Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 136/2001/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 17/09/2001 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 136/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 136/2001/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 2001 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001-2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ số 06/2001/NQ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2001 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ)

I. THỰC TRẠNG NỀN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VÀ NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

1. Thực trạng nền hành chính nhà nước

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII), Nghị quyết Đại hội VIII, các Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 6 (lần 2) và Trung ương 7 (khóa VIII), công cuộc cải cách hành chính trong 10 năm qua (1991 - 2000) đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những kết quả rõ nét, có ý nghĩa của cải cách hành chính thời gian qua là:

- Chức năng và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính từ Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương đến ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều thay đổi tiến bộ, tập trung nhiều hơn vào quản lý nhà nước;

- Từng bước đổi mới thể chế hành chính trên các lĩnh vực, trước hết là hình thành thể chế kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

- Cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp được sắp xếp, điều chỉnh tinh giản hơn trước; bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở vận hành phát huy tác dụng, hiệu quả tốt hơn;

- Việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức được đổi mới một bước theo các quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức: từ khâu tuyển chọn, đánh giá, thi nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật đến đào tạo, bồi dưỡng. Chế độ, chính sách tiền lương bước đầu được cải cách theo hướng tiền tệ hóa.

Tuy nhiên, nền hành chính nhà nước còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao:

- Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ máy hành chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được xác định thật rõ và phù hợp; sự phân công, phân cấp giữa các ngành và các cấp chưa thật rành mạch;

- Hệ thống thể chế hành chính chưa đồng bộ, còn chồng chéo và thiếu thống nhất; thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; trật tự, kỷ cương chưa nghiêm;

- Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; phương thức quản lý hành chính vừa tập trung quan liêu lại vừa phân tán, chưa thông suốt; chưa có những cơ chế, chính sách tài chính thích hợp với hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức làm dịch vụ công;

- Đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính; phong cách làm việc chậm đổi mới; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân tiếp tục diễn ra nghiêm trọng trong một bộ phận cán bộ, công chức;

- Bộ máy hành chính ở các địa phương và cơ sở chưa thực sự gắn bó với dân, không nắm chắc được những vấn đề nổi cộm trên địa bàn, lúng túng, bị động khi xử lý các tình huống phức tạp.

Tình hình trên đây do nhiều nguyên nhân gây ra. Trước hết, nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò và chức năng quản lý của Nhà nước, về xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước trong tình hình mới, điều kiện mới chưa thật rõ ràng và chưa thống nhất, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chưa được làm sáng tỏ, còn nhiều chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật ra đời trong cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp chưa được kịp thời sửa đổi, thay thế. Thứ hai, việc triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính chưa được tiến hành đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, cải cách hành chính chưa gắn bó chặt chẽ với đổi mới hoạt động lập pháp và cải cách tư pháp. Thứ ba, cải cách hành chính gặp trở ngại lớn do đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan hành chính, nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương; ảnh hưởng của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp còn đè nặng lên nếp nghĩ, cách làm của không ít cán bộ, công chức; cuộc cải cách chưa được chuẩn bị tốt về mặt tư tưởng. Thứ tư, các chế độ, chính sách về tổ chức và cán bộ, về tiền lương còn nhiều điều chưa phù hợp, chưa tạo ra động lực thúc đẩy công cuộc cải cách. Thứ năm là những thiếu sót trong công tác chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và ủy ban nhân dân các địa phương trong việc tiến hành cải cách hành chính; sự chỉ đạo thực hiện các chủ trương đã đề ra thiếu kiên quyết và chưa thống nhất.

2. Bài học về cải cách hành chính

Từ thực tiễn tiến hành cải cách hành chính 10 năm qua, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những khuyết điểm, có thể rút ra mấy bài học chung sau đây:

- Cải cách hành chính là nhiệm vụ rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, phải được tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với cải cách bộ máy nhà nước nói chung;

- Kết hợp chặt chẽ cải cách hành chính với cải cách kinh tế trong từng bước đi và trong từng lĩnh vực, trên từng địa bàn, tạo ra sự ăn khớp và thúc đẩy lẫn nhau giữa cải cách hành chính và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế;

- Cải cách hành chính là công việc nhạy cảm, khó khăn, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo có quan điểm, nguyên tắc nhất quán, có chương trình hành động thiết thực trong từng thời gian; sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cải cách phải tập trung, thống nhất với quyết tâm và ý chí cải cách mạnh mẽ;

- Cải cách hành chính phải được triển khai đồng bộ từ trên xuống, từ dưới lên, coi trọng, khuyến khích những sáng kiến, thử nghiệm của địa phương và cơ sở, xác định được khâu đột phá trong từng giai đoạn, tìm ra được động lực cụ thể thúc đẩy các hoạt động cải cách;

- Cải cách hành chính phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam với đặc điểm, truyền thống, bản sắc Việt Nam; đồng thời tham khảo, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của các nước về tổ chức và hoạt động quản lý để vận dụng thích hợp.

3. Thuận lợi và khó khăn đối với cải cách hành chính trong thời gian tới

10 năm mở đầu của Thế kỷ 21 sẽ là giai đoạn có nhiều cơ hội và thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải cách hành chính:

- Những bài học thực tiễn về cải cách hành chính 10 năm qua là cơ sở tốt cho những quyết định mới về cải cách hành chính trong thời gian tới;

- Yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với cải cách nền hành chính gắn với quá trình cải cách kinh tế. Quá trình hội nhập khu vực và quốc tế tiếp tục mở rộng cơ hội cho sự hợp tác, trao đổi và học tập kinh nghiệm về cải cách hành chính giữa Việt Nam với các nước.

Tuy nhiên, cuộc cải cách hành chính cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức:

- Thách thức lớn nhất đối với yêu cầu xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, quản lý có hiệu lực, hiệu quả là những yếu kém kéo dài của bộ máy hành chính nhà nước, tệ quan liêu, nạn tham nhũng, sự thoái hóa về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức;

- Phạm vi và quy mô rộng lớn của cải cách hành chính đòi hỏi phải tiến hành một cách liên tục, với quyết tâm cao, vừa làm vừa nghiên cứu, tổng kết thử nghiệm những mô hình tổ chức và quản lý mới. Các cơ quan hành chính nhà nước phải phấn đấu tự đổi mới, tự cải cách mình để thực hiện cho được mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ và từng bước hiện đại hóa, thực hiện được đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường được pháp chế, kỷ cương nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

- Cải cách hành chính được đặt trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị và cải cách bộ máy nhà nước nói chung. Trên thực tế còn nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định nội dung và phương thức tiến hành cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần phải tiếp tục nghiên cứu để có kết luận rõ;

- Sức ỳ của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp còn ảnh hưởng khá nặng đến nếp nghĩ, phong cách làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, trong khi đó cuộc cải cách lại được tiến hành trong điều kiện còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý nhà nước trong cơ chế kinh tế mới, trước yêu cầu xây dựng hệ thống hành chính nhà nước dân chủ và hiện đại.

II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010 VÀ QUAN ĐIỂM CẢI CÁCH

1. Mục tiêu

Mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 là: xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những mục tiêu cụ thể của Chương trình là:

1.1. Hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, cơ chế, chính sách phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là các thể chế về kinh tế, về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính.

Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tính cục bộ trong việc chuẩn bị, soạn thảo các văn bản; đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình xây dựng thể chế; phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của nhân dân để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.

1.2. Xóa bỏ về cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân.

1.3. Các cơ quan trong hệ thống hành chính được xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; chuyển được một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận.

1.4. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gọn nhẹ, hợp lý theo nguyên tắc Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng chủ yếu là quản lý vĩ mô toàn xã hội bằng pháp luật, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện.

Bộ máy của các Bộ được điều chỉnh về cơ cấu trên cơ sở phân biệt rõ chức năng, phương thức hoạt động của các bộ phận tham mưu, thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công.

1.5. Đến năm 2005, về cơ bản xác định xong và thực hiện được các quy định mới về phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy chính quyền ở đô thị và nông thôn.

Các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức lại gọn nhẹ, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước theo nhiệm vụ và thẩm quyền được xác định trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi). Xác định rõ tính chất, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của chính quyền cấp xã.

1.6. Đến năm 2010, đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, công chức có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân.

1.7. Đến năm 2005, tiền lương của cán bộ, công chức được cải cách cơ bản, trở thành động lực của nền công vụ, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình.

