CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 27/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 02
năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP
CHUYÊN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 02 NĂM 2023
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP
ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của
Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày
23 tháng 02 năm 2023.
QUYẾT NGHỊ:
Chính phủ đánh giá cao
các bộ, cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật, tiếp tục
triển khai một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần
thứ XIII. Kết quả công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua đã có nhiều
chuyển biến tích cực, đề xuất xây dựng các luật mới, sửa đổi, bổ sung các luật
hiện hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, nhất là năm
2023 - năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo Nghị quyết
của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức các
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để cho ý kiến, thông qua nhiều đề nghị
xây dựng luật, dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2023 và năm 2024.
Để chuẩn bị cho Phiên họp
chuyên đề xây dựng pháp luật này, các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Xây dựng, Thông
tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên chủ động xây
dựng, soạn thảo các luật thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý, gồm: Đề nghị xây dựng
Luật Thủ đô (sửa đổi), Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Đấu giá tài sản, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động
sản (sửa đổi), dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Các đề nghị xây dựng Luật, dự
án Luật đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Hiến
pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ. Việc xây dựng các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật trên cơ sở
kế thừa, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành; bám sát thực tiễn, tổng kết,
đánh giá thi hành pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc, điểm nghẽn về thể chế; có cơ chế để xử lý các vấn đề mới phát sinh. Đây là
các luật khó, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động lớn đến kinh tế, xã hội.
Trong quá trình xây dựng luật, các cơ quan chủ trì soạn thảo đã đánh giá tổng kết,
đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành, luật hóa các vấn đề
đã được thực tiễn chứng minh là đúng; lấy ý kiến các cơ quan, Tổ chức, chuyên
gia, nhà khoa học; nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các đề nghị xây dựng Luật,
dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các chính sách trong các
đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật trình Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý để
phát triển nhà ở, thị trường bất động sản phù hợp theo cơ chế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, công nghệ viễn
thông, bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; củng cố sức mạnh
quốc phòng, kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc
phòng với phát triển kinh tế, xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong
quản lý tài sản công; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hài hòa lợi ích
giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ
nguồn lực; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, bảo đảm có sự phối hợp,
kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Trong thời gian tới,
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục thực hiện
nghiêm túc các chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục rà soát, đánh
giá kỹ lưỡng, toàn diện việc thực thi pháp luật, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ
sung các quy định không còn phù hợp hoặc chưa có quy định đầy đủ; trực tiếp chỉ
đạo xây dựng các đề nghị xây dựng Luật, dự án Luật; ưu tiên các nguồn lực đầu
tư về nhân lực và kinh phí để triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng pháp luật,
bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Trong quá trình soạn thảo các dự án
luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan, tổ chức
liên quan khác để tạo sự đồng thuận; tăng cường truyền thông chính sách, tạo đồng
thuận trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm
tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chính phủ quyết nghị các
nội dung cụ thể như sau:
1. Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ
Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà
Nội và các bộ, cơ quan có liên quan, khẩn trương, trách nhiệm trong việc lập Đề
nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của
Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô[1]. Việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là rất cần
thiết, nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều
kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc
thù của Thủ đô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, tạo động lực phát triển,
tập trung các nguồn lực đầu tư mạnh cho Thủ đô.
Chính phủ cơ bản thống nhất
với các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp
trình, về các chính sách cụ thể: tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn,
hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực
chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao
năng lực tài chính - ngân sách cho phát triển của Thủ đô; hoàn thiện các quy định
về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông
của Thủ đô; cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông
thôn hiện đại, nông dân văn minh; cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo
dục, đào tạo Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện
đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế,
chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh,
bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư
pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các bộ, cơ quan
liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát, thể
chế hóa đầy đủ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản
của các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan để nghiên cứu, thể chế hóa đầy
đủ các chủ trương này, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời
gian tới.
