ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1922/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 10
tháng 9 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ THÀNH LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH
THUỘC THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18
tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của
tổ chức phối hợp liên ngành;
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số
2791/TTr-SNV ngày 30 tháng 8 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp
liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
Đà Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4980/QĐ-UBND ngày 02
tháng 7 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy chế
thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức phối hợp liên ngành thuộc thẩm
quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyên, phường,
xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND thành phố;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Sở Nội vụ;
- Lưu: VT, SNV.
|
CHỦ TỊCH
Lê Trung Chinh
|
QUY CHẾ
THÀNH
LẬP, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1922/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2024 của
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều
chỉnh
1. Quy chế này quy định việc thành lập, tổ chức và
hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch
UBND thành phố.
2. Quy chế này không điều chỉnh đối với các hội đồng,
ban tổ chức và các tổ chức tương đương có chức năng, nhiệm vụ chuyên môn theo
quy định của pháp luật (Hội đồng trường, Hội đồng khoa học, Hội đồng nghiệm
thu, Ban tổ chức hội thi, hội thao...).
Điều 2. Hình thức tổ chức
Tổ chức phối hợp liên ngành được tổ chức dưới các
hình thức sau: Hội đồng, Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Ban Chỉ huy, Ban Công tác
hoặc các Tổ, Đội công tác liên ngành và các hình thức tương đương khác.
Điều 3. Chức năng
Tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp UBND
thành phố, Chủ tịch UBND thành phố nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, triển khai,
giải quyết một hoặc một số nhiệm vụ, công việc quan trọng theo quy định của Nhà
nước hoặc theo nhu cầu của thành phố, có tính chất và yêu cầu liên ngành, liên
quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị, địa
phương.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và
hoạt động
1. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động, tổ chức lại,
giải thể tổ chức phối hợp liên ngành được thực hiện theo quy định của Quy chế
này.
2. Đảm bảo việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ
và phát huy vai trò người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn.
3. Tổ chức phối hợp liên ngành không thực hiện chức
năng quản lý nhà nước.
4. Tổ chức phối hợp liên ngành không có con dấu
riêng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 5. Điều kiện thành lập
Tổ chức phối hợp liên ngành được thành lập theo các
điều kiện sau đây:
1. Theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội,
pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Chủ tịch nước,
nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
2. Theo yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong trường hợp
thực sự cần thiết của UBND thành phố Đà Nẵng.
3. Theo yêu cầu giải quyết những công việc cần phải
huy động nguồn lực lớn, các công trình trọng điểm, những vấn đề quan trọng có
tính liên ngành, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, địa
phương của thành phố cần có sự tập trung chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND
thành phố.
4. Theo yêu cầu giải quyết những vấn đề đột xuất,
các sự cố nghiêm trọng như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn vượt quá khả năng giải
quyết của một cơ quan chuyên môn, cần tập trung giải quyết trong thời gian nhất
định.
5. Theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương trên
cơ sở xem xét sự cần thiết phải thành lập đối với thành phố và do Chủ tịch UBND
thành phố quyết định.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Nhiệm vụ:
a) Nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xây
dựng, ban hành chương trình, kế hoạch, phương hướng, giải pháp để giải quyết những
vấn đề quan trọng, liên ngành.
b) Giúp Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc,
kiểm tra, điều hòa, phối hợp) giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên
trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành; triển khai các nhiệm
vụ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các tổ chức phối hợp
liên ngành của Trung ương.
c) Theo dõi, tổng hợp, sơ kết, tổng kết, báo cáo,
đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện, đề xuất thi đua khen thưởng với
Chủ tịch UBND thành phố và các cơ quan có thẩm quyền.
2. Quyền hạn:
a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa
bàn thành phố phối hợp triển khai các nhiệm vụ công tác theo quy định của Trung
ương và Chủ tịch UBND thành phố.
b) Xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc và giải
pháp phân công, huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả nhiệm
vụ được giao.
Điều 7. Thành phần
1. Người đứng đầu:
a) Căn cứ vào tính chất, nội dung của nhiệm vụ cần
được giải quyết, Chủ tịch UBND thành phố quyết định là người đứng đầu tổ chức
phối hợp liên ngành khi xét thấy thật sự cần thiết hoặc phân công một Phó Chủ tịch
UBND thành phố làm người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành, phù hợp với sự
phân công công việc giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố.
b) Đối với các trường hợp giao Thủ trưởng cơ quan
chuyên môn thuộc UBND thành phố là người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành
thì phải đảm bảo cơ chế, khả năng huy động giải quyết các vấn đề liên ngành của
người đứng đầu.
