Quốc hội tán thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2000, phương hướng nhiệm vụ năm 2001 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Về kinh tế
a. Nông nghiệp.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tạo các vùng cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với lợi thế sản xuất và thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước, giảm dần nhập khẩu. Bảo đảm an toàn lương thực.
Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ ở nông thôn
Tập trung đầu tư cho việc lai tạo, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi. Ưu tiên đầu tư công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch nhằm tăng chất lượng, giá trị hàng hoá nông sản, thuỷ sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
b. Công nghiệp
Phát triển công nghiệp theo hướng khuyến khích đổi mới công nghệ, khai thác tối đa nguồn lực trong nước, nhập khẩu công nghệ hiện đại. ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nhất là sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Phát triển các mặt hàng thương hiệu Việt Nam chất lượng cao.
c- Đổi mới doanh nghiệp, hợp tác xã
Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Sơ kết việc thực hiện chủ trương cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê một bộ phận doanh nghiệp nhà nước để rút kinh nghiệm thực hiện có kết quả hơn chủ trương này. Xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài.
Tổng kết việc chuyển đổi, củng cố hợp tác xã theo Luật hợp tác xã; giải quyết dứt điểm các khoản nợ cũ của hợp tác xã nông nghiệp đã được khoanh nợ. Quan tâm đào tạo cán bộ cho hợp tác xã. Có chính sách để các hợp tác xã vay vốn tín dụng mở rộng đầu tư.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tiếp cận thị trường, tiếp nhận các nguồn vốn và công nghệ mới.
d. Thương mại - dịch vụ
Củng cố và mở rộng thị trường trong nước, ngoài nước; kịp thời dự báo giá cả và nhu cầu thị trường nước ngoài. Có thêm các biện pháp kích cầu để tiêu thụ hàng hóa trong nước. Chú trọng hơn nữa công tác chống buôn lậu, chống gian lận thương mại. Chấn chỉnh việc nhập xe gắn máy để hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tích cực chủ động chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đầu tư phát triển các ngành bưu chính viễn thông, du lịch, các dịch vụ công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ vận tải, chú trọng vận tải hàng không, hàng hải, mở rộng dịch vụ bảo hiểm, tư vấn pháp lý và các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
đ. Đầu tư phát triển
Tăng cường công tác quản lý trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị và quyết định đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, kém hiệu quả. Khẩn trương ban hành Pháp lệnh đấu thầu.
Huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại một số vùng khó khăn trọng điểm, ngành cơ khí chế tạo, các dự án đưa vào sử dụng trong năm.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng quốc gia : nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng. Chuẩn bị để sớm trình Quốc hội một số công trình mới.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia trên từng địa bàn.
e. Tài chính - ngân hàng
Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2001, sử dụng có hiệu quả tài chính quốc gia; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Hoàn thiện đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và thực hiện ngay từ đầu năm 2001. Tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, xúc tiến thành lập ngân hàng chính sách. Nâng cao chất lượng tín dụng, tính tự chủ của các tổ chức tín dụng trong tìm kiếm và đầu tư vào các dự án. Giảm tỷ lệ nợ quá hạn, khẩn trương xử lý các khoản nợ quá hạn không có khả năng thanh toán.
2- Về giáo dục - đào tạo, văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao
Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật giáo dục. Bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường đại học trọng điểm và đại học quốc gia.
Nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá - thông tin để phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Đẩy mạnh cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".
Phát triển phong trào thể dục - thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội thể thao Đông Nam á (SEAGAMES) lần thứ 22 tại Việt Nam vào năm 2003.
3- Về các vấn đề xã hội
Giải quyết đồng bộ các chính sách tạo nguồn kinh phí cho hoạt động y tế cơ sở; đẩy mạnh việc đa dạng hoá các lọai hình dịch vụ y tế. Xây dựng cơ chế thống nhất để thực hiện việc khám, chữa bệnh giảm, miễn phí cho người nghèo.
Tập trung triển khai chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình và phòng, chống suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, địa bàn có mức sinh còn cao.
Tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp cho người bị nhiễm, bị di chứng chất độc da cam.
Triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma tuý. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư cho các chương trình việc làm, dạy nghề, xoá đói giảm nghèo. Mở rộng các hình thức và thị trường xuất khẩu lao động, chú trọng xuất khẩu lao động có tay nghề và chuyên gia.
Thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Khẩn trương nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương và chính sách đảm bảo xã hội.
4- Về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường
Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ. Chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là ở nông thôn, miền núi. Triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, tạo nguồn lực và điều kiện cho khoa học và công nghệ phát triển. Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý việc sử dụng ngân sách cho hoạt động khoa học, công nghệ đúng mục đích và có hiệu quả.
Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ và môi trường các dự án đầu tư; giám định công nghệ và thiết bị nhập khẩu.
Giải quyết các vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường các cấp.
5- Về dân tộc và miền núi
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc để thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình 135 mới*. Hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho các vùng còn khó khăn ổn định đời sống của nhân dân và hạn chế việc di cư tự do. Quản lý có hiệu quả và chống lãng phí, tiêu cực trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều chỉnh các quy định về chính sách trợ giá, trợ cước cho miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bố trí kinh phí thực hiện chính sách theo hướng : tập trung vào vùng khó khăn nhất, dành cho những mặt hàng có hiệu quả thiết thực. Trợ cước vận chuyển đến trung tâm cụm xã và trung tâm xã.
Củng cố và phát huy kết quả chương trình xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chế độ cử tuyển theo đúng quy định của Luật giáo dục, củng cố các trường dân tộc nội trú và mở rộng các trường bán trú.
6- Về phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai
Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc. Xây dựng phương án tổng thể, toàn diện, lâu dài và tăng đầu tư cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chú ý các công trình ngăn lũ, thoát lũ. Quy hoạch dân cư, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhân dân làm nhà ở. Điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Thực hiện việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện tiêu thụ nông sản cho đồng bào vùng bị thiên tai nặng.
7. Về lĩnh vực tư pháp.
Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là đối với Bộ luật hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự. Tăng cường sự phối hợp trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không xử lý oan người vô tội. Có biện pháp hữu hiệu để giải quyết án tồn đọng. Khắc phục tình trạng nhiều bản án không được thi hành nghiêm chỉnh, xu hướng hình sự hoá các tranh chấp dân sự, kinh tế hoặc ngược lại.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan tư pháp cấp trên đối với cấp dưới. Xác định rõ nguyên nhân của các vi phạm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nguyên nhân và điều kiện của vi phạm pháp luật, tội phạm, kiến nghị các biện pháp khắc phục kịp thời.
Kiện toàn bộ máy gắn với việc đổi mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Chú trọng đào tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những người có sai phạm, sa sút về phẩm chất, lối sống, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan này. Bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, để các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn thành nhiệm vụ.
8- Về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Thực hiện tốt Luật khiếu nại, tố cáo và Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp các cấp, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, gay gắt, kéo dài; kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo mới phát sinh. Có biện pháp để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp. Xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, không chấp hành quyết định giải quyết của cấp trên. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những người lợi dụng quyền dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, an ninh xã hội.
Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử trong công tác tiếp dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
9- Về đối ngoại
Tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế, phát triển kinh tế đối ngoại nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất về mặt nhà nước các hoạt động đối ngoại. Phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao nhà nước với hoạt động đối ngoại của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và đối ngoại nhân dân từ trung ương đến địa phương. Động viên đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia công cuộc xây dựng đất nước.
10- Về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội
Đề cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, đối phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tích cực phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh loại trừ các nguyên nhân có thể gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Có giải pháp kiên quyết, đồng bộ để hạn chế tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực này. Phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại. Chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh.
Nâng cao sức mạnh tổng hợp và ý thức thường trực trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, tham gia phòng, chống thiên tai.
11. Cải cách hành chính
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Kiên quyết sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng tinh, gọn. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính, các cấp hành chính, nhất là phân cấp giữa trung ương và địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh. Chấn chỉnh việc thi tuyển công chức.
Đề cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước ở từng cấp trong hoạt động quản lý điều hành. Cải tiến thủ tục hành chính, lề lối làm việc bảo đảm giải quyết công việc của các cấp, của nhân dân sát thực, kịp thời.
Có biện pháp kiên quyết, hữu hiệu thực hiện nghiêm ngặt các chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng và xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm ở bất kỳ cương vị nào.