ĐIỀU LỆ
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, được
thành lập ngày 18 tháng 11 năm 1930.
Trải qua các thời kỳ hoạt động với những
tên gọi khác nhau, Mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống
đoàn kết dân tộc Việt Nam - một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp
giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa.
Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của
Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí
tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân
biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và
chính kiến, tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống
nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước
Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần
tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức
liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp,
tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận
của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; nơi thể hiện
ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ
của Nhân dân; nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành
viên.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ
tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân
chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng,
Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Biểu trưng của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam hình tròn, nửa phía trên là hình tượng cờ đỏ sao vàng năm cánh, dưới là hoa
sen trắng. Đường ngoài vòng cung màu vàng biểu hiện hai nhánh lúa vươn lên nâng
dòng chữ Mặt trận Tổ quốc trên nền cờ đỏ. Phía dưới cùng là hình tượng nửa bánh
xe màu đỏ có dòng chữ Việt Nam.
Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày
truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân
tộc.
Chương I
THÀNH VIÊN CỦA MẶT
TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Điều 1. Thành
viên
Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã
hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn
giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Việc gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ và các quy định cụ
thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp
xem xét công nhận.
Điều 2. Quyền và
trách nhiệm của thành viên tổ chức
1. Quyền của thành viên tổ chức
a) Thảo luận, chất vấn, đánh giá, kiến
nghị về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cùng cấp chủ trì hiệp thương giữa các thành viên có liên quan, nhằm hưởng ứng
các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động nhân dân theo sáng kiến của
tổ chức mình;
c) Giới thiệu người để hiệp thương cử
vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
d) Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của tổ chức mình;
đ) Tham gia các Hội nghị của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
e) Được cung cấp thông tin về hoạt động
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
2. Trách nhiệm của thành viên tổ chức
a) Thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Điều
lệ, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế phối hợp và
thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
các Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
thành viên với cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan;
b) Tập hợp ý kiến,
kiến nghị của thành viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và kết quả
thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động gửi Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cùng cấp;
c) Tuyên truyền, vận động thành viên,
đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, thực
hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
d) Vận động các thành viên, đảng
viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết
toàn dân tộc;
đ) Đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ những tổ
chức, cá nhân chưa gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng có tinh thần hưởng ứng,
ủng hộ, thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
e) Tham gia thực hiện các nhiệm vụ của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 3. Quyền và
trách nhiệm của thành viên cá nhân
1. Quyền của thành viên cá nhân
a) Thảo luận, kiến nghị, chất vấn về
tổ chức và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
b) Được mời tham gia thực hiện nhiệm
vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam liên quan đến lĩnh vực công tác; đề xuất các nội
dung về chương trình công tác và chính sách cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cùng cấp;
c) Thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cùng cấp tham gia các hoạt động liên quan đến công tác Mặt trận khi được
phân công;
d) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình;
đ) Được mời dự
Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi mình cư trú;
e) Được cung cấp thông tin về hoạt động
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
g) Được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cùng cấp tạo điều kiện để hoàn thành trách nhiệm của mình trong Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam.
2. Trách nhiệm của thành viên cá nhân
a) Thực hiện Hiến pháp, pháp luật, Điều
lệ, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình phối hợp
và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; báo cáo
kết quả thực hiện trách nhiệm của thành viên với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cùng cấp theo quy định;
b) Tập hợp và phản
ánh tình hình về lĩnh vực mình đại diện, hoạt động với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cùng cấp;
c) Phát huy vai trò nòng cốt trong
tuyên truyền, động viên, đoàn kết nhân dân ở nơi cư trú và trong lĩnh vực hoạt
động, công tác để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động
do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động;
d) Tham gia các hoạt động khi được mời
và góp ý các văn bản khi được yêu cầu;
đ) Lắng nghe, tập hợp, phản ánh ý kiến,
kiến nghị của nhân dân nơi mình công tác và cư trú với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cùng cấp.
Điều 4. Quan hệ
giữa các thành viên
Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, hiệp
thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để cùng thực hiện các nhiệm vụ
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước
và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chương II
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC,
HOẠT ĐỘNG VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Điều 5. Nguyên tắc
tổ chức và hoạt động
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức
và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam.
2. Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân
chủ, phối hợp và thống nhất hành động. Khi phối hợp và thống nhất hành động,
các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuân theo Điều lệ Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ
chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 6. Hệ thống
tổ chức
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ
chức theo cấp hành chính:
a) Ở Trung ương có Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
b) Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh); Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi
chung là cấp huyện); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (gọi
chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam.
2. Dưới cấp xã có Ban Công tác Mặt trận
ở khu dân cư.
Điều 7. Đại hội
1. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam mỗi cấp là cơ quan hiệp thương cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cấp đó, 5 năm tổ chức một lần.
2. Số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu
dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Hội nghị Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương thỏa thuận.
3. Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ:
a) Thảo luận và thông qua báo cáo tổng
kết nhiệm kỳ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình
hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ mới;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam;
c) Hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.
4. Số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu
dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương do Hội nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó thỏa thuận theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
nào do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó triệu tập, có nhiệm vụ:
a) Thảo luận và thông qua báo cáo nhiệm
kỳ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình hành động của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp mình nhiệm kỳ mới;
b) Góp ý kiến vào dự thảo báo cáo,
Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và sửa
đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có);
c) Hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;
d) Hiệp thương dân chủ cử đại biểu đi
dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp;
đ) Thông qua Nghị quyết Đại hội.
Điều 8. Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở
mỗi cấp là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cấp đó.
2. Số lượng Ủy
viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp nào, do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp đó hiệp thương thỏa thuận và quyết định theo cơ cấu thành phần
quy định tại Điều 13, Điều 22, Điều 24 Điều lệ này và hướng dẫn của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.
3. Ủy viên Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp đương nhiên không còn là Ủy viên trong những
trường hợp sau đây:
a) Không còn là đại diện của tổ chức
thành viên đã cử ra;
b) Không còn là đại diện của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới hoặc Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư;
c) Cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương chuyển khỏi địa bàn cư trú tương
ứng với cấp tham gia Ủy ban và không đại diện cho lĩnh vực được cơ cấu;
d) Cán bộ Mặt trận chuyên trách chuyển
công tác khác hoặc nghỉ hưu.
Việc cử người thay thế do Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó quyết định.
4. Trong nhiệm kỳ Đại hội, khi cần
tăng thêm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam mỗi cấp có quyền cử bổ sung một số Ủy viên nhưng không vượt quá 10% tổng số
Ủy viên đã được Đại hội cử ra.
Trường hợp đặc biệt vượt quá 10% do
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, quyết định.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp có thể cử một số Phó Chủ tịch không chuyên trách.
6. Trong nhiệm kỳ
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nếu có sự thay đổi về đơn vị hành chính thì việc
kiện toàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực ở cấp hành chính
đó do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp thống nhất với các cơ
quan có liên quan hướng dẫn.
Điều 9. Việc cử các
chức danh lãnh đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Việc cử các chức danh lãnh đạo của Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Điều 14, Điều 23 và Điều 24 của Điều
lệ này được thực hiện theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, nếu không thống nhất
được thì bầu bằng phiếu kín; người trúng cử phải được trên một phần hai tổng số
Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp bầu tín nhiệm.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các cấp được điều hành công việc ngay sau khi Hội nghị lần thứ nhất Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa mới hiệp thương cử ra. Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương được công nhận chính thức
khi có quyết định chuẩn y của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cấp trên trực tiếp.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn cụ thể Điều này.
Điều 10. Chế độ
làm việc của Ban Thường trực
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các cấp làm việc theo chế độ tập thể bàn bạc và quyết định theo đa số,
có phân công cá nhân phụ trách.
Điều 11. Tổ chức
và cán bộ cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các văn bản pháp luật liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam sau khi thống nhất với cơ quan có thẩm quyền, quy định về tổ
chức và cán bộ của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp
với Ban Thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất triển
khai thực hiện quy định của Ban Bí thư về tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan
chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; hướng dẫn
tổ chức, cán bộ của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp có trách nhiệm tổ chức việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất,
nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Khi có sự thay đổi Chủ tịch, Phó
Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh,
cấp huyện, cấp xã giữa nhiệm kỳ, Ban Thường trực cấp đó phải báo cáo Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp. Việc cử, bổ sung,
công nhận chức danh đó tiến hành theo quy định tại Điều 20, Điều 23, Điều 24 và
Điều 25 Điều lệ này.
