BỘ
THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1375/QĐ-BTTTT
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG VIỆC GIỮA BỘ TRƯỞNG VÀ CÁC THỨ TRƯỞNG
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 727/QĐ-BTTTT
ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban
hành Quy chế làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc
phân công công việc và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông
1. Bộ trưởng lãnh đạo, quản lý chung
mọi mặt hoạt động và công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ theo
quy định của pháp luật.
Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các công
việc quan trọng, cấp bách, nhạy cảm, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh
vực, công tác của Bộ; những vấn đề, nội dung công tác mới chưa được văn bản quy
phạm pháp luật điều chỉnh, chưa được phân công trong Quyết định này.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ
tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về mọi hoạt động của Bộ theo quy định.
2. Thứ trưởng giúp Bộ trưởng chỉ đạo,
xử lý công việc thường xuyên trong các lĩnh vực, công tác, cơ quan, đơn vị và địa
phương được Bộ trưởng phân công.
Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn
được phân công, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn
của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công
việc thuộc các lĩnh vực, công tác, cơ quan, đơn vị và địa phương được phân
công.
Trong quá trình chỉ đạo, xử lý công
việc, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực, công tác, cơ quan, đơn vị, địa
phương do Thứ trưởng khác phụ trách thì các Thứ trưởng chủ động phối hợp với
nhau để giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau thì báo cáo Bộ
trưởng xem xét, quyết định.
Đối với những vấn đề lớn, quan trọng,
nhạy cảm có nội dung công việc mới chưa được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh,
chưa được phân công trong Quyết định này, Thứ trưởng có trách nhiệm báo cáo và
xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng.
Thứ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ
trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các công việc được phân công.
3. Khi Bộ trưởng vắng mặt, trong trường
hợp cần thiết, Bộ trưởng ủy quyền cho một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng lãnh đạo
công tác của Bộ.
4. Trong trường hợp cần thiết hoặc
khi Thứ trưởng vắng mặt, Bộ trưởng trực tiếp hoặc giao Thứ trưởng khác chỉ đạo,
xử lý công việc đã phân công cho Thứ trưởng.
5. Hàng tuần hoặc khi cần thiết, Bộ
trưởng và các Thứ trưởng họp để giải quyết những công việc cần bàn bạc tập thể.
Các Thứ trưởng báo cáo Bộ trưởng và thông báo các Thứ trưởng khác biết về nội
dung chỉ đạo công tác của mình.
Điều 2. Trách nhiệm
và quyền hạn của Thứ trưởng trong phạm vi công việc được Bộ trưởng phân công
1. Chỉ đạo thực hiện chương trình
công tác của Bộ.
2. Chủ động đề xuất với Bộ trưởng các
chủ trương, chính sách, cơ chế và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực,
công tác mình phụ trách.
3. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn
vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng,
các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực, công tác
do mình phụ trách; phát hiện và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.
4. Theo dõi và xử lý các công việc
thường xuyên thuộc lĩnh vực, công tác, cơ quan, đơn vị và địa phương được phân
công; chủ động chỉ đạo và phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị và địa
phương được phân công.
5. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất
theo yêu cầu của Bộ trưởng, báo cáo Bộ trưởng và tập thể Lãnh đạo Bộ tình hình
các lĩnh vực, công tác, cơ quan, đơn vị và địa phương được phân công quản lý;
nhận xét, đánh giá và đề xuất các vấn đề cần giải quyết.
Điều 3. Những
công việc chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ
I. Các lĩnh vực quản lý của Bộ
Thông tin và Truyền thông
1. Bưu chính, chuyển phát.
2. Viễn thông, tần số vô tuyến điện.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin.
4. An toàn, an ninh mạng.
5. Công nghiệp công nghệ thông tin -
điện tử, viễn thông.
6. Báo chí, truyền thông (báo chí; xuất
bản, in và phát hành; phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; thông tin đối
ngoại, thông tin cơ sở).
II. Các công tác của Bộ Thông tin
và Truyền thông
1. Chính sách, chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển ngành Thông tin và Truyền
thông.
2. Tổ chức, cán bộ; Bảo vệ chính trị
nội bộ.
3. Cải cách hành chính; Thực hành tiết
kiệm; Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu.
4. Thi đua - khen thưởng và lịch sử -
truyền thống.
5. Nội chính.
6. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn
nhân lực.
7. Thanh tra.
8. Kế hoạch - Tài chính.
9. Khoa học và Công nghệ; Sở hữu trí
tuệ; Tiêu chuẩn, chất lượng thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
10. Hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế
quốc tế.
11. Pháp chế.
12. Đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ cấu;
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Đầu tư, tài chính và quản lý doanh nghiệp và
hoạt động của các doanh nghiệp.
13. Chuyển đổi số, kinh tế số.
14. Ứng dụng công nghệ thông tin
trong Bộ Thông tin và Truyền thông.
15. Công tác Quốc phòng - An ninh,
Quân sự của Bộ.
16. Công tác phòng, chống lụt, bão,
giảm nhẹ thiên tai.
17. Công tác Đảng, Đoàn thể (Công
đoàn, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh).
Điều 4. Phân công
công việc cụ thể giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng
1. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
- Lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt
động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Trực tiếp chỉ đạo, điều hành công
tác tổ chức, cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ và các công tác khác do Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao.
- Trực tiếp chỉ đạo đơn vị: Vụ Tổ chức
cán bộ.
2. Thứ trưởng Phan Tâm
- Giúp Bộ trưởng phụ trách các công
tác: Hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế; Thi đua - khen thưởng và lịch sử
- truyền thống; Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; Khoa học và Công
nghệ; Sở hữu trí tuệ; Tiêu chuẩn, chất lượng thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền
thông; Thông tin đối ngoại.
- Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ
Khoa học và Công nghệ; Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Học viện
Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Cao đẳng Công nghiệp In; Trường Đào tạo,
Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông; Cục Thông tin đối ngoại; Tạp
chí Thông tin và Truyền thông; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
3. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn
- Giúp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực:
Bưu chính, chuyển phát.
- Giúp Bộ trưởng phụ trách các công
tác: Nội chính; Kế hoạch - Tài chính; Pháp chế; Đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ
cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, tài chính doanh nghiệp và hoạt
động của các doanh nghiệp; Phòng chống tham nhũng, buôn lậu; Thực hành tiết kiệm;
Thanh tra; Báo chí; Xuất bản, In và Phát hành; Thông tin cơ sở; Công tác Đảng,
Đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh); Công tác Quốc phòng - An
ninh, Quân sự của Bộ.
- Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ
Kế hoạch - Tài chính; Vụ Bưu chính; Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Thanh tra; Tổng
công ty Bưu điện Việt Nam; Cục Báo chí; Cục Thông tin cơ sở; Cục Xuất bản, In
và Phát hành.
4. Thứ trưởng Phạm Đức Long
- Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực:
Viễn thông, tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn
thông.
- Giúp Bộ trưởng phụ trách các công
tác: Công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai.
- Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ
Công nghệ thông tin; Cục Viễn thông; Cục Tần số Vô tuyến điện; Cục Bưu điện
Trung ương; Trung tâm Internet Việt Nam; Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt
Nam; Ban quản lý Chương trình viễn thông công ích; Báo Vietnamnet.
5. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng
- Giúp Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực:
Ứng dụng công nghệ thông tin; An toàn, an ninh mạng.
- Giúp Bộ trưởng phụ trách các công
tác: Chuyển đổi số, Kinh tế số; Ứng dụng công nghệ thông tin trong Bộ Thông tin
và Truyền thông; Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cải cách hành
chính; Chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về phát
triển ngành Thông tin và Truyền thông.
- Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Cục
Tin học hóa; Cục An toàn thông tin; Vụ Quản lý Doanh nghiệp; Trung tâm Chứng thực
điện tử quốc gia; Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông; Trung tâm Thông
tin; Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam; Cục Phát thanh, truyền
hình và thông tin điện tử; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC;
Điều 5. Tổ chức
thực hiện
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông xem xét, điều chỉnh việc phân công công việc giữa Bộ
trưởng và các Thứ trưởng để đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 6. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký.
2. Bãi bỏ các văn bản của Bộ trưởng Bộ
Thông tin và Truyền thông về việc Phân công công việc giữa Bộ trưởng và các Thứ
trưởng, về việc Phân công phụ trách địa phương, Hội, Hiệp hội, tham gia các Ban
Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng của Bộ trưởng và các Thứ trưởng trái với Quyết định
này.
Điều 7. Trách nhiệm
thi hành
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền
thông, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này; trong quá trình triển khai thực hiện các công việc thường xuyên, nếu có
khó khăn vướng mắc, báo cáo Bộ trưởng xin ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực
thuộc Bộ, Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, TCCB, PHY(60).
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|