Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 96/2023/QH15 lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Số hiệu: 96/2023/QH15 Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 23/06/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Nghị quyết 96 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Quốc hội thông qua Nghị quyết 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ bao gồm:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

**Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ, bao gồm:

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Quy định về bỏ phiếu tín nhiệm

Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Cụ thể như sau:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp:

+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

+ Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

+ Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

+ Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

- Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong trường hợp sau đây:

+ Có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

+ Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Lưu ý: Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ trên đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Xem chi tiết tại Nghị quyết 96/2023/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2023 và thay thế Nghị quyết 85/2014/QH13.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 96/2023/QH15

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này.

Điều 2. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

b) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

c) Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

3. Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị quyết này.

4. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ đó.

5. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.

2. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Điều 4. Mục đích, yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

2. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện theo Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cử tri và Nhân dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

3. Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Điều 6. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, gồm các nội dung sau đây:

a) Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, công tâm, khách quan, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm;

c) Việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gồm các nội dung sau đây:

a) Kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát;

c) Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;

d) Kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, về chất vấn và các nghị quyết, kết luận khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện các cam kết và các vấn đề đã hứa (nếu có).

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, thời hạn và quy trình theo quy định của Nghị quyết này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm.

3. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và Nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu (nếu có).

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm gửi đến Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc nhằm tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

3. Làm sai lệch kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Điều 9. Thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Điều 10. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

1. Chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, căn cứ vào đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm quy định trong Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

3. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

4. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội; gửi nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

5. Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

6. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

7. Chậm nhất là 03 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến của đại biểu Quốc hội đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có yêu cầu.

8. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết Trưởng Đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan;

c) Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội. Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tham dự;

d) Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu;

đ) Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”;

e) Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu;

g) Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 11. Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

1. Chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, căn cứ vào đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm quy định trong Nghị quyết này, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.

4. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp (nếu có) đến đại biểu Hội đồng nhân dân; gửi nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổng hợp đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

5. Trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.

6. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hội đồng nhân dân có thể gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

7. Chậm nhất là 03 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có yêu cầu.

8. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân theo trình tự sau đây:

a) Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân;

c) Tại phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ. Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự;

d) Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu;

đ) Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”;

e) Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu;

g) Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Điều 12. Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm

1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

2. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

3. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Điều 13. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp sau đây:

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

b) Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

c) Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong trường hợp sau đây:

a) Có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

c) Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Điều 14. Thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm

1. Việc đề nghị, kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết này được thực hiện như sau:

a) Căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát, chất vấn hoặc trong các trường hợp cần thiết khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

b) Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc khi có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất là 20% tổng số thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội về việc xem xét bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Dân tộc, Ủy ban quyết định. Trong trường hợp có ít nhất là hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban bỏ phiếu tán thành kiến nghị đó thì Hội đồng Dân tộc, Ủy ban kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm;

c) Đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng cách gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi nhận được kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội đối với một người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp thường lệ này đến ngày khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo của Quốc hội.

2. Việc kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này được thực hiện như sau:

a) Đại biểu Hội đồng nhân dân kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu bằng cách gửi văn bản đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Khi nhận được kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đối với một người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Việc tổng hợp số lượng kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân về việc bỏ phiếu tín nhiệm được tính trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp thường lệ này đến ngày khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo của Hội đồng nhân dân;

b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương thông qua việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân hoặc thông qua hoạt động giám sát nhận thấy người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Việc kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương về việc bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Văn bản đề nghị, kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người cần được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm và lý do của việc đề nghị, kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Điều 15. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết Trưởng Đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Quốc hội.

5. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

6. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

7. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

8. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 16. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

1. Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

2. Đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo trước Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ.

4. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Hội đồng nhân dân.

5. Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

6. Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

7. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

8. Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Điều 17. Hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Điều 18. Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ

1. Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ. Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này thì trên phiếu tín nhiệm ghi đầy đủ các chức vụ đó.

Phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, gồm phiếu riêng đối với từng người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

2. Những trường hợp sau đây là phiếu không hợp lệ:

a) Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra;

b) Phiếu không xác định mức độ tín nhiệm hoặc lựa chọn nhiều hơn một mức độ tín nhiệm.

3. Trường hợp phiếu ghi tên nhiều người mà phần thể hiện mức độ tín nhiệm đối với một người không hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì chỉ xác định kết quả không hợp lệ đối với người đó, kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Trường hợp phiếu có ghi thêm tên của người ngoài danh sách đã có trong phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra thì phần ghi thêm đó không có giá trị; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Điều 19. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

a) Họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm;

b) Số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu;

d) Số phiếu đánh giá “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu;

đ) Số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu.

2. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

a) Họ tên, chức vụ của người được bỏ phiếu tín nhiệm;

b) Số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

c) Số phiếu “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu;

d) Số phiếu “không tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số phiếu.

3. Tổng số phiếu được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm quy định tại các điều 12, 13, 17 của Nghị quyết này và khoản 1, khoản 2 Điều này là tổng số phiếu thu về khi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

4. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian lấy phiếu tín nhiệm, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá chung về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người, xác định những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết này và được gửi đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ghi rõ căn cứ bỏ phiếu tín nhiệm, thời gian, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, xác định người có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” và được gửi đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp; đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

6. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua.

7. Chậm nhất là ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo năm tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân cùng cấp và cấp huyện trên địa bàn theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 20. Ngưng hiệu lực thi hành

Ngưng hiệu lực thi hành Điều 12 và Điều 13 của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; Điều 88 và Điều 89 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14Luật số 47/2019/QH14; các điều 18, 19, 63 và 64 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13 kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi Quốc hội có quy định khác.

Điều 21. Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị quyết số 131/2020/QH14

1. Bãi bỏ điểm đ khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

2. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2023.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn)

Phụ lục 1: Phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

QUỐC HỘI KHÓA ...
KỲ HỌP THỨ ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Quốc hội)

Hà Nội, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với .......(1)........

(Dùng cho việc lấy phiếu tín nhiệm)

STT

Họ và tên

Chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Mức độ tín nhiệm

Tín nhiệm cao

Tín nhiệm

Tín nhiệm thấp

1

(2)

(3)

2

...

Đại biểu Quốc hội thể hiện sự tín nhiệm của mình bằng cách đánh dấu (X) vào một trong ba ô đánh giá mức độ tín nhiệm đối với mỗi một người được lấy phiếu tín nhiệm.

Ghi chú:

(1) Tên các loại phiếu dùng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, cụ thể như sau:

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch nước.

- Phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Chính phủ.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Phiếu tín nhiệm đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Phiếu tín nhiệm đối với Tổng Kiểm toán nhà nước.

(2) Ghi họ và tên của từng người được lấy phiếu tín nhiệm.

(3) Ghi đầy đủ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này.

Phụ lục 2: Phiếu sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

QUỐC HỘI KHÓA ...
KỲ HỌP THỨ ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Quốc hội)

Hà Nội, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ông (bà) .......(1)...........,………(2)………..

(Dùng cho việc bỏ phiếu tín nhiệm)

Tín nhiệm

Không tín nhiệm

Đại biểu Quốc hội thể hiện sự tín nhiệm của mình bằng cách đánh dấu (X) vào một trong hai ô đánh giá mức độ tín nhiệm.

Ghi chú:

(1) Ghi họ và tên của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

(2) Ghi chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Phụ lục 3: Phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
... (1) ...
NHIỆM KỲ ...
KỲ HỌP THỨ ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Hội đồng nhân dân)

(2)…, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ............(3)..........

(Dùng cho việc lấy phiếu tín nhiệm)

STT

Họ và tên

Chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

Mức độ tín nhiệm

Tín nhiệm cao

Tín nhiệm

Tín nhiệm thấp

1

(4)

(5)

2

...

Đại biểu Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm của mình bằng cách đánh dấu (X) vào một trong ba ô đánh giá mức độ tín nhiệm đối với mỗi một người được lấy phiếu tín nhiệm.

Ghi chú:

(1) Ghi cấp và tên đơn vị hành chính.

(2) Ghi địa danh.

(3) Tên các loại phiếu sử dụng trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân, cụ thể như sau:

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Phiếu tín nhiệm đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân.

(4) Ghi họ và tên của từng người được lấy phiếu tín nhiệm.

(5) Ghi đầy đủ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này.

Phụ lục 4: Phiếu sử dụng trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
... (1) ...
NHIỆM KỲ ...
KỲ HỌP THỨ ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(Đóng dấu của Hội đồng nhân dân)

(2)…, ngày … tháng … năm …

PHIẾU TÍN NHIỆM

Đối với ông (bà) .......(3)...........,…………….(4)………..

(Dùng cho việc bỏ phiếu tín nhiệm)

Tín nhiệm

Không tín nhiệm

Đại biểu Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm của mình bằng cách đánh dấu (X) vào một trong hai ô đánh giá mức độ tín nhiệm.

Ghi chú:

(1) Ghi cấp và tên đơn vị hành chính.

(2) Ghi địa danh.

(3) Ghi họ và tên của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

(4) Ghi chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Phụ lục 5: Báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(1)… , ngày … tháng … năm …

BÁO CÁO

CỦA NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Tại kỳ họp thứ … Quốc hội khóa …/Hội đồng nhân dân…(2)… nhiệm kỳ …

Kính gửi: …………………(3)………………………………

- Tôi là: ……………………..……(4)……………………………………

- Chức vụ: …………………..……(5)…………………………………….

- Đơn vị công tác: ………………………………………………………….

Căn cứ vào Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, tôi xin báo cáo như sau:

1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, công tâm, khách quan, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao

- Kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát.

- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

- Kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, về chất vấn và các nghị quyết, kết luận khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện các cam kết và các vấn đề đã hứa (nếu có).

3. Hạn chế, thiếu sót và phương hướng khắc phục

Người báo cáo
(Ký và ghi rõ họ, tên)

Ghi chú:

(1) Ghi địa danh.

(2) Ghi cấp và tên đơn vị hành chính.

(3) Ghi “các vị đại biểu Quốc hội” (đối với báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội) hoặc ghi “các vị đại biểu Hội đồng nhân dân” (đối với báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện).

(4) Ghi họ và tên của người báo cáo.

(5) Ghi đầy đủ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này.

Phụ lục 6: Báo cáo giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(1)… , ngày … tháng … năm …

BÁO CÁO GIẢI TRÌNH

CỦA NGƯỜI ĐƯỢC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

Tại kỳ họp thứ … Quốc hội khóa …/Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ …

Kính gửi: - Ủy ban Thường vụ Quốc hội/Thường trực Hội đồng nhân dân

- ………………………(2)……………………………………

- Tôi là: ……………...……………(3)……………………………………

- Chức vụ: …………………..……(4)…………………………………….

- Đơn vị công tác: ………………………………………………………….

Căn cứ vào Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, ngày….tháng…năm… tôi đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội/Thường trực Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến của………, tôi xin được giải trình như sau:

- Nội dung giải trình thứ nhất: ………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………..……………..

………………………………………………………………………..…………………………..

- Nội dung giải trình thứ hai: …………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………..…………….

.………………………………………………………………………..…………………………..

- ………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………

Người báo cáo
(Ký và ghi rõ họ, tên)

Ghi chú:

(1) Ghi địa danh.

(2) Ghi tên đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân có yêu cầu.

(3) Ghi họ và tên của người báo cáo.

(4) Ghi đầy đủ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này.

Phụ lục 7: Đề cương báo cáo và mẫu biểu tổng hợp báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
…(1)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

(2)… , ngày … tháng … năm …

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân

I. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị việc lấy phiếu tín nhiệm

2. Dự kiến danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm do Hội đồng nhân dân bầu. Các trường hợp không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và lý do (nếu có)

II. VỀ KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

1. Kết quả

1.1. Ở cấp tỉnh:

- Tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm:……………………….....................

……………………………………………………………………………………..

- Kết quả xử lý đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”: ……………………….………………………

- Kết quả xử lý đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên: ……………………….………………………………..

1.2. Ở cấp huyện:

- Tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm:……………………….....................

……………………………………………………………………………………..

- Kết quả xử lý đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”:……………………………..…………………

- Kết quả xử lý đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên: ………………………….….………………………….

2. Đánh giá chung

2.1. Ưu điểm

2.2. Tồn tại, hạn chế

2.3. Nguyên nhân

2.4. Một số kinh nghiệm

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ (nếu có)

Nơi nhận:

-…………
-…………

TM. THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Ghi cấp và tên đơn vị hành chính.

(2) Ghi địa danh.HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN …………(1)……………

Phụ lục

KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN BẦU

(Gửi kèm Báo cáo số ……, ngày …tháng … năm… của Hội đồng nhân dân…)

Cấp Hội đồng nhân dân

Tổng số đơn vị hành chính

Tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm

Tổng số người không đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm

Số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”

Số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”

Số người có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”

Số người có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”

Ghi chú

Tổng số

Số người được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu

Số người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu

Tỉnh

Huyện

TỔNG CỘNG

Ghi chú: (1) Ghi cấp và tên đơn vị hành chính.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 96/2023/QH15 ngày 23/06/2023 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


25.383

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.161.235
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!