Điều 12. Hội đồng
tư vấn, Ban Tư vấn, cộng tác viên
1. Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương,
cấp tỉnh, Ban Tư vấn ở cấp huyện và cộng tác viên ở mỗi cấp là tổ chức, cá nhân
hoạt động không chuyên trách, gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
chuyên gia ở một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam có nhiệm vụ giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn theo quy định.
2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam các cấp thành lập các tổ chức tư vấn, xây dựng đội ngũ cộng tác
viên ở cấp mình. Các Hội đồng tư vấn ở cấp Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập.
3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam mỗi cấp hướng dẫn, bảo đảm điều kiện cho hoạt động của các tổ chức
tư vấn, cộng tác viên của cấp mình.
Chương III
CÁC CƠ QUAN CỦA
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM Ở CẤP TRUNG ƯƠNG
Điều 13. Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ
cử, là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại hội, bao gồm:
1. Người đứng đầu của tổ chức thành
viên cùng cấp. Trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện
lãnh đạo;
2. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
3. Một số cá nhân tiêu biểu trong các
tổ chức, các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài và một số chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực có liên
quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
4. Một số cán bộ chuyên trách ở cơ
quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 14. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Hiệp thương dân chủ ban hành
Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm nhằm thực hiện Chương
trình hành động của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
2. Hiệp thương
dân chủ cử Đoàn Chủ tịch, cử, cử bổ sung, thay thế, cho thôi các chức danh Chủ
tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam; cử bổ sung, thay thế, cho thôi Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trừ trường hợp cho thôi do bị
kỷ luật quy định tại Điều 33);
3. Xét, quyết định
công nhận, cho thôi làm tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp
Trung ương (trừ trường hợp cho thôi do bị kỷ luật quy định tại Điều 33);
4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước;
thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của
Nhà nước;
5. Quyết định việc tổ chức Đại hội đại
biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ tiếp theo.
Điều 15. Chế độ họp
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam họp thường kỳ một năm một lần, họp chuyên đề hoặc bất thường theo đề nghị của
Đoàn Chủ tịch.
Chủ trì Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam do Đoàn Chủ tịch quyết định.
Điều 16. Đoàn Chủ
tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam (gọi tắt là Đoàn Chủ tịch) do Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, là đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam giữa hai kỳ họp.
2. Đoàn Chủ tịch bao gồm các vị:
- Người đứng đầu hoặc đại diện lãnh đạo
của tổ chức chính trị; người đứng đầu của các tổ chức chính trị - xã hội, một số
tổ chức xã hội;
- Một số cá nhân tiêu biểu trong các
tầng lớp xã hội, trong các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài và một số chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực có liên quan hoạt động
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Một số vị Ủy viên Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cán bộ chuyên trách ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch do Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định.
Điều 17. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Đoàn Chủ tịch
Đoàn Chủ tịch có những nhiệm vụ và
quyền hạn sau đây:
1. Quyết định những chủ trương, công
tác để thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động và Nghị quyết của
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
2. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước;
thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của
Nhà nước;
3. Trình dự án luật; báo cáo tổng hợp
ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ra trước Quốc hội;
4. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu
người ứng cử đại biểu Quốc hội và tham gia công tác bầu cử theo quy định của
pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;
5. Cùng với Chủ tịch nước, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành và kiểm điểm việc thực hiện quy chế phối hợp
công tác;
6. Khi cần thiết ra lời kêu gọi nhân
dân hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với
sự kiện trọng đại của đất nước; ra tuyên bố thể hiện chính kiến đối với sự kiện
quan trọng trên thế giới;
7. Thực hiện chủ trương đối ngoại
nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
8. Cho ý kiến về việc cử bổ sung,
thay thế, cho thôi chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch,
Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước
khi trình Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định (trừ trường hợp
cho thôi do bị kỷ luật quy định tại Điều 33);
9. Xem xét, quyết định hình thức kỷ
luật đối với thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp Trung ương khi có
vi phạm Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vi phạm pháp luật;
10. Quyết định thành lập các Hội đồng
tư vấn.
Điều 18. Chế độ
họp Đoàn Chủ tịch
Đoàn Chủ tịch họp thường kỳ sáu tháng
một lần, họp chuyên đề hoặc bất thường theo đề nghị của Ban Thường trực. Khi họp
chuyên đề, Đoàn Chủ tịch có thể mời thêm một số Ủy viên Ủy ban và các chuyên
gia có liên quan tham dự.
Chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch do Ban
Thường trực quyết định.
