VIỆN
KSND TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
565/QyĐ-VKS
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 8 năm 2020
|
QUY ĐỊNH
CÔNG TÁC THƯỜNG TRỰC BẢO VỆ CƠ QUAN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 06/2013/NĐ-CP
ngày 09/01/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 46/2014/TT-BCA ngày 16/10/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết
một số điều của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 quy định về bảo vệ
cơ quan, doanh nghiệp;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng tổng
hợp, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng VKSND
Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy định về công tác thường trực bảo vệ Cơ quan
VKSND Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định này quy định về công tác thường
trực bảo vệ tại trụ sở Cơ quan VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, số 120 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí
Minh (viết tắt là Cơ quan).
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Công chức, người lao động các đơn
vị thuộc VKSND Thành phố Hồ Chí Minh (gọi chung là các đơn vị).
2. Đại diện các cơ quan, tổ chức, cá
nhân đến thăm, làm việc tại trụ sở Cơ quan.
Điều 3. Giấy tờ hợp
lệ khi ra, vào Cơ quan
Công chức, người lao động, khách đến
thăm, làm việc khi ra, vào Cơ quan phải có một trong những giấy tờ sau:
1. Đối với công chức, người lao động
các đơn vị phải mang theo thẻ ra, vào Cơ quan do Văn phòng tổng hợp VKSND Thành
phố Hồ Chí Minh (viết tắt là Văn phòng) cấp hoặc thẻ ngành, giấy tờ xác định là
công chức, người lao động của đơn vị.
2. Đối với khách đến thăm, làm việc:
a) Giấy mời, Giấy giới thiệu;
b) Giấy tờ tùy thân (căn cước công
dân/hộ chiếu/thẻ ngành,...);
c) Các giấy tờ hợp
lệ khác có liên quan.
3. Đối với bị can, người tham gia tố
tụng... (gọi chung là đương sự) phải có Giấy mời, Giấy triệu tập (bản chính)
kèm theo Giấy tờ tùy thân (có dán ảnh).
Điều 4. Nguyên tắc
chung
1. Phải thực hiện đúng quy định của
pháp luật và các quy định khác có liên quan đến công tác bảo vệ.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng
danh nghĩa bảo vệ Cơ quan để thực hiện hành vi trái pháp
luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chương II
CÔNG TÁC THƯỜNG
TRỰC BẢO VỆ
Điều 5. Nhiệm vụ
của thường trực bảo vệ
Bố trí thường trực bảo vệ trực theo
ca liên tục 24h/24h trong ngày; mỗi ca trục có từ 02 nhân viên bảo vệ trở lên,
có Trưởng ca trực điều hành chung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên bảo
vệ trong ca trực. Nhiệm vụ cụ thể của thường trực bảo vệ như sau:
1. Quản lý việc ra, vào Cơ quan; kiểm
tra giấy tờ, ghi sổ theo dõi, phát và thu thẻ khách khi khách ra, vào Cơ quan;
hướng dẫn việc đi lại của khách trong Cơ quan.
2. Đối với khách đến thăm, làm việc với
lãnh đạo VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ lịch làm việc Tuần để chỉ dẫn địa
điểm làm việc cho khách và báo với Bộ phận tham mưu tổng hợp thuộc Văn phòng để báo cho lãnh đạo VKSND Thành
phố Hồ Chí Minh biết.
3. Ghi chép đầy đủ diễn biến và các
biện pháp nghiệp vụ bảo vệ đã thực hiện trong ca trực; tổ chức bàn giao giữa
hai ca trực, nội dung bàn giao phải được ghi đầy đủ trong sổ bàn giao ca trực
và ký giao, nhận.
4. Sau khi hết giờ làm việc buổi chiều
phải kiểm tra toàn bộ trụ sở Cơ quan, các Phòng làm việc, nếu phát hiện những
sai sót của đơn vị như: không khóa cửa phòng làm việc; không tắt các thiết bị điện (điều hòa, máy vi tính, quạt, bóng đèn,...) phải có
biện pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn; đồng thời
thông báo cho đơn vị chủ quản biết đế xử lý, rút kinh nghiệm.
5. Bật hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ
công tác bảo vệ ban đêm: từ 18 giờ 00 phút hôm trước và tắt vào 05 giờ 30 phút
hôm sau.
6. Hướng dẫn, nhắc công chức, người
lao động và khách đến Cơ quan để phương tiện, như: ô tô,
xe máy, xe đạp... đúng nơi quy định, bảo đảm an toàn, mỹ quan.
7. Đối với công dân đến khiếu nại, tố
cáo, thường trực bảo vệ hướng dẫn công dân tới nơi tiếp dân để được tiếp; trường
hợp khiếu nại, tố cáo đông người phải thông báo ngay với Công an phường và Công
an quận tại địa bàn để được hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự; đồng thời báo cáo
ngay với lãnh đạo Văn phòng và đơn vị có liên quan đến vụ, việc để phối hợp giải quyết.
8. Tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy
a) Nhân viên bảo vệ là lực lượng nòng
cốt trong tổ chức phòng cháy và chữa cháy của Cơ quan. Khi có cháy, nổ xảy ra phải tổ chức chữa cháy kịp thời; đồng thời thông báo ngay cho Đội
phòng; cháy, chữa cháy Cơ quan VKSND Thành phố Hồ Chí Minh
và Công an phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh;
b) Thường xuyên phối hợp với Bộ phận
hành chính, quản trị thuộc Văn phòng kiểm tra hệ thống cứu hỏa và các trang thiết
bị, phương tiện, dụng cụ trang bị cho phòng cháy và chữa cháy; khi phát hiện
trang thiết bị hư hỏng phải đề xuất lãnh đạo Văn phòng để sửa chữa, thay thế kịp
thời. Nhân viên bảo vệ phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện,
dụng cụ phòng và chữa cháy;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định
về công tác phòng cháy, chữa cháy; giữ gìn trật tự công cộng và quản lý vũ khí,
vật liệu nổ, chất dễ cháy,...; tham gia đầy đủ các đợt kiểm
tra, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy do Cơ quan tổ chức hoặc các cơ quan chức
năng tổ chức;
9. Bảo đảm cảnh quan khu vực cổng Cơ
quan và phòng thường trực bảo vệ vệ sinh, sạch đẹp;
10. Thực hiện những nhiệm vụ khác khi
được lãnh đạo VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Văn phòng giao.
Điều 6. Quyền hạn
của nhân viên thường trực bảo vệ
1. Tuần tra tất cả các vị trí trong
Cơ quan; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm an toàn, trật tự được quyền kiểm tra giấy
tờ đối với người, hàng hóa, phương tiện ra, vào Cơ quan; nếu phát hiện người đột
nhập vào Cơ quan phải thực hiện biện pháp nghiệp vụ bảo vệ để khống chế đối tượng,
đồng thời báo cáo ngay lãnh đạo Văn phòng, kịp thời thông báo và phối hợp với
Công an phường, Công an quận tại địa bàn để giải quyết.
2. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ
theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan Công an để phòng
ngừa, phát hiện và ngăn chặn vi phạm nội quy bảo vệ Cơ quan; kịp thời đề
xuất biện pháp xử lý.
3. Xử lý các phương tiện cố tình để
không đúng quy định bằng hình thức khóa bánh xe (xe máy, xe đạp...) hoặc đặt
giây nhắc nhở trên kính xe (xe ô tô) và thông báo cho chủ
phương tiện biết, rút kinh nghiệm, không lặp lại vi phạm.
4. Không cho phép mang vật tư, tài sản
ra, vào Cơ quan khi chưa có đủ giấy tờ hợp lệ, trường hợp không chấp hành thì lập
biên bản tạm giữ và kịp thời báo cáo lãnh đạo Văn phòng; ngăn chặn, không cho
mang vũ khí, chất nổ, chất gây cháy, chất độc hại vào Cơ
quan.
Điều 7. Trách nhiệm
của nhân viên thường trực bảo vệ
1. Nhân viên thường trực bảo vệ có
trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn nêu tại Điều 5 và Điều 6 của
Quy định này.
2. Trong ca trực, nếu để tài sản của
Cơ quan bị phá hủy, bị mất thì nhân viên ca trực đó phải chịu hoàn toàn trách
nhiệm.
Điều 8. Trách nhiệm
của công chức, người lao động
1. Khi vào Trụ sở Cơ quan, qua cổng
thường trực bảo vệ, không đeo kính đen, không đeo khẩu
trang, khăn che mặt (trừ trường hợp đeo khẩu trang, khăn
che mặt để phòng dịch khi Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu), không để kính mũ bảo hiểm che kín mặt; hạ kính bên trái buồng lái ô tô; trường hợp
đi xe đạp, xe máy phải xuống xe và dắt xe qua cổng Cơ quan (khu vực thường trực
bảo vệ).
2. Công chức, người lao động phải để
xe ô tô, xe máy, xe đạp đúng nơi quy định; không được gây tiếng ồn (rú ga, bóp
còi, mở đài to,...); điều khiển ô tô, xe máy đi đúng chiều
theo quy định và bảo đảm tốc độ an toàn.
3. Hết giờ làm việc buổi chiều, trước
khi ra về, phải tắt các thiết bị điện (đèn, điều hòa nhiệt độ, quạt, máy vi
tính,...), đóng kín cửa sổ và khóa cửa các phòng làm việc.
4. Làm việc ngoài giờ hành chính hoặc
các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết phải có ý kiến của Thủ trưởng đơn vị và đăng
ký với Văn phòng; trừ trường hợp đột xuất, khi làm việc không phải đăng ký, nhưng sau khi làm việc xong phải đăng ký với Văn phòng.
5. Không mang vũ khí, chất dễ cháy,
chất độc hại vào Cơ quan; hạn chế cất giữ tài sản có giá trị lớn trong phòng
làm việc.
6. Khi đi công tác đột xuất, nếu gửi
lại xe ô tô, xe máy, xe đạp qua đêm tại Cơ quan phải đăng ký với thường trực bảo
vệ để được hướng dẫn nơi đỗ; trường hợp không đăng ký, nếu
bị hư hỏng, mất, các cá nhân tự chịu trách nhiệm.
Điều 9. Trách nhiệm
của đơn vị thuộc VKSND Thành phố Hồ Chí Minh
1. Đối với đơn vị chủ trì tổ chức các
cuộc họp phải gửi danh sách đại biểu, khách mời, phóng viên báo chí đến Văn
phòng (Bộ phận hành chính, quản trị) trước một ngày diễn ra sự kiện.
2. Đơn vị có người làm việc có thời hạn
tại Cơ quan phải đăng ký danh sách với Văn phòng (Bộ phận hành chính, quản trị)
để làm thủ tục ra, vào Cơ quan.
3. Đăng ký với thường trực bảo vệ địa
điểm tiếp nhận công văn, báo chí, dịch vụ, hàng hóa đưa vào Cơ quan; cử đại diện
ra tiếp, đón khách khi có thông báo của thường trực bảo vệ; thường xuyên nhắc
nhở công chức, người lao động của đơn vị chấp hành đúng quy định ra, vào Cơ
quan, phối hợp với thường trực bảo vệ trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
4. Khi có nhu cầu làm việc ngoài giờ
hành chính, đơn vị phải đăng ký trước (có danh sách cụ thể) với Văn phòng (Bộ
phận hành chính, quản trị).
5. Các hoạt động văn hóa, thể thao
trong Cơ quan ngoài giờ hành chính của các ngày làm việc được phép hoạt động từ
17 giờ 00 phút đến 21 giờ 00 phút. Nếu tổ chức vào các
ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ) hoặc trong giờ làm việc phải xin phép
lãnh đạo Viện và lãnh đạo Văn phòng.
Điều 10. Trách
nhiệm của khách
1. Khách đến Cơ quan thăm, làm việc
phải xuất trình giấy tờ hợp lệ cho thường trực bảo vệ để
đăng ký vào sổ theo sự hướng dẫn của nhân viên bảo vệ; đối
với thân nhân đến Cơ quan gặp công chức,
người lao động phải qua thường trực bảo vệ để đăng ký và
được hướng dẫn.
2. Cấm mang theo vũ khí, chất nổ, chất
dễ cháy, các loại chất độc hại khác vào Cơ quan; tất cả các loại xe khi ra, vào trụ sở Cơ quan đều phải dừng đỗ, để đúng
quy định và theo hướng dẫn của nhân viên bảo vệ. Chấp hành đúng nội quy, quy định
của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 11. Trách
nhiệm của Văn phòng tổng hợp
1. Tổ chức thường trực bảo vệ thực hiện
công tác bảo vệ Cơ quan; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, nội
quy thường trực bảo vệ Cơ quan.
2. Trang bị phương tiện, công cụ hỗ
trợ, bảo đảm điều kiện làm việc cho lực lượng bảo vệ thực
thi công việc; đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động thường trực bảo vệ tại Cơ
quan.
3. Tổ chức thực hiện các quy định của
Nhà nước, của VKSND tối cao và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan Công an về công
tác bảo vệ tại Cơ quan.
4. Phân công các ca, nhân viên thường
trực bảo vệ hợp lý (ít nhất phải có 02 nhân viên bảo vệ trực 01 ca) để giải quyết
các công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Chuyển danh sách Văn phòng (Bộ phận
hành chính, quản trị) nhận của các đơn vị theo Điều 9 Quy định này cho ca trực
bảo vệ để thực hiện nhiệm vụ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Chế độ
chính sách và trang phục của bảo vệ cơ quan
1. Thực hiện chế độ chính sách của bảo
vệ cơ quan được theo quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của
Chính phủ; Thông tư số 46/2014/TT-BCA ngày 16/10/2014 của Bộ Công an hướng dẫn
thực hiện Nghị định 06/2013/NĐ-CP về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ
quan, doanh nghiệp.
2. Trong khi làm nhiệm vụ, nhân viên
thường trực bảo vệ phải mặc trang phục ngành Kiểm sát nhân dân, đeo phù hiệu
theo quy định.
Điều 13. Khen
thưởng và kỷ luật
Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong công tác bảo vệ Cơ quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật, của
VKSND tối cao và của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp có hành vi vi phạm
thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, của VKSND tối cao
và của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 14. Tổ chức
thực hiện
1. Chánh Văn phòng VKSND Thành phố Hồ
Chí Minh có trách nhiệm giúp Viện trưởng VKSND Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Công chức, người lao động làm việc
tại Cơ quan; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện đúng Quy
định này.
Điều 15. Điều
khoản thi hành
1. Quy định này có hiệu lực từ ngày
ký.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị, cá nhân có văn bản gửi
Văn phòng VKSND Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo VKSND Thành
phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định; việc sửa đổi, bổ sung Quy định do Viện trưởng
VKSND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo
VKSTC (để báo cáo);
- Văn phòng VKSTC (để báo cáo);
- Lãnh đạo VKSTP;
- Thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSTP;
- Viện trưởng VKSND quận, huyện;
- Tổ tuyên truyền VKSTP;
- Lưu: VT, VP(TMTH), P15.
|
VIỆN TRƯỞNG
Đỗ Mạnh Bổng
|