1.8. Đến năm 2005, cơ chế tài chính được đổi mới thích hợp với tính chất của cơ quan hành chính và tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công.

1.9. Nền hành chính nhà nước được hiện đại hóa một bước rõ rệt. Các cơ quan hành chính có trang thiết bị tương đối hiện đại phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước kịp thời và thông suốt. Hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ được đưa vào hoạt động.

2. Cuộc cải cách hành chính đặt trong khuôn khổ các quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới hệ thống chính trị và cải cách bộ máy nhà nước

- Cải cách và hoàn thiện nền hành chính nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và nền hành chính nói riêng, nhằm giữ vững và phát huy bản chất của giai cấp công nhân, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Nền hành chính phải được tổ chức thành một hệ thống thống nhất ổn định, hoạt động thông suốt, trên cơ sở phân công, phân cấp và chế độ trách nhiệm rành mạch, có kỷ cương nghiêm ngặt, cơ quan hành chính và cán bộ, công chức nhà nước chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. áp dụng các cơ chế, biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa những hành vi mất dân chủ, tự do, tùy tiện, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân.

- Các chủ trương, giải pháp cải cách hành chính phải gắn liền chặt chẽ với bước đi của đổi mới kinh tế, với yêu cầu phát triển đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành và hoàn thiện các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững trật tự, kỷ cương trong các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

- Cải cách hành chính là nhiệm vụ rộng lớn, phức tạp đòi hỏi có tầm nhìn bao quát với những giải pháp đồng bộ, kết hợp chặt chẽ cải cách hành chính với đổi mới hoạt động lập pháp, cải cách tư pháp.

- Cải cách hành chính phải được tiến hành từng bước vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá trong từng giai đoạn cụ thể.

III. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

1. Cải cách thể chế

1.1. Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước.

Trong 5 năm tới, chú trọng một số thể chế then chốt sau đây:

- Thể chế về thị trường vốn và tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động, thị trường dịch vụ.

- Thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính, trước hết là tổ chức và hoạt động của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp.

- Thể chế về quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, như: thu thập ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, trưng cầu dân ý, xử lý các hành vi trái pháp luật của cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước trong khi thi hành công vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính và của Tòa án trong việc giải quyết khiếu kiện của nhân dân.

- Thể chế về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng; phân biệt rõ quyền của chủ sở hữu, quyền quản lý hành chính nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

1.2. Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực, loại bỏ những quy định pháp luật không còn hiệu lực hoặc chồng chéo, trùng lắp. Phát huy hiệu quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật.

- Tăng cường năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh chờ nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành.

- Để nâng cao chất lượng và tránh tình trạng thiếu khách quan, cục bộ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần thiết phải nghiên cứu đổi mới phương thức, quy trình xây dựng pháp luật từ khâu đầu cho đến khâu Chính phủ xem xét, quyết định hoặc thông qua để trình Quốc hội.

- Ban hành các quy định bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật, tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của những người là đối tượng điều chỉnh của văn bản trước khi ban hành.

- Các văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo hoặc yết thị, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi ký ban hành để công dân và các tổ chức có điều kiện tìm hiểu và thực hiện.

1.3. Bảo đảm việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức

- Cung cấp cho cán bộ, công chức đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng, giải quyết công việc theo chức trách và thẩm quyền.

- Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ thông tin công khai cho dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương; chế độ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các ngành ở trung ương và địa phương định kỳ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại giải quyết các vấn đề do doanh nghiệp và nhân dân đặt ra.

- Phát huy hiệu lực của các thiết chế thanh tra, kiểm sát và tài phán để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương xã hội. Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra và Tòa hành chính trong việc giải quyết các khiếu kiện của dân đối với các cơ quan và cán bộ, công chức.

- Mở rộng dịch vụ tư vấn pháp luật cho nhân dân, cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện cho các luật sư hoạt động tư vấn có hiệu quả theo pháp luật.

1.4. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính. Loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Mở rộng cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, xóa bỏ kịp thời những quy định không cần thiết về cấp phép và thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, giám định.

Mẫu hóa thống nhất trong cả nước các loại giấy tờ mà công dân hoặc doanh nghiệp cần phải làm khi có yêu cầu giải quyết các công việc về sản xuất, kinh doanh và đời sống.

- Ban hành cơ chế kiểm tra cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết công việc của dân; xử lý nghiêm người có hành vi sách nhiễu, hách dịch, vô trách nhiệm; khen thưởng những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- Mở rộng thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc giải quyết công việc của cá nhân và tổ chức ở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Cơ quan hành chính các cấp có trách nhiệm giải quyết công việc của cá nhân và tổ chức phải niêm yết công khai, đầy đủ mọi thủ tục, trình tự, lệ phí, lịch công tác tại trụ sở làm việc.

- Quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm cá nhân trong khi thi hành công vụ. Việc xác định quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ phải đi liền với việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức.

2. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính

2.1. Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới

- Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện chức năng xây dựng, ban hành thể chế, kế hoạch, chính sách, quản lý vĩ mô đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện.

- Phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân trong cơ quan hành chính các cấp.

- Định rõ vai trò, chức năng và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp phù hợp với yêu cầu đổi mới sự phân cấp quản lý hành chính giữa trung ương và địa phương, gắn với các bước phát triển của cải cách kinh tế.

2.2. Từng bước điều chỉnh những công việc mà Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương đảm nhiệm để khắc phục những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Chuyển cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ hoặc doanh nghiệp làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện.

2.3. Đến năm 2005, về cơ bản ban hành xong và áp dụng các quy định mới về phân cấp trung ương - địa phương, phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường mối liên hệ và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân địa phương. Gắn phân cấp công việc với phân cấp về tài chính, tổ chức và cán bộ. Định rõ những loại việc địa phương toàn quyền quyết định, những việc trước khi địa phương quyết định phải có ý kiến của trung ương và những việc phải thực hiện theo quyết định của trung ương.

2.4. Bố trí lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ

- Xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ làm chức năng quản lý nhà nước. Trên cơ sở xác định, điều chỉnh chức năng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về mối quan hệ giữa các ngành, các lĩnh vực trong tình hình mới mà định lại số lượng và cơ cấu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, làm cho bộ máy của Chính phủ gọn nhẹ, chức trách rõ ràng, làm việc khoa học, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Điều chỉnh tổ chức các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước cho phù hợp với cơ cấu của Chính phủ. Đổi tên một số Bộ, cơ quan ngang Bộ cho phù hợp với nội dung và phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước.

- Giảm mạnh các cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Chỉ duy trì một số ít cơ quan thuộc Chính phủ có tính chất chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công việc quản lý vĩ mô của Chính phủ.

- Định rõ tính chất, phương thức hoạt động của các tổ chức tư vấn do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Chỉ thành lập các tổ chức này khi Chính phủ có yêu cầu chỉ đạo tập trung những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Các tổ chức này không có bộ máy chuyên trách và biên chế riêng, bộ phận thường trực đặt tại Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ có liên quan nhiều nhất.

- Trên cơ sở xác định đúng chức năng quản lý nhà nước và phạm vi quản lý của mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ, tách chức năng quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với toàn ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước với việc chỉ đạo, điều hành các tổ chức sự nghiệp có tính chất dịch vụ công trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

2.5. Điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

- Tách chức năng quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước với chức năng điều hành các tổ chức sự nghiệp công trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; theo đó, tách tổ chức hành chính với tổ chức sự nghiệp công để hoạt động theo các cơ chế riêng, phù hợp, có hiệu quả.

- Cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cho bộ máy tinh gọn, hợp lý, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mỗi cơ quan; định rõ tính chất và các loại hình tổ chức trực thuộc để tham mưu và thực thi pháp luật.

2.6. Cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương

- Quy định các tiêu chí cụ thể đối với từng loại đơn vị hành chính ở nước ta để đi đến ổn định, chấm dứt tình trạng chia, tách nhiều như thời gian qua.

- Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trên cơ sở phân cấp rõ ràng và hợp lý giữa trung ương và địa phương, phân biệt chức năng, nhiệm vụ của chính quyền ở đô thị với chính quyền ở nông thôn; tổ chức hợp lý Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở từng cấp căn cứ vào quy định của Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi).

- Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân các cấp theo hướng trách nhiệm rõ ràng, phân công rành mạch, bộ máy gọn nhẹ, tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh công việc của cá nhân và tổ chức.

2.7. Cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp

- Xác định rõ các nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành bộ máy hành chính. Định rõ phận sự, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về kết quả hoạt động của bộ máy do mình phụ trách.