Điều 19. Ban Thường
trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp
thương dân chủ cử trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch, là cơ quan đại diện của Đoàn
Chủ tịch giữa hai kỳ họp.
2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (gọi tắt là Ban Thường trực) gồm có Chủ tịch, Phó Chủ
tịch - Tổng Thư ký và các Phó Chủ tịch chuyên trách.
Điều 20. Nhiệm vụ
và quyền hạn của Ban Thường trực
Ban Thường trực có những nhiệm vụ và
quyền hạn:
1. Chuẩn bị các Hội nghị của Đoàn Chủ
tịch và giúp Đoàn Chủ tịch chuẩn bị các Hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam;
2. Tổ chức thực hiện Chương trình phối
hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương; các Nghị quyết của Ủy
ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
3. Thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến
nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Thay mặt
Ủy ban Trung ương và Đoàn Chủ tịch để kiến nghị với Đảng, Nhà nước về các chủ
trương, chính sách pháp luật cần ban hành, sửa đổi;
4. Chuẩn bị các dự án luật để Đoàn Chủ
tịch xem xét trình Quốc hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám
sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
5. Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam;
6. Hướng dẫn, kiểm
tra hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; tổ
chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh hằng năm;
7. Xem xét công nhận việc cử, bổ sung
hoặc thay đổi chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh;
8. Hướng dẫn, bảo đảm điều kiện hoạt
động của các Hội đồng tư vấn và quyết định sử dụng đội ngũ cộng tác viên của Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
9. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý bộ máy
giúp việc ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
10. Giữ mối quan hệ phối hợp công tác
với cơ quan nhà nước, tổ chức thành viên;
11. Ban hành và kiểm tra việc thực hiện
các văn bản theo thẩm quyền;
12. Xét, quyết định việc khen thưởng,
đề nghị kỷ luật.
Điều 21. Chế độ
họp Ban Thường trực
1. Ban Thường trực họp thường kỳ mỗi
tháng hai lần, họp chuyên đề hoặc bất thường khi cần thiết.
2. Chủ tịch chủ trì hoặc phân công
người chủ trì các phiên họp của Ban Thường trực.
Chương IV
CƠ QUAN CỦA MẶT
TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG
Điều 22. Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện hiệp thương dân chủ cử, là cơ quan chấp hành
giữa hai kỳ Đại hội, bao gồm:
a) Người đứng đầu của tổ chức thành
viên cùng cấp; trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện
lãnh đạo;
b) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp dưới trực tiếp;
c) Một số cá nhân tiêu biểu trong các
tổ chức, các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định
cư ở nước ngoài và một số vị có chuyên môn, am hiểu sâu trên các lĩnh vực có
liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
d) Một số cán bộ chuyên trách ở cơ
quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
2. Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện họp thường kỳ sáu tháng một lần, họp bất
thường hoặc chuyên đề theo đề nghị của Ban Thường trực cùng cấp.
Chủ trì Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam mỗi cấp do Ban Thường trực cùng cấp quyết định.
Điều 23. Nhiệm vụ,
quyền hạn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh,
cấp huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Thảo luận về tình hình và kết quả
thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động thời gian qua; quyết định
Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cấp mình thời gian tới;
2. Hiệp thương
dân chủ cử, cử bổ sung, thay thế hoặc cho thôi các chức danh Chủ tịch, các Phó
Chủ tịch, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cùng cấp;
3. Xét, quyết định
công nhận, cho thôi làm tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp
mình;
4. Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước;
thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước;
5. Hiệp thương lựa chọn, giới thiệu
người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và tham gia
công tác bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng nhân dân;
6. Ra lời kêu gọi Nhân dân địa phương
hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với sự kiện
quan trọng khi cần thiết;
7. Quyết định việc tổ chức Đại hội đại
biểu cấp mình theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực
tiếp;
8. Xem xét, quyết định hình thức kỷ
luật thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp mình khi có vi phạm Điều lệ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vi phạm pháp luật.
Điều 24. Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cùng cấp hiệp thương dân chủ cử, là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại
hội, bao gồm:
a) Người đứng đầu của tổ chức thành
viên cùng cấp; trong trường hợp đặc biệt tổ chức thành viên mới cử đại diện
lãnh đạo;
b) Một số Trưởng ban Công tác Mặt trận;
c) Một số cá nhân tiêu biểu trong các
tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (nếu
có) và một số vị có chuyên môn, am hiểu sâu trên các lĩnh vực có liên quan đến
hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
d) Một số cán bộ chuyên trách và
không chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa trước.
2. Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như của Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, quy định tại Điều 23 Điều lệ này (trừ việc
hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội). Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp xã còn có nhiệm vụ, quyền hạn: ra nghị quyết thành lập, giải
thể, hợp nhất Ban Công tác Mặt trận, công nhận Ban Thanh tra nhân dân; thảo luận
và quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc cấp mình do Ban Thường trực trình.
3. Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp xã họp thường kỳ sáu tháng một lần, họp bất thường hoặc
chuyên đề theo đề nghị của Ban Thường trực. Chủ tịch, Phó Chủ tịch chủ trì hội
nghị.
Điều 25. Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện (gọi tắt là Ban Thường trực) do Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam cấp đó, là cơ quan đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cùng cấp giữa hai kỳ họp.
2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch chuyên
trách và các Ủy viên Thường trực, là những người hoạt động chuyên trách.
Số lượng Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực theo hướng dẫn của
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Ban Thường trực có những nhiệm vụ
và quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập
và chủ trì các Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;
b) Tổ chức thực hiện Nghị quyết,
Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm, sáu tháng của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình và các chủ trương công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp trên; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân có liên quan đến
nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
c) Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử
tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp và
Ban Thường trực cấp trên trực tiếp;
d) Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước;
thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của
Nhà nước;
đ) Hướng dẫn,
kiểm tra hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới
trực tiếp;
e) Xem xét công nhận việc cử, bổ sung
hoặc thay thế chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp;
g) Tổ chức, chỉ đạo, quản lý bộ máy
giúp việc cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình;
h) Giữ mối quan hệ phối hợp công tác
với cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên;
i) Tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm điều
kiện hoạt động của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp mình;
k) Ban hành và kiểm tra thực hiện các
văn bản theo thẩm quyền;
l) Xét, quyết định khen thưởng, đề
nghị kỷ luật.
4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường
khi cần thiết.
Chủ tịch chủ trì hoặc phân công người
chủ trì các phiên họp của Ban Thường trực cùng cấp.
Điều 26. Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã
1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ban Thường trực cấp xã) do Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ quan đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp xã giữa hai kỳ họp.
2. Ban Thường trực cấp xã gồm có Chủ
tịch, không quá hai Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.
3. Ban Thường trực cấp xã có những
nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập
và chủ trì các kỳ họp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;
b) Tổ chức thực hiện Nghị quyết,
Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm, sáu tháng của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình và các chủ trương công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp trên; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân có liên quan đến
nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
c) Thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến
nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền
cấp xã, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện;
d) Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền;
thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà
nước ở địa phương;
đ) Tổ chức thực hiện các cuộc vận động,
các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân; các nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tham gia xây dựng và củng cố chính quyền; bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu
dân cử và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; thực hiện pháp luật về dân chủ
ở cơ sở; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương;
e) Quyết định công nhận Ban Giám sát
đầu tư của cộng đồng; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Công tác Mặt trận,
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;
g) Giữ mối quan hệ phối hợp công tác
với cơ quan nhà nước và các tổ chức thành viên cấp xã;
h) Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức
tư vấn, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;
i) Ban hành và tổ chức thực hiện các
văn bản theo thẩm quyền;
k) Xét, quyết định khen thưởng, đề
nghị kỷ luật.
4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp xã họp thường kỳ mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần
thiết.
Chủ tịch chủ trì hoặc phân công người
chủ trì các phiên họp của Ban Thường trực.
Điều 27. Ban
công tác Mặt trận
1. Ban Công tác Mặt trận được thành lập
ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố ... (gọi chung
là khu dân cư) có nhiệm kỳ là hai năm rưỡi.
2. Cơ cấu của Ban Công tác Mặt trận
bao gồm:
a) Một số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp xã cư trú ở khu dân cư;
b) Đại diện chi ủy;
c) Người đứng đầu của Chi hội Người
cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Chi đoàn
Thanh niên, Chi hội Chữ Thập đỏ ...;
d) Một số người tiêu biểu trong các tầng
lớp nhân dân, trong các dân tộc, tôn giáo....
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
xã ra quyết định thành lập Ban Công tác Mặt trận, trong đó có chức danh Trưởng
ban, Phó Trưởng ban và các thành viên.
