CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
Trong những năm gần đây, dự án đầu tư xây dựng
công trình của tỉnh Cao Bằng không ngừng tăng về số lượng, lớn về quy mô và đa
dạng về nguồn vốn đầu tư. Công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình
nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu của dự án, góp phần bảo đảm công trình xây
dựng được an toàn. Các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng: Chủ đầu tư, Ban
Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công
đã nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong hoạt động quản lý chất lượng công
trình xây dựng. Công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã
được quan tâm và dần đi vào nền nếp, nhiều công trình đã hoàn thành có chất
lượng kỹ thuật tốt và giá trị thẩm mỹ cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực
tế từng lúc, từng nơi vẫn còn hiện tượng công trình xây dựng không đảm bảo chất
lượng, công tác quản lý chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh còn một số tồn
tại, yếu kém từ khâu lập dự án, khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, có
công trình còn phải xử lý, gây lãng phí trong xây dựng. Công tác quản lý chất
lượng công trình chưa được chú trọng đúng mức, sự phối kết hợp giữa các cơ quan
quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chưa chặt chẽ và hiệu quả.
Thực hiện quy định của Luật Xây dựng ngày 26
tháng 11 năm 2003; Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của
Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Quyết định số 497/2007/QĐ-UBND
ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về Ban hành Quy định
quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và Quyết
định số 932/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao
Bằng về Ban hành Quy định phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng trên
địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhằm tăng cường chất lượng công trình xây dựng và hiệu
quả đầu tư xây dựng công trình, chống thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ
bản, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng yêu cầu:
1. Đối với Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công
trình
- Phải chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý
chất lượng công trình xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến kết thúc đầu tư
đưa công trình vào khai thác sử dụng.
- Thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình
trong quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình theo
quy định tại chương III, chương IV, chương V Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày
16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Chỉ lựa chọn các nhà thầu có đăng ký kinh
doanh và điều kiện năng lực phù hợp theo quy định. Khi lựa chọn các nhà thầu,
phải kiểm tra điều kiện năng lực của nhà thầu, của cá nhân trong hoạt động xây
dựng được qui định tại chương V Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm
2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Chủ đầu tư phải báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm
và khi hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng về tình hình chất lượng
xây dựng công trình theo quy định gửi Sở Xây dựng (mẫu báo cáo tại phụ lục 4
của Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15 ngày 7 tháng 2005 của Bộ Xây dựng hướng
dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng).
2. Đối với các nhà thầu tham gia hoạt động xây
dựng
- Các nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây
dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng không được thực hiện các
hoạt động xây dựng vượt quá điều kiện năng lực của mình; phải nâng cao trách
nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm chỉnh
nghĩa vụ theo quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Xây dựng.
- Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình
trong quản lý chất lượng sản phẩm do mình thực hiện được quy định tại Luật Xây
dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng; đảm bảo điều kiện năng
lực hoạt động xây dựng, hành nghề xây dựng theo quy định.
- Các nhà thầu: khảo sát, thiết kế, giám sát thi
công, thi công xây dựng phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra sự cố
hoặc hư hỏng công trình và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước
- Sở Xây dựng, các sở có quản lý công trình xây
dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Tăng cường công tác kiểm tra và có kế hoạch cụ
thể cho từng nội dung kiểm tra về việc tuân thủ nội dung về trình tự đầu tư xây
dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của Luật Xây
dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng của các dự án đầu tư xây
dựng.
+ Tăng cường kiểm tra công tác thẩm tra, thẩm
định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tổng dự toán do
Chủ đầu tư phê duyệt.
- Sở Xây dựng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống
nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- Các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên
ngành có trách nhiệm quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm quản
lý chất lượng các công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình
quản lý đối với các công trình xây dựng theo quy định.
- Các phòng, ban chuyên môn cấp huyện có trách
nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý chất lượng công trình xây dựng
trên địa bàn của địa phương mình.
- Các cơ quan: Tài chính, kho bạc Nhà nước khi
giải quyết thanh quyết toán vốn xây dựng công trình chỉ thực hiện với điều kiện
đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ nghiệm thu về chất lượng (bao gồm các biên bản nghiệm
thu theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của
Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng).
4. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp
với Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra thực hiện Chỉ thị
này. Các sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có
liên quan đến công tác đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm tổ chức và
thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề
nghị phản ánh về Sở Xây dựng để tổng hợp nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày
ký./.