- Loại bỏ những việc làm hình thức, không có hiệu quả thiết thực, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính. Tăng cường trách nhiệm và năng lực của cơ quan hành chính trong giải quyết công việc của cá nhân và tổ chức.

2.8. Thực hiện từng bước hiện đại hóa nền hành chính

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước; áp dụng các công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại trong các cơ quan hành chính nhà nước.

- Tăng cường đầu tư để đến năm 2010, các cơ quan hành chính có trang thiết bị tương đối hiện đại, cơ quan hành chính cấp xã trong cả nước có trụ sở và phương tiện làm việc bảo đảm nhiệm vụ quản lý; mạng tin học diện rộng của Chính phủ được thiết lập tới cấp xã.

3. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

3.1. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức

Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và cải cách hành chính:

- Tiến hành tổng điều tra, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xác định chính xác số lượng, chất lượng của toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, trên cơ sở đó quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức để từng bước chuyển sang quản lý cán bộ, công chức bằng hệ thống tin học ở các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và ở địa phương;

- Sửa đổi, bổ sung hệ thống ngạch, bậc, các quy định hiện hành về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh cán bộ, công chức. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh phù hợp với thực tiễn Việt Nam, với yêu cầu công tác chuyên môn của từng đối tượng, làm căn cứ cho việc đánh giá năng lực của cán bộ, công chức;

- Xác định cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý gắn với chức năng, nhiệm vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và ở địa phương, làm cơ sở cho việc định biên và xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức. Cải tiến phương pháp định biên làm căn cứ cho việc quyết định về số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với khối lượng và chất lượng công việc của từng cơ quan hành chính;

- Hoàn thiện chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức, thực hiện quy chế mới về đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức để nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Cơ chế thi tuyển phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, chọn đúng người đủ tiêu chuẩn vào bộ máy nhà nước, chú ý bảo đảm một tỷ lệ thích đáng cán bộ, công chức nữ trong các ngành, lĩnh vực khác nhau;

- Xây dựng quy định thống nhất về tinh giản biên chế trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ở trung ương và địa phương để thực hiện được việc thường xuyên đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đủ năng lực, trình độ, những người vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tạo điều kiện đổi mới, trẻ hóa, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức;

- Đổi mới, nâng cao năng lực của các cơ quan và cán bộ làm nhiệm vụ quản lý cán bộ, công chức, công vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

- Sửa đổi việc phân cấp trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức. Mở rộng quyền và trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức của chính quyền địa phương. Phân cấp quản lý về nhân sự đi liền với phân cấp về nhiệm vụ và phân cấp về tài chính.

ư3.2. Cải cách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ

Cải cách tiền lương theo quan điểm: coi tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và hoạt động công vụ. Những việc chính là:

- Nâng mức lương tối thiểu cho cán bộ, công chức đủ sống bằng lương. Cải cách hệ thống thang lương, bảng lương trên cơ sở xem xét tính chất và đặc điểm lao động của các loại cán bộ, công chức; điều chỉnh bội số và hệ số tiền lương trong các thang, bảng lương;

- Chậm nhất đến năm 2005, thực hiện xong cải cách cơ bản chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, thực hiện tiền tệ hoá đầy đủ tiền lương, điều chỉnh tiền lương tương ứng với nhịp độ tăng thu nhập trong xã hội;

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ngoài tiền lương theo ngạch, bậc, theo cấp bậc chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức cho cán bộ, công chức làm việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, độc hại;

- Ban hành và thực hiện chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và các chế độ đãi ngộ khác ngoài tiền lương đối với cán bộ, công chức.

3.3. đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

- Đánh giá lại công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, xây dựng và triển khai kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước theo từng loại: cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu hoạch định chính sách; cán bộ, công chức các ngạch hành chính, sự nghiệp và cán bộ chính quyền cơ sở.

- Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức theo chức trách, nhiệm vụ đang đảm nhận. Mỗi loại cán bộ, công chức có chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng phù hợp.

Kết hợp đào tạo chính quy với các hình thức đào tạo không chính quy, đào tạo trong nước và gửi đi đào tạo ngoài nước. Khuyến khích cán bộ, công chức tự học có sự giúp đỡ của Nhà nước.

- Tổ chức lại hệ thống cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức; điều chỉnh sự phân công giữa các cơ sở đào tạo. Tạo điều kiện để Học viện Hành chính Quốc gia, các trường đào tạo cán bộ của các tỉnh, thành phố có thể chủ động đào tạo một bộ phận nhân lực phục vụ bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương.

3.4. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức

- Tăng cường các biện pháp giáo dục cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm, ý thức tận tâm, tận tuỵ với công việc. Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức. Tôn vinh nghề nghiệp, danh dự của người cán bộ, công chức.

- Ban hành và thực hiện nghiêm Quy chế công vụ, gắn với thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện triệt để nguyên tắc công khai hóa hoạt động công vụ, nhất là trong các công việc có quan hệ trực tiếp với công dân, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; bảo đảm thực hiện kỷ cương của bộ máy, nâng cao trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức.

- Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Thực hiện chế độ kiểm toán và các chế độ bảo vệ công sản và ngân sách nhà nước.

4. Cải cách tài chính công

4.1. Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc gia và vai trò chỉ đạo của ngân sách trung ương; đồng thời phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo và trách nhiệm của địa phương và các ngành trong việc điều hành tài chính và ngân sách.

4.2. Bảo đảm quyền quyết định ngân sách địa phương của Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động xử lý các công việc ở địa phương; quyền quyết định của các Bộ, Sở, Ban, ngành về phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc; quyền chủ động của các đơn vị sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt phù hợp với chế độ, chính sách.

4.3. Trên cơ sở phân biệt rõ cơ quan hành chính công quyền với tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công, trong 2 năm 2001 và 2002 thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính, xoá bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cách tính toán kinh phí căn cứ vào kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu của cơ quan hành chính, đổi mới hệ thống định mức chi tiêu cho đơn giản hơn, tăng quyền chủ động của cơ quan sử dụng ngân sách.

4.4. Đổi mới cơ bản cơ chế tài chính đối với khu vực dịch vụ công

- Xây dựng quan niệm đúng về dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhưng không phải vì thế mà mọi công việc về dịch vụ công đều do cơ quan nhà nước trực tiếp đảm nhận. Trong từng lĩnh vực định rõ những công việc mà Nhà nước phải đầu tư và trực tiếp thực hiện, những công việc cần phải chuyển để các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Nhà nước có các chính sách, cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân trực tiếp làm các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hành chính nhà nước.

- Xoá bỏ cơ chế cấp phát tài chính theo kiểu "xin - cho", ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện chế độ tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có điều kiện như trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu v.v... trên cơ sở xác định nhiệm vụ phải thực hiện, mức hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và phần còn lại do các đơn vị tự trang trải.

4.5. Thực hiện thí điểm để áp dụng rộng rãi một số cơ chế tài chính mới, như:

- Cho thuê đơn vị sự nghiệp công, cho thuê đất để xây dựng cơ sở nhà trường, bệnh viện; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ, công chức chuyển từ các đơn vị công lập sang dân lập;

- Cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề, đại học, trên đại học, cơ sở chữa bệnh có chất lượng cao ở các thành phố, khu công nghiệp; khuyến khích liên doanh và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực này;

- Thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công cộng như: vệ sinh đô thị, cấp, thoát nước, cây xanh công viên, nước phục vụ nông nghiệp ...;

- Thực hiện cơ chế hợp đồng một số dịch vụ công trong cơ quan hành chính.

4.6. Đổi mới công tác kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, xóa bỏ tình trạng nhiều đầu mối thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công, tất cả các chỉ tiêu tài chính đều được công bố công khai.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các giải pháp chủ yếu

1.1. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành

Cải cách hành chính đòi hỏi sự đổi mới sâu sắc trong tư duy, nhận thức về tổ chức thực hiện cải cách. Qua những bài học sâu sắc về cải cách hành chính thời gian qua, cần tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai cải cách hành chính từ trung ương một cách quyết liệt. Để thực hiện được Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 cần có quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước, của những người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp.

1.2. Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 phải được tổ chức thực hiện đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trong đó bộ máy hành pháp là công cụ quan trọng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Sự đổi mới tổ chức và hoạt động của Đảng, trước hết là đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cải cách hành chính. Sự chỉ đạo cải cách hành chính phải gắn chặt với sự chỉ đạo đổi mới hoạt động lập pháp và cải cách tư pháp.

1.3. Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ từ trung ương tới địa phương

Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính ở các ngành, các cấp; trước hết tập trung làm mạnh ở các Bộ, ngành trung ương, từ đó tạo tiền đề động viên, thúc đẩy cải cách hành chính của chính quyền địa phương. Cần khắc phục sự thụ động, không khẩn trương của các Bộ, ngành trung ương trong việc sửa đổi những thể chế không còn phù hợp; trong việc phân cấp cho chính quyền địa phương.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi mình phụ trách. Từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải thực sự dành công sức chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính đã đề ra, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp.

1.4. Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực

Để thực hiện được Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, cần phải huy động và bố trí đủ cán bộ có năng lực cho việc chuẩn bị và thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Nâng cao năng lực nghiên cứu và chỉ đạo của các cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Bố trí nguồn lực tài chính cần thiết từ ngân sách nhà nước để xây dựng và thực hiện các chương trình hành động cụ thể đã xác định.

1.5. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền

Cải cách hành chính không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng về cải cách bộ máy nhà nước và cải cách hành chính. Cần có những biện pháp thiết thực để thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính.

2. Các giai đoạn thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010

Chương trình tổng thể 10 năm được chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (2001 - 2005): nhiệm vụ trọng tâm là:

+ Xác định rành mạch chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan hành chính từ Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tới ủy ban nhân dân các cấp;

+ Thực hiện xong về cơ bản việc phân cấp chức năng và thẩm quyền về quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương;

+ Đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý tài chính công đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;

+ Thực hiện xong về cơ bản việc cải cách chế độ tiền lương cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

Các giải pháp chính trong hai năm 2001 - 2002:

+ Tiếp tục hoàn thiện thể chế tổ chức bộ máy nhà nước thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước;

+ Các Bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, xác định cơ cấu tổ chức và thực hiện tinh giản biên chế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 1999 và Nghị quyết của Chính phủ số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000;

+ Có chính sách giải quyết thoả đáng số người dôi ra;

+ Cuối năm 2002, chuẩn bị xong đề án cải cách cơ bản tiền lương cán bộ, công chức để có thể thực hiện từ năm 2003;

+ Xây dựng và đưa vào thực hiện các cơ chế mới về tổ chức và hoạt động của trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu khoa học;

+ Trình Quốc hội khóa mới (khoá XI) trong năm 2002 phê chuẩn cơ cấu tổ chức của Chính phủ đã được đổi mới theo tinh thần cải cách hành chính.

- Giai đoạn 2 (2006 - 2010): Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 1, tiếp tục điều chỉnh, hoàn chỉnh, làm cho bộ máy của Chính phủ và toàn bộ hệ thống quản lý hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện được mục tiêu chung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

3. Các chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 được thực hiện thông qua các chương trình hành động cụ thể sau đây:

3.1. Chương trình đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

- Nội dung chủ yếu:

+ Đổi mới quy trình, thủ tục chuẩn bị và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phương thức hợp tác và phân công giữa các cơ quan có liên quan trong chuẩn bị và ban hành văn bản;

+ Huy động sự tham gia của chuyên gia, nhân dân và các bộ phận chủ yếu có liên quan đến các quy định nêu trong văn bản vào quá trình xây dựng và thông qua văn bản;

+ Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và các Nghị định có liên quan; xây dựng và ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương;

+ Tăng cường năng lực các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Thời gian thực hiện: 2001 - 2010, chia 2 giai đoạn là: 2001 - 2005 và 2006 - 2010.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.

3.2. Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước

- Nội dung chủ yếu:

+ Xác định vai trò, chức năng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo hướng tập trung vào thực hiện quản lý nhà nước vĩ mô toàn xã hội;

+ Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành trung ương để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp; loại bỏ dần các công việc không nhất thiết do cơ quan nhà nước làm;

+ Nghiên cứu xác định lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

+ Tinh giản các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước;

+ Xác định cơ cấu hợp lý, gọn nhẹ các tổ chức bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

+ Xác định vai trò, chức năng của chính quyền địa phương các cấp, phân biệt rõ tính chất, phương thức quản lý của chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn;

+ Nghiên cứu và thực hiện sự phân cấp trung ương và địa phương trên các ngành và lĩnh vực;

+ Xác định cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp của chính quyền các cấp.

- Thời gian thực hiện: 2001 - 2010, chia 2 giai đoạn là: 2001 - 2005 và 2006 - 2010.

- Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

3.3. Chương trình tinh giản biên chế

Chương trình này được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2001 - 2002 căn cứ vào Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

3.4. Chương trình xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

- Nội dung chủ yếu:

+ Đánh giá lại, sửa đổi việc phân loại, ban hành tiêu chuẩn cán bộ, công chức;

+ Thực hiện phân cấp quản lý nhân sự;

+ Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

+ Xác định nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phù hợp, tập trung vào công chức hành chính và cán bộ chính quyền cơ sở;

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bao gồm kế hoạch chung của Chính phủ, kế hoạch của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương;

+ Tổ chức lại hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên cơ sở phân công và phân cấp hợp lý;

+ Xây dựng các công cụ quản lý nguồn nhân lực với sự trợ giúp của công nghệ tin học.

- Thời gian thực hiện: 2001 - 2010, chia 2 giai đoạn là: 2001 - 2005 và 2006 - 2010.

- Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Học viện Hành chính quốc gia.

3.5. Chương trình cải cách tiền lương

- Nội dung chủ yếu:

ư+ Nâng mức lương tối thiểu;

+ Cải cách hệ thống thang bảng lương phù hợp với các đối tượng là cán bộ, công chức hành chính, sự nghiệp;

+ Hợp lý hóa ngạch, bậc;

+ Áp dụng các chế độ khuyến khích ngoài lương;

+ Chế độ thưởng cho cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

ư- Thời gian thực hiện: 2001 - 2005.

- Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

3.6. Chương trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công

- Nội dung chủ yếu:

+ Xác lập tiêu chí mới về xây dựng và phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính theo kết quả đầu ra và chất lượng hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao;

+ Thực hiện chế độ khoán chi trong cơ quan hành chính;

+ Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với các tổ chức thực hiện chức năng dịch vụ công và đơn vị sự nghiệp nhằm bảo đảm tính độc lập tương đối và vai trò tự chủ của các tổ chức này trong hoạt động, giảm dần chi từ ngân sách nhà nước tiến tới thực hiện chế độ tự quản tài chính.

- Thời gian thực hiện: 2001 - 2005.

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.

3.7. Chương trình hiện đại hóa nền hành chính

- Nội dung chủ yếu:

+ Đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính;

+ Hiện đại hóa công sở, bảo đảm trang thiết bị và điều kiện làm việc tương đối hiện đại cho các cơ quan hành chính;

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp;

+ Tiếp tục nâng cấp và mở rộng mạng tin học diện rộng của Chính phủ đến 4 cấp chính quyền;

+ Chính quyền cấp xã có trụ sở và phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quản lý.

- Thời gian thực hiện: 2001 -2010, chia 2 giai đoạn là: 2001 - 2005 và 2006 - 2010.

- Cơ quan chủ trì: Văn phòng Chính phủ.

4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010

4.1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

4.2. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

4.3. Các cơ quan được giao chủ trì các chương trình hành động cụ thể chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện.

4.4. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài theo yêu cầu thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

4.5. Các Bộ, ngành trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Chương trình tổng thể này và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính 5 năm và hàng năm, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 136/2001/QD-TTg

Hanoi, September 17, 2001

 

DECISION

APPROVING THE OVERALL PROGRAM ON STATE ADMINISTRATIVE REFORM, THE 2001-2010 PERIOD

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the September 30, 1992 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the Government’s Resolution No. 06/2001/NQ-CP of June 6, 2001 adopted at its May 2001 regular meeting;
At the proposal of the Minister-Head of the Government Commission for Organization and Personnel,

DECIDES:

Article 1.- To approve the overall program on State administrative reform for the 2001-2010 period.

Article 2.- This Decision takes effect after its signing.

The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government and the presidents of the People’s Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

OVERALL PROGRAM

ON STATE ADMINISTRATIVE REFORM IN THE 2001-2010 PERIOD
(Issued together with the Prime Minister’s Decision No. 136/2001/QD-TTg of September 17, 2001)

I. REAL SITUATION OF THE STATE ADMINISTRATION AND ADVANTAGES AS WELL AS DISADVANTAGES FOR THE STATE ADMINISTRATIVE REFORM IN THE 2001-2010 PERIOD

1. The real situation of the State administration

In furtherance of the resolutions of the VIIth Party Congress, the resolution of the 8th plenum of the Party Central Committee (VIIth Congress), the resolutions of the VIIIth Party Congress and the resolutions of the 3rd , 6th (second session) and 7th plenums of the Party Central Committee (VIIIth Congress), the administrative reform carried out over the past 10 years (1991-2000) has contributed an important part to the national cause of socio-economic renovation and development. Marked and significant results have been recorded in such administrative reform, including:

- The function and operation of the bodies within the administrative system from the Government, the ministries, centrally-run branches to the People’s Committees of all levels have changed for the better, focussing more on the State management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The organizational structures of the Government and administrative bodies at all levels have been readjusted and further streamlined than before; the administrative apparatus from the central to grassroots level has operated with higher effect and efficiency;

- The management and employment of public officials and employees have been further renovated under the provisions of the Ordinance on Public Servants, from the stage of recruitment, assessment, rank promotion examination, commendation and discipline to the stage of training and fostering. The wage regimes and policies have been initially reformed along the direction of monetarization.

However, the State administration remains deeply imprinted with the trace of the mechanism of centralized, bureaucratic and subsidized management and unable to meet the requirements of the new management mechanism as well as the requirements of servicing the people under new conditions; the management effectiveness and efficiency are not high:

- The State management function and tasks of the administrative apparatus in the socialist-oriented market economy have not yet been clearly defined; the responsibility assignment and division among branches and levels remain unclear;

- The system of administrative institutions remain incomplete, overlapping and inconsistent; the administrative procedures in various fields remain cumbersome and complicated; the order and discipline remain relaxed;

- The organizational structure remains cumbersome and multi-layered; the administrative management, being bureaucratic and centralized on the one hand and scattered on the other hand, has yet gone smoothly; there have been no mechanism and policies suitable to the operations of administrative bodies, non-business units as well as public-service organizations;

- The contingent of public officials and employees remains weak in quality, sense of responsibility, professional capability, administrative skills; the working style is slow to be renovated; red tape, corruption and harassment of people continue to occur among a section of public employees;

- The administrative apparatus in localities and establishments is not really attached to people, failing to grasp burning issues therein and being embarrassed and passive in coping with complicated circumstances.

The above situation is attributed to various causes. First, the public employees perception of the State’s management role and function, the building of the State apparatus in general and the State administrative apparatus in particular in the new situation remains unclear and inconsistent; many theoretical and practical issues have yet been clarified; many policies mapped out under the old mechanism of centralized and bureaucratic management with State subsidies have not yet been amended or replaced in time. Second, the tasks of administrative reform have not yet been carried out synchronously with the renovation of organization and operation of the Party-led political system; the administrative reform has not yet been closely linked with the renovation of the legislative activities and judicial reform. Third, the administrative reform is confronted with big obstacle as it harms the interests of not a few administrative bodies, officials and employees in the State apparatus at the central and local levels; the mechanism of centralized and bureaucratic management with State subsidies has still exerted great impacts on the way of thinking and working style of not a few public employees; the administrative reform has not been well prepared ideologically. Fourth, the regimes and policies on organization and personnel, as well as wages still see many irrationalities, failing to create a motive force for the reform. Fifth, shortcomings still exist in the direction of the work of administrative reform by the Government, the ministries, centrally-run branches and People’s Committees at all levels; the direction of implementation of set undertakings remain not resolute and inconsistent.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



From the reality of carrying out the administrative reform over the past 10 years and on the basis of the obtained results as well as shortcomings some general lessons can be drawn:

- The administrative reform is a big task relating to many fields, which must be carried out simultaneously in the overall renovation of the political system, combined with the Party building and restructuring and with the general reform of the State apparatus;

- The administrative reform should be closely combined with the economic reform in each stage, each domain and each geographical area, creating the harmony and interaction between the administrative reform and the renovation of economic management mechanism;

- The administrative reform is a sensitive and difficult job, demanding that the directing bodies have persistent viewpoints and principles as well as practical program of action in each period; the leadership and direction of the reform must be concentrated and unified with strong determination and will for the reform;

- The administrative reform must be deployed synchronously from higher to lower level, highly treasuring and encouraging innovations and experiments of localities and establishments, determining key things to settle in each period and finding specific driving force for the reform activities;

- The administrative reform must stem from the realities of Vietnam with Vietnamese characteristics, traditions and identity; and at the same time consult and learn from other countries’ knowledge and experiences on organization and operation management for proper application.

3. Advantages and disadvantages for the administrative reform in the coming period

The first 10 years of the 21st century shall be a period in which appear many opportunities and advantages for further accelerating the administrative reform process:

- The practical lessons from the administrative reform over the past 10 years constitute a good basis for new decisions on administrative reform in the coming period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



However, the administrative reform is confronted with numerous difficulties and challenges:

- The biggest challenge to the requirement of building a clean, strong, effective and efficient State administrative system shall be the lingering weaknesses of the State administrative apparatus, the red tape, corruption, the quality and moral degeneration among a section of public employees;

- The large scope and scale of the administrative reform demands that it be carried out continuously with high determination and together with the study and experiment of new organization and management models. The State administrative agencies must strive to renovate and reform themselves in order to realize the objective of building a democratic administration which is modernized step by step, to fully exercise the people’s mastery and strengthen the legislation and State discipline in the socialist-oriented market economy;

- The administrative reform is placed in the comprehensive renovation of the political system and the reform of the State apparatus in general. Actually, there still exist many important issues of decisive significance for the determination of the contents and mode of carrying out the State apparatus reform, the administrative reform and the building of a law-governed State, which should be further studied for clear conclusions;

- The inertia of the mechanism of centralized and bureaucratic management with State subsidies has still exerted strong impacts on the way of thinking and the working style of a section of public officials and employees, while the administrative reform is carried out under a circumstance where the knowledge and experiences on the State management in the new economic mechanism are inadequate for the requirement of building a democratic and modern State administrative system.

II. THE OBJECTIVES OF THE OVERALL PROGRAM ON THE STATE ADMINISTRATIVE REFORM FOR THE 2001-2010 PERIOD AND VIEWPOINTS ON REFORM

1. The objectives

The general objectives of the overall program on the State administrative reform for the 2001-2010 period shall be: to build a democratic, clean, strong, professional and modernized administration which operates effectively and efficiently according to the principle of the socialist law-governed State under the leadership of the Party; to build the contingent of qualified and capable public officials and employees meeting the requirements of the cause of national construction and development. By the year 2010, the administrative system shall be basically reformed to suit the requirement of managing the socialist-oriented market economy.

The specific objectives of the program shall be:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



To continue renovating the procedures for elaboration and promulgation of legal documents, overcoming departmentalism in the preparation and compilation of documents; to raise the responsibility of each agency in the process of institutional building; to promote democracy and mobilize the people’s wisdom for a higher quality of legal documents.

1.2. To basically get rid of bureaucratic and cumbersome administrative procedures which have caused inconvenience for enterprises and people; to perfect the new administrative procedures along the direction of transparency, simplicity and convenience for people.

1.3. The agencies within the administrative system shall have their functions, tasks, competence and responsibilities clearly defined; to transfer a number of work and services which must not necessarily be performed by State agencies to enterprises, social organizations and/or non-governmental organizations.

1.4. The Government’s organizational structure is neat and rational according to the principle that ministries manage multi- branches, multi-fields, mainly performing the function of macro-management of the entire society by laws, policies, guiding and inspecting the implementation thereof.

The apparatuses of ministries shall be structurally adjusted on the basis of clearly defining the functions and mode of operations of sections advising on and/or enforcing policies, providing public services.

1.5. By 2005, to basically complete the determination of, and the implementation of new regulation on, the State administrative management decentralization between the central government and localities, among the local administrations at various levels; to clearly define the functions, tasks, powers and organizational structure of the urban and rural administration apparatuses.

Specialized agencies of the provincial and district-level People’s Committees shall be neatly reorganized, performing the State management functions according to their tasks and competence determined in the Law on Organization of the People’s Councils and the People’s Committees (amended). To clearly define the nature, organizational structure and working regime of the commune-level administration.

1.6. By 2010, the contingent of public officials and employees shall be quantitatively and structurally rationalized, being professional and modern. The overwhelming majority of public officials and employees shall have good quality and full capability to perform official duties, with total devotion to the cause of national development and the service of people.