2. Cấp phó người đứng đầu:
Tổ chức phối hợp liên ngành có một hoặc nhiều cấp
phó của người đứng đầu tùy theo tính chất, yêu cầu công việc và vai trò, trách
nhiệm của các cơ quan tham gia thành viên. Thủ trưởng cơ quan làm thường trực của
tổ chức phối hợp liên ngành phải làm cấp phó thường trực hoặc ủy viên thường trực
của tổ chức phối hợp liên ngành.
3. Thành viên:
Thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành là đại
diện lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Thủ trưởng cơ
quan, đơn vị, địa phương tham gia thành viên tổ chức phối hợp liên ngành quyết
định cử đại diện lãnh đạo tham gia hoạt động theo thẩm quyền.
4. Cơ cấu:
a) Trừ người đứng đầu và cấp phó thường trực, thành
viên của tổ chức phối hợp liên ngành được cơ cấu theo chức danh và đơn vị,
không cơ cấu theo tên gọi cụ thể của cá nhân đại diện lãnh đạo tham gia hoạt động.
Căn cứ chức danh và đơn vị, thủ trưởng cơ quan tham gia thành viên có trách nhiệm
cử đại diện lãnh đạo đơn vị mình tham gia theo quy định.
b) Trường hợp cần thiết phải bố trí thành viên có
chức danh, chức vụ thấp hơn quy định tại diêm a khoản 3 Điều này hoặc thành
viên là các chuyên gia, nhà khoa học để phù hợp với yêu cầu, tính chất đặc thù
về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức phối hợp liên ngành thì các sở ngành đề xuất
thành lập tổ chức phối hợp liên ngành trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét,
quyết định.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH
LẬP, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ TỔ CHỨC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH
Điều 8. Đề xuất thành lập tổ chức
phối hợp liên ngành
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu công
việc và các điều kiện quy định tại Điều 5 Quy chế này, Thủ trưởng cơ quan
chuyên môn thuộc UBND thành phố đề xuất thành lập tổ chức phối hợp liên ngành.
Hồ sơ gửi thẩm định thành lập tổ chức phối hợp liên
ngành gồm:
a) Tờ trình về việc thành lập tổ chức phối hợp liên
ngành, trong đó nêu rõ sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, dự kiến
thành phần, cơ quan thường trực và thời hạn hoạt động của tổ chức phối hợp liên
ngành;
b) Dự thảo Quyết định thành lập;
c) Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động, trong đó
nêu rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chế độ làm việc và mối quan hệ công
tác, trách nhiệm của người đứng đầu và thành viên tổ chức phối hợp liên ngành,
nhiệm vụ của cơ quan thường trực, chế độ thông tin, báo cáo;
d) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có
liên quan;
đ) Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ
quan, tổ chức có liên quan.
Điều 9. Trình tự, thủ tục thành
lập tổ chức phối hợp liên ngành
1. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành
phố đề xuất thành lập tổ chức phối hợp liên ngành, xây dựng dự thảo Tờ trình, dự
thảo Quyết định thành lập, dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động lấy ý kiến của
cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Cơ quan chuyên môn đề xuất thành lập tổ chức phối
hợp liên ngành tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Quy chế này
gửi Sở Nội vụ thẩm định.
3. Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định việc thành lập
tổ chức phối hợp liên ngành trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận
đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Quy chế này từ cơ quan chuyên môn thuộc UBND
thành phố.
4. Sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, cơ
quan chuyên môn thuộc UBND thành phố tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch
UBND thành phố xem xét, quyết định thành lập tổ chức phối hợp liên ngành. Hồ sơ
trình thành lập gồm các thủ tục theo quy định tại Điều 8 Quy chế này và ý kiến
thẩm định bằng văn bản của Sở Nội vụ; báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm
định.
5. Văn phòng UBND thành phố có trách nhiệm thẩm tra
việc thành lập tổ chức phối hợp liên ngành trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc
kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 10. Kiện toàn, tổ chức lại
1. Khi có sự điều chỉnh về chức danh người đứng đầu,
thay đổi thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành, cơ quan chuyên môn thuộc
UBND thành phố đề xuất thành lập tổ chức phối hợp liên ngành trình Chủ tịch
UBND thành phố xem xét, quyết định. Đồng thời, gửi Sở Nội vụ và Văn phòng UBND
thành phố để theo dõi, tổng hợp.