- Trong quá trình xây dựng
Luật cần rà soát chọn lọc một số giải pháp chính sách trọng tâm, trọng điểm,
tránh dàn trải, tránh trùng lặp với các chính sách chung áp dụng trong phạm vi
cả nước, rà soát, chọn lọc các quy định có liên quan tới Thủ đô, luật hóa các
quy định tại văn bản dưới luật; đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc
hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh,
thành phố trong thời gian qua; chọn lọc những cơ chế, chính sách phát huy hiệu
quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật này; quy định rõ nguyên tắc ưu tiên
áp dụng Luật Thủ đô để tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng, thực thi Luật Thủ
đô.
- Các chính sách cần kế
thừa, bổ sung, luật hóa những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh
là phù hợp, ưu tiên các cơ chế chính sách trọng điểm, đặc thù trong vực đầu tư,
tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng hạ tầng, giao thông, môi trường, văn
hóa, khoa học và công nghệ như: cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công tư
(trong đó có các hình thức BT, BOT...); cơ chế đầu tư hạ tầng giao thông hiệu
quả nhằm giảm tải, giảm áp lực về hạ tầng giao thông; huy động các nguồn vốn
linh hoạt, hiệu quả,...
- Các chính sách cần bảo
đảm yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; phân cấp, phân quyền trong quản lý
kết hợp phân bổ nguồn lực hợp lý; tổ chức bộ máy, biên chế khả thi, hiệu quả; có
chính sách đột phá, thu hút được các nguồn lực, nhân tài cho sự phát triển của
Thủ đô; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thanh tra, giám sát, bảo đảm sự phát triển
nhanh, mạnh và bền vững của Thủ đô.
- Nghiên cứu, hoàn thiện
các chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở
(đặc biệt là nhà ở xã hội), giao thông, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế,
khoa học và công nghệ, cơ chế thu hút nhân tài; cơ chế thu hút đầu tư vào các
lĩnh vực mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; cơ chế thu hút
nguồn lực phát triển các lĩnh vực về: văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, môi trường,...
- Về mô hình tổ chức
chính quyền thành phố Hà Nội: rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể theo hướng
Tổ chức chính quyền Thành phố thực hiện theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng nhân dân
phường), bổ sung chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hà Nội; tiếp tục hoàn
thiện bộ máy chính quyền các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
- Về thời gian trình Quốc
hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp
thứ 6 (tháng 10 năm 2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024).
Giao Bộ Tư pháp tiếp tục
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và
các cơ quan, Tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến Thành
viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để bổ
sung vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023. Phó Thủ Tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc
xây dựng dự án Luật này.
2. Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Đấu giá tài sản:
Chính phủ đánh giá cao Bộ
Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trong việc chủ động đề
xuất, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối Đảng[2]. Đồng thời, tiếp tục thực hiện
cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong
quản lý tài sản công; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật
liên quan đến đấu giá tài sản; khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật Đấu giá
hiện hành; nâng cao chất chất lượng dịch vụ đấu giá; tăng cường quản lý nhà nước
trong lĩnh vực đấu giá.
Chính phủ cơ bản thống nhất
với các nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Đấu giá như đề xuất của Bộ Tư pháp về các chính sách: hoàn thiện các
quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; Tổ chức, hoạt động, quyền và
nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tải sản; hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ
tục đấu giá tài sản, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn, chặt chẽ, công khai,
minh bạch và thống nhất; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá
tài sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu
cực, gây thất thoát tài sản; hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; ứng dụng mạnh mẽ
công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công
tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tư
pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề
nghị xây dựng Luật bảo đảm các yêu cầu sau:
- Trên cơ sở tổng kết,
đánh giá kỹ việc thực hiện các quy định của Luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung
các quy định phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, khắc phục được các khó
khăn, vướng mắc, bất cập; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là
thành viên; thể hiện đầy đủ các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề
nghị xây dựng Luật này; thể hiện rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản
lý nhà nước về hoạt động đấu giá.
- Đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như
trong quản lý nhà nước về đấu giá; bảo đảm công khai, minh bạch; phòng, chống
tiêu cực, thất thoát tài sản, ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách đấu giá để
thông đồng, nâng giá hoặc giảm giá tài sản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của
Tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá.
- Cần nghiên cứu để có cơ
chế đấu giá phù hợp đối với các tài sản đặc thù như: quyền sử dụng đất, quyền
khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số phương tiện
giao thông cơ giới, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, di sản văn hóa... nhằm tháo
gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
- Quá trình xây dựng
chính sách, xây dựng Luật cần bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan,
Tổ chức, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc
kinh nghiệm quốc tế.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì,
phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý
kiến Thành viên Chính phủ; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; bổ sung Đề nghị xây dựng Luật
này vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ
6 (tháng 10 năm 2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024). Phó Thủ
tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo việc xây dựng dự án Luật này.
3. Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân
dân:
Chính phủ đánh giá cao Bộ
Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị Đề nghị
xây dựng Luật Phòng không nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính
phủ thống nhất với mục tiêu xây dựng Luật Phòng không nhân dân để luật hóa các
quy định hiện hành[3] và
thể chế hóa chủ trương của Đảng[4] về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc
và các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật về: xây dựng lực lượng phòng
không nhân dân; huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; quy định quản
lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; quy định các biện
pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với phòng không
nhân dân.
Chính phủ giao Bộ Quốc
phòng khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ,
hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Tiếp tục rà soát,
nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ giữa phòng không nhân dân, phòng không không
quân, dân quân tự vệ, phòng thủ dân sự; rà soát các luật liên quan như: Luật Quốc phòng, Luật
Dân quân tự vệ, Luật lực lượng dự bị động
viên, Luật Đầu tư, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Phòng, chống khủng bố...và các quy định
pháp luật có liên quan để xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng
không nhân dân để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.
- Nghiên cứu các giải
pháp quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, chất lượng của xây dựng luật, các
chính sách cần có tính dự báo, phù hợp với tình hình mới về yêu cầu bảo đảm an
ninh quốc gia, sự phát triển của khoa học công nghệ và phát triển kinh tế, xã hội;
đồng thời khuyến khích được sự tham gia của người dân vào hoạt động phòng không
nhân dân khi cần thiết.
- Xây dựng Luật theo hướng,
luật hóa các nội dung mang tính ổn định, những nội dung còn biến động thì quy định
mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể, bảo đảm linh hoạt, khả
thi trong thực tiễn. Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ
Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong quản lý, thực hiện các
hoạt động phòng không nhân dân, không bỏ sót, tránh trùng lặp, chồng chéo nhiệm
vụ, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả.
Giao Bộ Quốc phòng chủ
trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ
quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị
xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp
trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến
tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
4. Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc
phòng và khu quân sự:
Chính phủ đánh giá cao Bộ
Quốc phòng trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự
án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật. Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm
quán triệt và thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp, có cơ chế chính sách giải quyết các
vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn trong việc quản lý, bảo vệ công trình
quốc phòng và khu quân sự.
Chính phủ cơ bản thống nhất
với nội dung dự thảo Luật, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các
Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Luật về một số vấn đề cụ thể như sau:
- Hoàn thiện quy định lực
lượng quản lý, bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của các ban, bộ, ngành trung
ương theo hướng trong một số trường hợp, các ban, bộ, ngành trung
ương không tổ chức được lực lượng bảo vệ công trình sơ tán thời chiến của mình
thì bàn giao cho Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng quân sự địa phương trực tiếp bảo
vệ trong thời bình.
- Quy định thẩm quyền Thủ
tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu
quân sự sang mục đích khác cùng với quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất
công trình quốc phòng để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, bảo đảm yêu cầu
về an ninh, quốc phòng, bí mật quân sự; các trường hợp đặc biệt thì cần có
chính sách đặc thù, đồng thời cần có công cụ kiểm soát chặt chẽ. Bộ Tài nguyên
và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung
quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong
dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật này.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối
hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ
và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ; hoàn
thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy
quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ để
trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thử 5 Quốc hội khóa XV.
5. Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ
Xây dựng chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Chính phủ thống nhất về sự
cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở[5]. Việc xây dựng Luật thể hiện các chính sách
đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), khắc
phục nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, nhất là về vấn đề sở hữu
nhà chung cư, phát triển nhà ở xã hội...; tạo điều kiện để phát triển thị trường
nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, người nghèo, bảo đảm
an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các chính
sách, pháp luật về nhà ở.
Chính phủ cơ bản thống nhất
về nội dung dự án Luật. Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các
Thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Luật, bảo đảm các
yêu cầu sau:
- Quy định các chính sách
đối với nhà chung cư: thời hạn sử dụng nhà chung cư; các trường hợp phải phá dỡ
chung cư; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể, phù hợp với quy định Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với quy định của
Bộ luật Dân sự, Luật
Xây dựng và Luật Đất đai, bảo đảm hài hòa
lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
- Cần quy định linh hoạt
Chương trình phát triển nhà ở cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính để địa
phương chủ động triển khai thực hiện. Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quỹ đất
xây dựng nhà ở của tỉnh, không quy định tỷ lệ diện tích đất dành cho nhà ở xã hội
đối với từng dự án để linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; có cơ chế hữu hiệu để
huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, gắn trách
nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục
tiêu của Chính phủ trong việc triển khai quyết liệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất
01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công
nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
- Hoàn thiện quy định chủ
đầu tư được bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại dịch
vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước
và nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất
với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và pháp luật có liên quan, về bố trí quỹ đất
dành để phát triển nhà ở xã hội, quy định trường hợp có 02 nhà đầu tư trở lên
thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu, bảo đảm
công bằng giữa các nhà đầu tư.
- Xác định giá bán, cho
thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ
sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, lợi nhuận định
mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch,
hài hòa lợi ích của các bên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
- Tiếp tục nghiên cứu,
hoàn thiện quy định cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác
(trừ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm) được thực
hiện dự án nhà ở thương mại, phù hợp với quy hoạch khi có đủ điều kiện làm chủ
đầu tư. Có chính sách sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với đất
thuê để phù hợp với thực tế.
- Để bảo đảm sự thống nhất,
đồng bộ giữa các Luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai và các luật
chuyên ngành khác với Luật Công chứng, cần
sửa đổi theo hướng: Luật Nhà ở và các luật
chuyên ngành khác quy định rõ các giao dịch phải công chứng, chứng thực về nhà ở,
tài sản khác; Luật Công chứng quy định về
trình tự, thủ tục công chứng các giao dịch đó. Rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm nội
dung dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thống nhất, đồng bộ với các Luật: Đầu tư,
Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Xây dựng, Quản lý, sử dụng tài sản công,....
- Trong quá trình hoàn
thiện, chỉnh lý dự thảo Luật cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi đối
tượng điều chỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... để tiếp tục
nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì,
phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp
thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật
bảo đảm chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ
họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc hoàn thiện
dự án Luật này.
6. Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi):
Chính phủ thống nhất về sự
cần thiết xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các chủ
trương tại Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở
thành nước phát triển có thu nhập cao; bám sát các chính sách trong Đề nghị xây
dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua; có giải
pháp khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, thúc đẩy thị trường
bất động sản phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng tình hình mới.
Chính phủ cơ bản thống nhất
với nội dung của dự án Luật. Bộ Xây dựng tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên
Chính phủ, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
- Làm rõ nguyên tắc áp dụng
Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ
với các luật có liên quan: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật
Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Công chứng...phù hợp với nguyên tắc xây dựng
và áp dụng pháp luật theo đúng quy định của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Xử lý hài hòa mối quan
hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can
thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành
mạnh, bền vững; đồng thời cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời
của Nhà nước khi cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế.
- Tăng cường quản lý nhà
nước về kinh doanh bất động sản, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm
vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người
dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường, công bằng xã hội; đẩy mạnh phân
cấp, phân quyền một cách hợp lý để có thể kịp thời xử lý các tình huống, khó
khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện; bảo đảm
quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản; có
công cụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế khen thưởng hoặc xử lý khi có vi phạm.