1.7. By 2005, salaries and wages of the public officials and employees shall be basically improved to become the motive force for the performance of official duties and to ensure the life quality of public officials and employees as well as their families.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.9. The State administration shall be markedly modernized one step. The administrative agencies shall be furnished with relatively modern equipment to satisfy the requirements of timely and smooth State management. The Government’s electronic information system shall be put into operation.

2. The administrative reform is placed within the framework of the Communist Party of Vietnam’s viewpoints and policies on renovation of the political system and the reform of the State apparatus

- The reform and perfection of the State administration shall be closely linked with the Party building and reorganization, the renovation of the contents and mode of the Party’s leadership over the State in general and the administration in particular, aiming to maintain and promote the working class’s nature and build a law-governed State of the people, by the people and for the people, under the Party’s leadership.

- The administration must be organized into an unified and stable system, operating smoothly on the basis of the regime of clear responsibility assignment and division and under strict discipline; the administrative agencies and public officials as well as employees are subject to the close supervision by people. Effective mechanisms and measures shall be applied to prevent undemocratic, free and casual acts, red tape, corruption, harassing or causing troubles for people.

- The administrative reform policies and solutions must be closely linked with economic reform, with the requirements of national development in the process of industrialization, modernization and international economic integration, formulating and perfecting constituents of the socialist-oriented market economy, maintaining order and discipline in economic activities, boosting economic growth and improving the people’s life.

- The administrative reform constitutes a big and complicated task, requiring the overall view and synchronous solutions, closely combining administrative reform with the renovation of legislative activities and judicial reform.

- The administrative reform must be steadily carried out step by step, with central and focal points and the selection of key issues to settle in each specific period.

III. CONTENTS OF THE OVERALL PROGRAM ON THE STATE ADMINISTRATIVE REFORM IN THE 2001-2010 PERIOD

1. The institutional reform

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In the next five years, importance shall be attached to a number of following key institutions:

- The institution on capital and monetary market, stock market, real estate market, science and technology market, labor market and service market.

- The institution on organization and operation of the administrative system, first of all the organization and operation of the Government, the ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government and the People’s Committees at all levels.

- The institution on the relationship between the State and the people, such as: the gathering of people’s opinions before deciding on important undertakings and policies, holding of referenda, handling of illegal acts of State bodies, officials and/or employees in the performance of official duties; the competence and responsibility of administrative agencies and courts in the settlement of people’s complaints and lawsuits.

- The institution on competence to perform the State management over enterprises in general and State enterprises in particular; clearly defining the owners rights, the State administrative management right and the enterprises right to business autonomy.

1.2. To renovate the process of elaborating and promulgating legal documents

- To revise and systematize legal documents according to each field, getting rid of law provisions which are no longer valid or overlapping, repeated. To bring into full play the efficacy of the national database on legal documents.

- To raise the capacity of the State administrative agencies at the central and local levels in elaborating and promulgating legal documents. To overcome the situation where laws and ordinances have to wait for decrees and circulars to guide the implementation thereof.

- In order to raise the quality of, and avoid the state of being not objective and departmentalist in, the elaboration of legal documents, it is necessary to study the renovation of the mode and process of law making from the beginning to the end. The Government shall consider and decide or adopt it for submission to the National Assembly.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The legal documents must be published in Cong bao (Official gazette) or placards, published on the mass media immediately after their promulgation so that citizens and organizations have the opportunity to study and implement them.

1.3. To ensure the organization of strict enforcement of legislation by State bodies, officials and employees

- To provide public officials and employees with adequate information on the States policies and laws for application and performance of their works according to their responsibilities and competence.

- To effect the Regulation on democracy at the grassroots level, the regime of public information on the State’s and local administrations’ undertakings and policies to people; the regime of periodical meeting and talking with enterprises and people by key leading officials of centrally- run branches and localities in order to clear questions raised by the former.

- To bring into full play the effect of the institutions of inspection, control and jurisdiction in order to ensure the effectiveness of the State management and maintain social disciplines. To clearly define the responsibilities of inspecting bodies and the administrative court in settling complaints and lawsuits of people against State agencies, officials and/or employees.

- To expand the provision of legal consultancy for people, poor people, beneficiaries of social policies and ethnic minority people in deep-lying and remote areas. To create conditions for lawyers to efficiently carry out the consulting activities according to law.

1.4. To continue reforming the administrative procedures

- To continue reforming the administrative procedures in order to ensure the legality, effectiveness, transparency and fairness in the settlement of administrative affairs. To get rid of superfluous and overlapping procedures, which can be easily taken advantage of to commit corruption and to trouble people. To expand the reform of administrative procedures in all domains, promptly cancel unnecessary regulations on licensing, inspection, examination, control, quarantine and/or expertise.

To set unified forms of assorted papers to be filled in by citizens or enterprises when they request the settlement of matters relating to production, business and daily life, for application nationwide.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To expand the implementation of "one-door" mechanism in setting affairs of individuals and organizations at the State administrative agencies at all levels. The administrative agencies at all levels which have the responsibility to settle affairs of individuals and organizations must publicly and fully post up all procedures, orders, fee rates, working time tables at their working offices.

- To specifically and clearly define the personal responsibility in the performance of official duties. The determination of powers and responsibilities of public officials and employees in the performance of official duties must go in couple with the assessment, commendation and discipline of public officials and/or employees.

2. Organizational reform of the administrative apparatus

2.1. To readjust the functions and tasks of the Government, ministries, ministerial-level agencies, agencies attached to the Government and the local administrations at all levels to suit the requirements of the State management in the new situation

- The Government, the ministries and the ministerial-level agencies shall concentrate their efforts on performing the function of elaborating and promulgating regulation, plans, policies on macro-management for the cause of socio-economic development, direct and inspect the implementation thereof.

- To clearly define the competence and responsibilities of the Government, the Prime Minister, the ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government; the responsibilities of collectives as well as individuals in the administrative agencies of all levels.

- To clearly define the competence and responsibility of the local administrations of all levels to suit the requirement of renovating the division of administrative management responsibility between the central Government and localities, linking such with the development steps of economic reform.

2.2. To step by step adjust works undertaken by the Government, ministries, ministerial-level agencies, agencies attached to the Government and/or local administrations in order to overcome the overlapping and repetition in their functions and tasks. To transfer to social organizations, non-governmental organizations of enterprises the service works which must not necessarily by performed directly by State administrative agencies.

2.3. By 2005, to basically promulgate and apply new regulations on the division of responsibility between the central Government and the localities, between the local administrations at all levels, enhancing the competence and responsibility of the local administrations, enhancing the administrations contacts with and responsibility before the local population. To combine the division of works with the division of finance, organization and personnel. To clearly define types of work the localities have full power to decide on, types of work the localities must obtain opinions of the central Government before making decisions thereon, and works to be performed under the decisions of the central Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To build the Government’s organizational structure comprising the ministries and the ministerial-level agencies, which perform the State management function. On the basis of determining and adjusting the functions of the Government, the ministries, the ministerial-level agencies to suit the requirements of the State management over political affairs, economy, culture, social affairs, defense, security and external affairs and over the relations between the ministries, ministerial-level agencies, to determine the number and structure of the ministries and ministerial-level agencies, making the Government’s apparatus neat and less cumbersome with clear responsibilities, scientific working style, effective and efficient operation. To adjust the organization of State management bodies to suit the structure of the Government. To rename a number of ministries, ministerial-level agencies to suit the contents and scope of their respective State management responsibilities.

- To considerably reduce the numbers of agencies attached to the Government and organizations attached to the Prime Minister. Only to maintain a small number of specialized and professional agencies attached to the Government in service of the Government’s work of macro- management.

- To clearly define the nature and mode of operation of consulting organizations set up by the Prime Minister. These organizations shall be set up only when the Government needs to focus its direction on important tasks relating to many branches, many fields. These organizations do not have specialized apparatus and separate payrolls, the standing bodies shall be placed at the most involved ministries or ministerial-level agencies.

- On the basis of correctly defining the State management function and management scope of each ministry, each ministerial-level agency, to separate the ministries’ function of State management over the whole branches, domains throughout the country from their direction and administration of non-business public-service organizations under the ministries or ministerial-level agencies.

2.5. To adjust the organizational structure of the apparatuses inside the ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government

- To separate the ministries’ and ministerial-level agencies’ function of State management over branches and domains nationwide from their function of administration of public-service organizations under the ministries and ministerial-level agencies; thereby to separate the administrative organizations from the public-service organizations for operating under separate, proper and efficient mechanisms.

- To restructure the apparatuses inside the ministries, the ministerial-level agencies and the agencies attached to the Government, making them crack, neat and rational correspondingly to their State management functions and tasks; to clearly define the nature and forms of attached organizations for law consultancy and enforcement.

2.6. To organizationally reform the local administration apparatus

- To prescribe specific criteria for each type of administrative units in our country so as to achieve their stable operation, putting an end to the state of repeated division, separation as in the recent past.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To rearrange and reorganize specialized bodies of the People’s Committees of all levels along the direction of clear responsibility, definite assignment, neat and simple apparatus, higher professionalism, quick settlement of affairs of individuals and organizations.

2.7. To renovate the managerial mode and working style of the administrative agencies at all levels

- To clearly define the working principles and regulations on coordination in operating the administrative apparatus. To clearly define the duties, competence and responsibilities of the heads of agencies and units for the results of operation of the apparatuses they take charge of.

- To get rid of ceremonial, inefficient and impractical activities, to reduce meetings, to reduce administrative papers. To enhance the responsibility and capability of the administrative agencies in settling affairs of individuals and organizations.

2.8. To step by step modernize the administration

- To deploy the application of information technology to the directing and administering activities of the State administrative system; the application of advanced and modern management instruments and methods in the State administrative agencies.

- To increase investment so that by 2010, the administrative agencies shall be furnished with relatively modern equipment, the commune-level administrative agencies have their working offices and facilities to ensure the tasks of management, and the Government’s wide-area information network shall be established at the communal level.

3. To renovate and improve the quality of the contingent of public officials and employees

3.1. To renovate the management of public officials and employees

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To conduct the general survey and assessment of the contingent of public officials and employees, aiming to accurately determine the quantity and quality of the entire contingent of public officials and employees, thereby to draw up plannings and plans on training, fostering and management of the contingent of public officials and employees. To build up a system of database on public officials and employees so as to step by step switch to the management of public officials and employees through information systems in the State administrative agencies at the central and local levels;

- To amend, supplement the systems of ranks and grades, the current regulations on professional standards, titles of officials and employees. To finalize the system of title standards suitable to Vietnamese realities and to the professional requirements of each subject, for use as basis for the assessment of the capabilities of public officials and employees;

- To determine the rational structure of public officials and employees in association with the functions and tasks of the State administrative agencies at the central and local levels, which shall serve as basis for the determination of the payroll and the building and development of the contingent of public officials and employees. To renovate the method of payroll determination, which shall serve as basis for deciding the quantity and quality of the works of each administrative agency;

- To finalize the regime of official and employee recruitment, implement the new regulations on assessment, commendation and discipline of public officials and employees in order to raise the quality of official duty activities. The recruitment mechanism must ensure democracy, transparency and accurate selection of fully qualified persons into the State apparatus, paying attention to ensuring appropriate percentages of female officials and employees in various branches and domains;

- To draw up unified regulations on streamlining the payrolls of administrative agencies, public-service units at the central and local levels in order to regularly relieve from the apparatus unqualified and incapable officials and employees as well as persons who break laws and breach the regulations on professional ethics and create conditions to renovate, rejuvenate and raise the capabilities of, the contingent of public officials and employees;

- To renovate and raise the capabilities of agencies and officials that perform the task of managing public officials, employees and duties in accordance with the requirements and tasks of the period of industrialization and modernization;

- To redress the assignment of responsibility for management of public officials and employees. To expand the local administrations’ powers and responsibilities for management of public officials and employees. The decentralization of personnel management must go together with the decentralization of tasks and decentralization of finance.

3.2. To reform the regimes of wage, entitlements and preferential treatment

To reform wages and salaries according to the viewpoint that wages and salaries are considered a form of direct investment in human being, investment in socio-economic development, thus contributing to raising the quality of public officials and employees as well as official duty activities. Following are the principal works:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- By 2005 at the latest, to basically complete the reform of wage regime for public officials and employees; to fully monetarize wages and salaries, adjust wages and salaries correspondingly to the society’s income growth rate;

- To amend and supplement regulations on the regime of allowances outside wage and salary according to the public employees’ ranks, grades, professional grades for public officials and employees working under difficult, dangerous and hazardous conditions;

- To promulgate and implement the regime of bonus for public officials and employees who splendidly fulfill their tasks as well as the regime on other preferential treatment outside wage and salary for public officials and employees.

3.3. To train and foster public officials and employees

- To reevaluate the work of training and fostering public officials and employees; to elaborate and realize plans on training and fostering of officials and employees in the State administrative apparatus according to each type: officials and employees performing the advisory tasks of policy making; officials and employees of administrative and public-service ranks and officials of grassroots administrations.

- To continue renovating the contents of training and fostering programs and modes, attaching importance to raising the administrative knowledge and skills for the contingent of officials and employees according their current responsibilities and tasks. For each type of officials and employees, there shall be appropriate training and fostering programs and contents.

To combine regular training with various forms of non-regular training, domestic training and overseas training. To encourage public officials and employees to conduct self- study with the State’s assistance.

- To reorganize the system of official and employee-training and fostering establishments; to adjust the responsibility assignment among such training establishments. To create conditions for the National Political Institute, the provincial/municipal official-training schools to take initiative in training out personnel in service of the State administrative apparatus at the central and local levels.

3.4. To raise the sense of responsibility and morality of public officials and employees

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To promulgate and strictly observe the Regulation on Official Duties, in combination with the implementation of the Regulation on Democracy in the State administrative agencies, resolutely implementing the principle on publicizing the official duty activities, particularly in affairs directly related to citizens, in financial and budgetary domains; to maintain the disciplines of the apparatus, to raise the officials’ and employees’ sense of responsibility, organization and discipline.

- To step up the struggle against red tape, corruption in the State apparatus. To observe the regime of auditing and regimes of protecting public property and State budget.

4. To reform the public finance

4.1. To renovate the mechanism of financial and budgetary management decentralization, ensuring the uniformity of the national financial system and the leading role of the central budget; at the same time to promote the initiative, dynamics, creativeness and responsibility of the localities and branches in the financial and budgetary administration.

4.2. To ensure the right of the People’s Councils of all levels to decide on the local budgets, create conditions for the local administrations to take initiative in running the local affairs; the right of the ministries, provincial/municipal Services, Committees, branches to decide on budget allocations to their attached units; the right of units to take initiative in using the budget within the approved estimates in accordance with regimes and policies.

4.3. On the basis of clear distinction between the administrative civil right agencies and the non-business public-service organizations, to renovate in two years, 2001 and 2002, the mechanism of budget allocations to administrative agencies, abolishing the regime of allocating funding according to payrolls, which shall be replaced by way of calculating funding based on the results and quality of operation, directing toward the inspection of the output and spending quality according to the objectives of the administrative agencies, to further simplify the system of spending norms, increasing the initiative rights of budget-using agencies.

4.4. To basically renovate the financial mechanism for the public-service sector

- To build up correct viewpoints on the public services. The State shall have to care for the people’s material and cultural life; but this does not mean that all public-service activities must be undertaken directly by State agencies. To clearly determine in each domain the works to be invested and performed directly by the State, and the works to be transferred to social organizations for performance.

The State shall adopt policies and mechanisms, creating conditions for enterprises, social organizations and people to directly provide services serving production and life under the guidance, support, inspection and control by State administrative agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.5. To experiment for mass application a number of new financial mechanisms, such as:

- Leasing public-service units, leasing land for construction of schools, hospitals; the regimes of social insurance, health insurance for public officials and employees transferred from public units to people-founded establishments;

- Mechanism of encouraging domestic and foreign investors to invest in the development of job-training, university and post-graduate training establishments, medical treatment establishments of high quality in cities, industrial parks; to encourage joint venture and foreign direct investment in these fields;

- To apply the mechanism of package-contracting a number of public services such as urban sanitation, water supply and drainage, park green trees, water in service of agriculture’;

- To apply the mechanism of contracting a number of public services in administrative agencies.

4.6. To renovate the work of auditing of the administrative agencies, public-service units, aiming to raise the responsibility for and efficiency of the use of State budget fundings; to get rid of the state of inspection, examination and auditing of administrative agencies and public-service units by many bodies. To exercise democracy, publicity and transparency on public finance, making public all financial norms.

