BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỔ CHỨC
--------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số: 36-HD/BTCTW
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2021
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC NHÂN SỰ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày
20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và
bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Thông báo kết
luận số 174- TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -
2026; Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi
nghỉ hưu khi thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động năm
2019, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung về công tác nhân sự đại
biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
như sau:
1- Lãnh đạo thực
hiện Chỉ thị và Kết luận của Bộ Chính trị
Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực
thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh ủy, thành ủy) thành lập ban chỉ
đạo để lãnh đạo công tác bầu cử; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát
sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Thành phần ban chỉ đạo gồm: ban
thường vụ cấp ủy, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố. Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí bí
thư tỉnh ủy, thành ủy.
Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy;
các ban và cơ quan của Trung ương Đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy các
đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước ở Trung ương tổ chức hội nghị
cán bộ chủ chốt của địa phương, cơ quan, đơn vị để quán triệt thực hiện Chỉ thị,
Kết luận của Bộ Chính trị và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về bầu cử đại
biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ
2021-2026. Thành phần tham dự hội nghị do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; lãnh
đạo các cơ quan, đơn vị ở Trung ương xem xét, quyết định.
2- Tiêu chuẩn đại
biểu Quốc hội khóa XV
2.1. Tiêu chuẩn chung
Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo
đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội,
cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công
cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có
phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp
hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống
tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành
vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức
khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được
nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang
công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn
vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung
còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc;
có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định
chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với
vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi
phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được
làm. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội
chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị
thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn
vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm
Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính
trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những
người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội.
2.2. Về tiêu chuẩn, điều kiện của
đại biểu Quốc hội chuyên trách
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng
cử đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau:
- Có trình độ đào tạo đại học trở
lên.
- Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên
trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải
kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức
vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội
chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên. Nếu
là cán bộ Quân đội, Công an thì phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức
danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh,
chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh[1] và tương đương trở lên hoặc
có quân hàm từ Đại tá trở lên.
- Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội
chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ
chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong
các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng
nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc
tương đương trở lên.
- Đối với một số lĩnh vực cần thiết
phải cơ cấu đại biểu Quốc hội nhưng không có nhân sự cấp vụ trưởng và tương
đương đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm
quyền xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể, bảo đảm đúng quy định[2].
- Về độ tuổi:
+ Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu
ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn
một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây. Đại
biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chỉ ủy viên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng)
trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng
7/1968 trở lại đây[3].
Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện
theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công
an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung
ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí
thư[4] do cấp có
thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
+ Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc
đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị[5] và Nghị định của Chính phủ[6] được tính tuổi
công tác như nam, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ
tháng 7/1963 trở lại đây.
+ Các đồng chí không đủ tuổi tái cử
nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét,
bố trí công tác phù hợp hoặc giữ nguyên một số chế độ, chờ đủ tuổi nghỉ hưu; những
đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi thì giải quyết theo Nghị định số
26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày
20/12/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
+ Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở
Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc
hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu
thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm
kỳ[7].
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ
quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06
tháng tính đến tháng 5/2021, cụ thể:
+ Đối với cán bộ ở các cơ quan Trung
ương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hướng dẫn, xác định cơ
sở y tế để khám sức khỏe.
+ Đối với cán bộ ở địa phương: do Ban
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y
tế để khám sức khỏe.
3- Tiêu chuẩn đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
3.1. Tiêu chuẩn chung:
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân
dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của
Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân
và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững
vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu,
hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn
hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực
hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân
dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân,
được nhân dân tín nhiệm.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải
là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị
vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám
sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều
đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Không giới thiệu và đưa
vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực;
có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi
phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham
nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày
28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy
quyền tham gia Hội đồng nhân dân các cấp.
3.2. Về tiêu chuẩn, điều kiện của
đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được
giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng
các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Có trình độ đào tạo đại học trở lên
(đối với cấp tỉnh và cấp huyện).
- Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch
Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là tỉnh ủy viên trở lên (trong đó phải
có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ), đang giữ chức vụ từ giám đốc sở
hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch Hội đồng nhân dân,
phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên
trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ phó giám đốc sở hoặc tương
đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ
chức vụ từ trưởng phòng hoặc tương đương trong các sở, ban, ngành ở cấp tỉnh trở
lên.
- Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử phó chủ
tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là huyện ủy viên, giữ chức vụ từ trưởng
phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên và đã được quy hoạch phó chủ tịch Hội
đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; cán bộ ứng cử
trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ phó trưởng
phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng
nhân dân phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên và đã được
quy hoạch vào chức vụ từ phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên.
Đối với các đồng chí dự kiến bố trí
làm Trưởng các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có
năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.
- Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch
Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là cấp ủy viên, nơi nào có điều kiện thì bố
trí ủy viên thường vụ đảng ủy cấp xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ tỉnh
ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử
phó chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp xã.
- Về độ tuổi:
+ Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu
ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ
Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nam sinh từ tháng
02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây; nhân sự tái cử phải còn đủ tuổi
công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính từ tháng 5/2021, nam
sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến
tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019. Riêng những người ứng cử đại biểu
Hội đồng nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại
Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những
trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội
theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản
lý cán bộ xem xét, quyết định.
+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở
tuổi cao hơn theo Nghị định của Chính phủ[8] được tính tuổi công tác như nam, người ứng cử
lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây và sẽ
nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan
y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng
tính đến tháng 05/2021 (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để
khảm sức khỏe).
4- Về bố trí trưởng
đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và nhân sự lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân các cấp
4.1. Các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương được cấp ủy đề xuất và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý giới thiệu ứng
cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn đại biểu
Quốc hội của tỉnh, thành phố theo nguyên tắc mỗi đồng chí thường trực cấp ủy cấp
tỉnh nhìn chung không giữ quá 02 chức danh lãnh đạo (Bí thư, phó bí thư, chủ
tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội);
các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng được phân công làm trưởng đoàn đại biểu Quốc
hội tỉnh, thành phố thì không giữ quá 03 chức danh lãnh đạo. Các đồng chí đảm
nhiệm chức danh phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố phải là tỉnh ủy
viên, giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch
một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch
Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc tương
đương trở lên.
4.2. Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp ủy
chuẩn bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (gắn với công tác nhân sự đại hội
đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025); trường hợp cần thiết nếu phải thay đổi
thì báo cáo cấp ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4.3. Các đồng chí được giới thiệu ứng cử làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội
khóa XV, ứng cử giữ chức chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Đề án nhân sự cấp ủy
nhiệm kỳ 2020- 2025 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII thông qua, thì
không phải báo cáo lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; trường hợp cần thiết
phải bố trí lại Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội theo đề án tổng thể, do Bộ Chính
trị, Ban Bí thư khóa XIII xem xét, quyết định.
4.4. Cấp ủy các cấp lãnh đạo việc bố trí nhân sự ứng cử các chức danh lãnh
đạo chủ chốt của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp về các đơn vị bầu cử,
đảm bảo sự hài hòa, tương quan chung trong việc bố trí nhân sự ứng cử tại các
đơn vị bầu cử ở địa phương.
4.5. Về số lượng cấp phó đối với chức danh lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội,
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định hiện hành.
Các tỉnh, thành phố được cơ cấu 02 phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thì phải
có 01 đồng chí là ủy viên thường vụ tỉnh, thành ủy.
4.6. Trường hợp khi trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có sự thay đổi công tác
thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí
nhân sự phù hợp đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; trường hợp đặc
biệt nếu tại địa phương không có nhân sự đáp ứng yêu cầu thì có thể xem xét, phân
công đồng chí đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa bàn là cán bộ thuộc diện Trung
ương quản lý kiêm nhiệm Trưởng đoàn.
5- Phát huy dân
chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
5.1. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp thực hiện theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng nhân dân; quy trình, thủ tục, hồ sơ cụ thể thực hiện theo quy định
của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, việc giới
thiệu ứng cử phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước. Đối với
người ngoài Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ
quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu
trách nhiệm về kết luận của mình.
5.2. Đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cấp ủy, tổ
chức đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung
dân chủ.
5.3. Đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tự ứng cử đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật
Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp
ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý, cụ thể như sau:
- Đối với đảng viên không giữ chức vụ
trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, nếu tự ứng cử đại
biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cáo và phải được chi bộ,
đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
- Đối với đảng viên đang giữ các chức
vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự
nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, nếu tự ứng cử đại biểu
Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cáo và phải được cấp có thẩm
quyền quản lý cán bộ và cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ, đảng bộ cơ sở
(nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.
6- Tổ chức thực
hiện
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng
Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban Đảng ở Trung ương và
các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương căn cứ Chỉ thị, Kết luận của Bộ
Chính trị, Hướng dẫn này và các văn bản của Trung ương có liên quan để lãnh đạo,
chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp; bảo đảm tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp theo quy định; chú ý rà soát kỹ lưỡng, thẩm định chặt chẽ
hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định.
Các tỉnh ủy, thành ủy xét thấy cần
thiết, có thể ban hành hướng dẫn việc thực hiện cụ thể ở địa phương mình bảo đảm
theo các quy định của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu
có vướng mắc, đề nghị trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương để hướng dẫn, hoặc tổng
hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí
thư (để b/c),
- Hội đồng bầu cử Quốc gia,
- Tiểu ban nhân sự - HĐBCQG,
- Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các cơ quan, ban đảng, ban cán sự đảng đảng đoàn, đảng Ủy trực thuộc TW,
- Các đồng chí Lãnh đạo Ban,
- Các cục, vụ thuộc BTCTW,
- Lưu VP, Vụ V.
|
K/T
TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thanh Bình
|
[1] Theo Thông báo kết luận số
174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
[2] Theo Thông báo kết luận số
174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
[3] Theo Khoản 2, Điều 169: Tuổi
nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh
theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60
tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người
lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với
nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối
với lao động nam; 04 tháng đối với lao động nữ
[4] Kết luận 58-KL/TW, ngày
12/9/2019 của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác hội: “Tuổi giới thiệu lần
đầu hoặc tái cử tham gia làm lãnh đạo các hội (chủ tịch, phó chủ tịch hội)
không quá 65 tuổi. Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi do cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định, nhưng chi áp dụng đối với chủ tịch hội”.
[5] Công văn số 12278-CV/VPTW,
ngày 03/12/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến kết luận của Bộ
Chánh trị về cán bộ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
[6] Nghị định 53/2015/NĐ-CP , ngày
29/5/2015 của Chính phủ, Quy định về nghỉ hưu ờ tuổi cao hơn đổi với cán bộ,
công chức và Nghị định 104/2020/NĐ-CP , ngày 04/9/2020 của Chính phủ bổ sung đối
tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ nữ là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy,
thành ủy là người dân tộc thiểu số.
[7] Theo Thông báo kết luận số
174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc
hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
[8] Nghị định 53/2015/NĐ-CP , ngày
29/5/2015 của Chính phủ, Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ,
công chức và Nghị định 104/2020/NĐ-CP , ngày 04/9/2020 của Chính phủ bổ sung đối
tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ nữ là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy,
thành ủy là người dân tộc thiểu số.