- Rà soát các quy định
pháp luật của dự thảo Luật về: hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều
kiện chuyển nhượng dự án bất động sản... bảo đảm thống nhất với quy định pháp
luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư...
- Cải cách thủ tục hành
chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục lấy ý kiến, tham vấn đầy đủ,
thực chất ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà
hoạt động thực tiễn; phối hợp với các cơ quan để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện
dự án Luật, bảo đảm chất lượng.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì,
phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp
thu đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật
bảo đảm chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án
Luật này tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo
việc xây dựng dự án Luật này.
7. Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ
Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) theo quy
định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Việc sửa đổi Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển hạ tầng
thông tin, viễn thông, bảo đảm an ninh quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc
gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Chính phủ cơ bản thống nhất
với nội dung của dự án Luật. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa ý kiến
Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật bảo đảm các yêu cầu
sau:
- Tiếp tục đánh giá kỹ,
toàn diện việc thực hiện Luật Viễn thông năm
2009, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập do quy định hiện hành; sửa đổi
các quy định chưa phù hợp; bổ sung quy định để quản lý các vấn đề mới phát sinh
trong thực tiễn; có cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh
lành mạnh; hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chủ quyền,
an ninh quốc gia.
- Tiếp thu có chọn lọc
kinh nghiệm quốc tế; tăng cường phân cấp về thẩm quyền; cắt giảm tối đa thủ tục
hành chính; sửa đổi, luật hóa các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với nhu
cầu thực tiễn và cam kết quốc tế của Việt Nam.
- Nghiên cứu, đánh giá kỹ
lưỡng tác động của chính sách mới về: dịch vụ ứng dụng Internet trong hoạt động
viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây; điều kiện
cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng tại Việt Nam, bảo đảm
phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế hội
nhập và sự thay đổi về công nghệ thông tin, viễn thông.
- Kế thừa quy định của Luật
hiện hành về Quỹ viễn thông công ích Việt Nam để hoàn thiện quy định của dự thảo
Luật, phù hợp mục tiêu hỗ trợ các hoạt động viễn thông công ích theo quy định của
Luật, có cơ chế quản lý, sử dụng, đóng góp của Quỹ bảo đảm thiết thực, hiệu quả;
đánh giá hiệu quả của Quỹ theo Nghị quyết số 792/NQ-UBVQH14 ngày 22 tháng 10 năm 2019 đánh
giá hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, bảo đảm
việc quản lý, sử dụng Quỹ thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế
trong từng giai đoạn.
- Tiếp tục rà soát các luật
hiện hành và các luật đang sửa đổi như: Luật Công
nghệ thông tin, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, Luật An
ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng,...để
bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
- Rà soát các quy định giao
Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện trong Luật các nội dung có tính ổn định;
giao Chính phủ quy định những nội dung có tác động bởi sự thay đổi về công nghệ
và tình hình phát triển để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực liễn.
Giao Bộ Thông tin và Truyền
thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên
quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự
án Luật bảo đảm chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội
tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc
hoàn thiện dự án Luật này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư
Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực
thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiếm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;- Ngân hàng
Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam:
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ
lý, Thư ký TTg, các PTTg; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, TGĐ Cổng
TTĐTCP;
- Lưu: VT, PL (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ
TƯỚNG
Phạm
Minh Chính
|
[1] Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày
05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ
đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ
Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt
Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của
Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh và
vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tằm nhìn đến năm 2045.
[2] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị
quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11
năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đàng khóa XIII về tiếp tục xây
dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn
mới, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27
tháng 9 năm 2019 của Bộ Chinh trị về một số chủ trương, chính sách chủ động
tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lân thứ tư
[4] Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008; Nghị quyết
số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày
16/4/2018; Kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018; Nghị quyết số
33-NQ/TW ngày 28/9/2018.
[5] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày
16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030