IV. IMPLEMENTATION ORGANIZATION

1. Major solutions

1.1. To enhance the work of direction and administration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. To carry out the administrative reform synchronously with the renovation of the political system

The overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period must be carried out synchronously with the renovation of the political system. The Party leads the entire operations of the State, in which the executive apparatus is an important instrument for materialization of the Party’s lines and policies. The renovation of the organization and operation of the Party, first of all the renovation of the contents and mode of the Party’s leadership which is of extremely important significance for the administrative reform. The direction of the administrative reform must be closely linked with the direction of the renovation of the legislative activities and judicial reform.

1.3. To carry out the administrative reform synchronously from the central to local levels

To carry out the administrative reform synchronously in all branches and at all levels, focussing first of all on the ministries and centrally-run branches, thereby to create prerequisites to encourage and promote the administrative reform of the local administrations. It is necessary to overcome the passiveness and inertia of the ministries and centrally-run branches in amending institutions which are no longer appropriate, in the division of responsibility for the local administrations.

To clearly define the responsibilities of the heads of the State administrative agencies in organizing the performance of the tasks of administrative reform in the areas under their respective management. The Government, the Prime Minister, the ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government, the presidents of the People’s Committees of all levels must devote efforts to directing and organizing the organization of performance of the set tasks on administrative reform, considering them the central and permanent tasks in all activities of direction and administration of the State administrative agencies at all levels.

1.4. To adequately arrange financial sources and personnel

In order to materialize the overall program on the State administrative reform for the 2001-2010 period, it is necessary to mobilize and arrange enough capable personnel for the preparation and performance of the set tasks. To raise the research and directing capabilities of the responsible bodies to assist the Government and the People’s Committees at all levels in performing the tasks of administrative reform.

To arrange necessary financial resources from the State budget to the elaboration and realization of already set concrete programs of action.

1.5. To enhance the information and propagation work

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Different stages of realization of the overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period

The 10-year overall program is divided into two stages:

- Stage 1 (2001-2005): The central tasks include:

+ To clearly define the functions, tasks, competence and responsibilities of the administrative agencies from the Government, the ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government to the People’s Committees at all levels;

+ To basically complete the decentralization of State management functions and competence between the central and local governments; among the local administrations of all levels;

+ To renovate the mechanism of operation and public finance management for administrative agencies and public-service units;

+ To basically complete the reform of wage regime for public officials and employees in the spirit of the Resolution of the IXth Party Congress.

Major solutions in two years of 2001 and 2002:

+ To continue perfecting the institution on organization of the State apparatus through the amendment of the 1992 Constitution and laws on organization of the State apparatus;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ To adopt policies for satisfactory settlement of redundant people;

+ By the end of 2002, to complete preparing the project on basic reform of wages and salaries of public officials and employees for implementation in 2003;

+ To work out and apply new mechanisms on organization and operation of universities, hospitals, scientific research institutes;

+ To submit to the National Assembly, XIth legislature, in 2002 for ratification, the Government’s organizational structure which has been renovated in the spirit of the administrative reform.

- Stage 2 (2006-2010): On the basis of the results obtained in Stage 1, to continue adjusting, perfecting the Government’s apparatus and the entire State administrative management system and making them suit the requirements of socio-economic development, thus achieving the general objectives of the overall program on the State administrative reform for the 2001-2010 period.

3. Programs of action for realization of the overall program

The overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period shall be realized through the following specific programs of action:

3.1. The program on renovation of the work of elaboration and promulgation and raising the quality of legal documents

- Principal contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Mobilizing the participation of specialists, people and key sections related to the provisions stated in the legal documents in the process of elaborating and approving legal documents;

+ Amending, supplementing the 1996 Law on the Promulgation of Legal Documents and relevant decrees; elaborating and promulgating the Law on the Promulgation of Legal Documents by the Local Administration;

+ Raising the capabilities of agencies and organizations in the elaboration and promulgation of legal documents.

- Implementation duration: 2001-2010, divided into two stages: 2001-2005 and 2006-2010.

- Sponsoring agencies: The Ministry of Justice and the Government’s Office.

3.2. The research program on determination of the roles, functions and organizational structures of agencies within the State administrative system

- The principal contents:

+ Defining the roles and functions of the Government, the ministries, the ministerial-level agencies along the direction of concentrating efforts on effecting the State macro management over the entire society;

+ Revising the functions and tasks of the ministries and centrally-run branches in order to overcome the state of overlapping and repetition; gradually ridding of unnecessary works undertaken by State bodies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Streamlining the payrolls of agencies attached to the Government which have the function of State management;

+ Determining the rational, neat and light structure of the organizations inside the ministries, the ministerial-level agencies and agencies attached to the Government;

+ Defining the roles and functions of the local administrations of all levels, clearly distinguishing the nature and mode of management of the urban administration from those of the rural administration;

+ Studying and effecting the responsibility division between the central and local levels in all branches and all domains;

+ Determining the proper organizational structures of the administrations of all levels.

- Implementation duration: 2001-2010, divided into two stages: 2001-2005 and 2006-2010.

- The sponsoring bodies: The Government’s Commission for Organization and Personnel and the Government’s Office.

3.3. The program on payroll streamline

This program shall continue to be realized in the 2001-2002 period, based on the Government’s Resolution No.16/2000/NQ-CP of October 18, 2000 on payroll streamline of administrative agencies and public-service units.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.4. The program on building, and raising the quality of, the contingent of public officials and employees:

- Principal contents:

+ Revaluating, amending the classification, promulgating the criteria of, public officials and employees;

+ Effecting the decentralization of personnel management;

+ Renovating the mode of training, fostering public officials and employees;

+ Determining the appropriate contents and programs of training and fostering public officials and employees, focussing on the administrative officials and local administration officials;

+ Elaborating and organizing the implementation of, plans for training and fostering public officials and employees, including the general plans of the Government, the plans of ministries, branches and local administrations;

+ Reorganizing the system of training and fostering of public officials and employees on the basis of rational responsibility assignment and division;

+ Working out instruments for management of human resources with the support of information technology.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Sponsoring bodies: the Government’s Commission for Organization and Personnel and the National Administration Institute.

3.5. The program on wage reform

- The principal contents:

+ Raising the minimum wage level;

+ Reforming the system of wage scales and tables to suit the subjects being the administrative and public-service officials and employees;

+ Rationalizing ranks, grades;

+ Applying regimes of incentives outside wages and salaries;

+ The regime of awarding public officials and employees who splendidly fulfill their tasks.

- Implementation duration: 2001-2005.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.6. The program on renovating the financial management mechanism for administrative agencies and public-service units

- Principal contents:

+ Establishing new criteria on budget elaboration and allocation to the administrative agencies according to their output results and operation quality, the level of fulfillment of their assigned tasks;

+ Applying the regime of package spending assignment to administrative agencies;

+ Working out a proper financial mechanism for organizations which perform the public-service function and non-business units in order to ensure the relative independence and autonomy of these organizations in their activities, gradually reducing expenditures from the State budget and proceeding to the regime of financial self-governance.

- The implementation duration: 2001-2005.

- The sponsoring body: The Finance Ministry.

3.7. The program on modernization of the administration

- Principal contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Modernizing public offices, ensuring relatively modern equipment, facilities and working conditions for the administrative agencies;

+ Applying information technology to operations of the administrative agencies and public-service units;

+ Continuing to upgrade and expand the broad information network of the Government to the four levels of administration;

+ The commune-level administration shall have working offices and facilities, which satisfy the requirements of the management tasks.

- Implementation duration: 2001-2010, divided into two stages: 2001-2005 and 2006-2010.

- The sponsoring body: The Government’s Office.

4. The responsibilities to organize the realization of the overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period

4.1. The Prime Minister shall provide the general direction of the implementation of the overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period.

4.2. The Steering Committee for Administrative Reform of the Government shall assist the Prime Minister in directing and guiding the implementation of the overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4.4. The Government’s Commission for Organization and Personnel shall assume the prime responsibility and coordinate with the Ministry of Planning and Investment, the Finance Ministry and the Government’s Office in working out plans for mobilization of resources at home and abroad according to the requirements of realization of the overall program on the State administrative reform in the 2001-2010 period.

4.5. The ministries, the centrally-run branches and the People’s Committees of the provinces and centrally-run cities shall base themselves on this overall program and the direction as well as guidance of the Steering Committee for Administrative Reform of the Government to draw up, and organize the implementation of, their five-year and annual plans on administrative reform and annually report thereon to the Prime Minister and the Steering Committee for Administrative Reform of the Government.

The Government’s Commission for Organization and Personnel and the Government’s Office shall have to monitor the implementation tempo and periodically report on the implementation situation and results to the Government and the Prime Minister.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/09/2001 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


28.834

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.8.139
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!