4. Khi có sự thay đổi Trưởng ban, Phó
Trưởng ban hoặc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Công tác Mặt trận, thì Ban Công
tác Mặt trận tiến hành hiệp thương cử bổ sung, thay thế và báo cáo Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã ra quyết định công nhận.
5. Ban Công tác Mặt trận có chức năng
phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên; phối hợp với Trưởng thôn
(làng, ấp, bản...), Tổ trưởng dân phố để thực hiện nhiệm vụ:
a) Trực tiếp tuyên truyền, vận động
Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân; Chương trình
hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;
b) Thu thập, phản ánh ý kiến, kiến
nghị của cử tri và Nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cấp xã;
c) Động viên Nhân dân giám sát hoạt động
của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
d) Phối hợp thực hiện pháp luật về
dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.
6. Ban Công tác Mặt trận họp thường kỳ
mỗi tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết. Trưởng ban Công tác Mặt trận triệu
tập và chủ trì cuộc họp.
Chương V
QUAN HỆ GIỮA ỦY
BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM CÁC CẤP, QUAN HỆ GIỮA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT
NAM VỚI CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN, VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, VỚI NHÂN DÂN
Điều 28. Quan hệ
giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
1. Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp trên với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới là quan hệ hướng
dẫn, kiểm tra.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp
dưới thực hiện chủ trương, Chương trình hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp trên; thực hiện chế độ báo cáo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cấp trên; kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên về các vấn
đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các cấp trao đổi kinh nghiệm, phối hợp và giúp đỡ nhau trong hoạt động.
Điều 29. Quan hệ
giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên
Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức
thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam với các tổ chức thành viên khác là quan hệ phối hợp. Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam giữ vai trò chủ trì, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất
hành động giữa các tổ chức thành viên để thực hiện nhiệm vụ và Chương trình
hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 30. Quan hệ
giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước
1. Quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam với các cơ quan nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ và
quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
2. Quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam với Nhà nước được thực hiện theo quy chế phối hợp công tác do Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước hữu quan ở từng cấp ban hành.
Điều 31. Quan hệ
giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhân dân
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; mở rộng và đa dạng
hóa các hình thức tập hợp đoàn kết nhân dân; động viên nhân dân thực hiện dân
chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Nhân dân tham gia tổ chức và hoạt
động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua các tổ chức thành viên của Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp và tham gia các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tổ
chức. Nhân dân tham gia ý kiến, phản ánh, kiến nghị với Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước;
giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Chương VI
KHEN THƯỞNG - KỶ
LUẬT
Điều 32. Khen
thưởng
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có
thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt
trận thì được khen thưởng.
Những cá nhân có quá trình công tác,
cống hiến cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt
trận thì được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét tặng Kỷ niệm
chương "Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc" hoặc được đề nghị xem xét
tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.
Điều 33. Kỷ luật
1. Thành viên nào làm trái quy định của
Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vi phạm pháp luật thì tùy mức độ sai phạm
sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo hoặc cho thôi làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở
mỗi cấp xem xét, quyết định hình thức kỷ luật thành viên ở cấp mình. Ở Trung
ương, do Đoàn Chủ tịch xem xét quyết định.
Chương VII
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG,
TÀI SẢN CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Điều 34. Kinh
phí hoạt động
Nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bao gồm:
1. Kinh phí hoạt động do ngân sách
nhà nước cấp;
2. Kinh phí được cấp khi thực hiện
các chương trình, dự án;
3. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh
theo pháp luật;
4. Tổ chức, cá nhân ở trong nước và
nước ngoài ủng hộ.
Kinh phí của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam cấp nào do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó quản lý, sử dụng
theo quy định của pháp luật.
Điều 35. Tài sản
Tài sản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam các cấp bao gồm:
1. Tài sản Nhà nước giao;
2. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong
nước, nước ngoài tặng, cho. Việc nhận, quản lý, sử dụng tài sản đó theo quy định
của pháp luật.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 36. Hiệu lực
thi hành
Điều lệ này gồm phần mở đầu và 8
chương, 37 điều được Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ
IX tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 năm 2019 nhất trí
thông qua.
Những quy định trước đây trái với Điều
lệ này đều được bãi bỏ.
Điều 37. Hướng dẫn
thi hành và sửa đổi Điều lệ
1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ này.
2. Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ.