBND tỉnh.
2
Được ban hành kèm theo Quyết định số 3711/QĐ-UBND ngày 15/12/2016
của UBND tỉnh.
3
Được ban hành kèm theo Quyết định số 3939/QĐ-UBND ngày 30/12/2016
của UBND tỉnh.