2. Các tổ chức phối hợp liên ngành được tổ chức lại
dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất khi mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo,
trùng lắp, liên thông, tương đồng hoặc thay đổi về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ
theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Việc tổ chức lại tổ chức phối hợp liên ngành thực
hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 8 và Điều 9 Quy chế này.
Điều 11. Giải thể
1. Tổ chức phối hợp liên ngành được xác định thời hạn
hoạt động thì tự giải thể theo thời hạn ghi trong quyết định thành lập.
2. Tổ chức phối hợp liên ngành được xác định thời hạn
hoạt động theo nhiệm vụ được giao thì tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ
được ghi trong quyết định thành lập.
3. Tổ chức phối hợp liên ngành không xác định thời
hạn hoạt động thì giải thể khi không hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc
đã hoàn thành nhiệm vụ.
4. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố đề xuất
thành lập tổ chức phối hợp liên ngành có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu tổ
chức phối hợp liên ngành trước khi trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định giải
thể tổ chức phối hợp liên ngành quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ đề nghị giải
thể gồm:
a) Tờ trình về việc giải thể tổ chức phối hợp liên
ngành, trong đó nêu rõ lý do, phương án giải thể và các kiến nghị, đề xuất (nếu
có);
b) Dự thảo Quyết định giải thể;
c) Ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu
cần);
d) Ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC PHỐI
HỢP LIÊN NGÀNH
Điều 12. Chế độ làm việc
1. Tổ chức phối hợp liên ngành làm việc theo chế độ
đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của từng
thành viên.
2. Thành viên tổ chức phối hợp liên ngành hoạt động
theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ
quan thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành
1. Tổ chức phối hợp liên ngành do Chủ tịch UBND
thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu thì người đứng đầu cơ quan được
giao làm nhiệm vụ cơ quan thường trực chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt
động của tổ chức phối hợp liên ngành, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực
hiện nhiệm vụ của tổ chức phối hợp liên ngành hoặc báo cáo người đứng đầu tổ chức
phối hợp liên ngành thành lập tổ giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm để
giúp tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.
2. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành
phố đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành sử dụng bộ máy của mình để thực hiện
nhiệm vụ của tổ chức phối hợp liên ngành hoặc thành lập tổ giúp việc làm việc
theo chế độ kiêm nhiệm để giúp tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện hiệu quả
nhiệm vụ, bảo đảm không tăng biên chế.
Điều 14. Trách nhiệm của người
đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành
1. Người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành có
trách nhiệm ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động.
2. Người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành là
Phó Chủ tịch UBND thành phố, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố
có quyền hạn, trách nhiệm sau đây:
a) Chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Chủ tịch
UBND thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ được giao;
b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức phối
hợp liên ngành;
c) Điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên;
d) Triệu tập, chủ trì các cuộc họp của tổ chức phối
hợp liên ngành;
đ) Điều động, trưng tập chuyên gia (nếu có);
e) Chỉ đạo cơ quan thường trực thực hiện chế độ
thông tin, báo cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành; quản
lý hồ sơ, tài liệu, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc (nếu có)
theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức phối hợp liên ngành do Chủ tịch UBND
thành phố đứng đầu thì thủ trưởng cơ quan được giao làm nhiệm vụ cơ quan thường
trực thực hiện trách nhiệm quy định tại các điểm b, c, d, đ, e khoản 2 Điều
này.
Điều 15. Trách nhiệm của thành
viên
1. Thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành có
trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành, chịu
trách nhiệm cá nhân trước người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành về những
nhiệm vụ được phân công.
2. Ý kiến tham gia của các thành viên là ý kiến
chính thức của cơ quan, tổ chức nơi công tác.
3. Thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành được
cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động của tổ chức phối hợp liên
ngành.
Điều 16. Chế độ hội họp
1. Tổ chức phối hợp liên ngành quy định cụ thể chế
độ hội họp tại Quy chế tổ chức hoạt động do người đứng đầu tổ chức phối hợp
liên ngành quyết định ban hành.
2. Cơ quan thường trực của tổ chức phối hợp liên
ngành có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hội họp; gửi giấy mời và tài liệu
liên quan cho thành viên trước cuộc họp ít nhất 02 ngày làm việc.
3. Thành viên tổ chức phối hợp liên ngành có trách
nhiệm tham dự và có ý kiến chính thức đối với nội dung cuộc họp. Trong trường hợp
cử người dự họp thay thế thì phải báo cáo người chủ trì cuộc họp và chịu trách
nhiệm về nội dung tham gia của người được cử dự họp thay thế. Trong trường hợp
không thể tham gia dự họp thì thành viên phải báo cáo người chủ trì cuộc họp và
gửi văn bản tham gia ý kiến về cơ quan thường trực trước khi diễn ra cuộc họp.
4. Nếu xét thấy đảm bảo điều kiện và yêu cầu nhiệm
vụ, tổ chức phối hợp liên ngành có thể không tổ chức họp và lấy ý kiến thành
viên bằng văn bản hoặc tổ chức các hình thức họp phi truyền thống (họp qua mạng,
trao đổi, lấy ý kiến gián tiếp qua điện thoại, hộp thư điện tử...) nhằm tiết kiệm
thời gian và kinh phí.
Điều 17. Chế độ thông tin, báo
cáo
1. Tổ chức phối hợp liên ngành do Chủ tịch UBND thành
phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu thì cấp phó là người đứng cơ quan
chuyên môn thuộc UBND thành phố được giao làm nhiệm vụ cơ quan thường trực có
trách nhiệm báo cáo định kỳ theo Quy chế tổ chức và hoạt động, báo cáo đột xuất
theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố về tình hình hoạt động.
2. Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ trưởng cơ
quan chuyên môn thuộc UBND thành phố đứng đầu thì người đứng đầu tổ chức phối hợp
liên ngành có trách nhiệm báo cáo định kỳ theo Quy chế tổ chức và hoạt động, báo
cáo đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố về tình hình hoạt động.
3. Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, cơ quan
thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành báo cáo tình hình hoạt động gửi Sở
Nội vụ và Văn phòng UBND thành phố để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố.
Điều 18. Kinh phí hoạt động
Kinh phí hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành
từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp và nguồn kinh hợp
pháp khác theo quy định (trong đó lưu ý ưu tiên sử dụng nguồn xã hội hóa, nguồn
đóng góp, tài trợ hợp pháp khác để thực hiện trước khi đề nghị ngân sách thành
phố bố trí dự toán).
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Trách nhiệm tổ chức
thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm
thi hành quy chế này.
2. Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện Quy chế này.
Điều 20. Trong quá trình
triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị, tổ chức và cá nhân có liên quan lập thời phản ánh về Chủ tịch UBND thành phố
(thông qua Sở Nội) để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.
PHỤ LỤC
MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TỔ CHỨC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH
(Kèm theo Quyết định số 1922/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2024 của Chủ tịch
UBND thành phố Đà Nẵng)
ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: …../QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày …
tháng … năm …
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập
……….(1)………..
CHỦ TỊCH ỦY BAN
NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ
........................................................................................................................
;
Theo đề nghị của...(2) ....và thẩm định của Sở Nội
vụ tại ................................................ ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập ………(1)……. (sau đây gọi tắt
là …………….) như sau:
1. Trưởng ban: Ông/Bà
................................................................................................
2. Phó Trưởng ban: Ông/Bà
.........................................................................................
3. Thành viên:
- Đại diện lãnh đạo
......................................................................................................
;
- Đại diện lãnh đạo
......................................................................................................
Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ của
…………………………(1) ...........................................
1.
...............................................................................................................................
2. ...............................................................................................................................
Điều 3. Chế độ làm việc, cơ quan thường trực
của ………………..(1) .............................
1. ……………..(1)……………. làm việc theo chế độ kiêm nhiệm,
được sử dụng bộ máy của cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ được phân công và
tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
2. Trưởng ban được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân
dân thành phố; Phó Trưởng ban được sử dụng con dấu của …………(2)……….. để thực hiện
nhiệm vụ.
3. …………….(2)………… là cơ quan thường trực của
…………(1)…………, có nhiệm vụ tổng hợp thành viên, tham mưu Trưởng ban phân công nhiệm
vụ cho các thành viên để triển khai các hoạt động; chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, tổ chức, đơn vị liên quan tham mưu, giúp ...(1)... về công tác tổng hợp,
đánh giá, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ.
4. Kinh phí hoạt động của ………(1)…………. (nếu có) do
ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày ký và ...(1)... tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
thành phố Đà Nẵng, …….(3)……..; thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân
có tên tại Điều 1 và ...(1)….. căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- ……………;
- Sở Nội vụ;
- Lưu: VT, …..
|
CHỦ TỊCH
|
Ghi chú
(1) Tên tổ chức phối hợp liên ngành.
(2) Cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố đề xuất
thành lập tổ chức phối hợp liên ngành.
(3) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.