BỘ
THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 103/CT-BTTTT
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2022
Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị
quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn thể cán bộ, công
chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông đã nêu cao
tinh thần quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được
nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước.
Công tác thi đua - khen thưởng năm
2021 của toàn ngành thông tin và truyền thông với chủ đề “Có việc khó thì mới
có thi đua. Thi đua để làm được việc khó, tạo ra giá trị và nhân rộng giá trị,
tìm ra cá nhân điển hình, tập thể xuất sắc, việc 5 năm hãy thi đua hoàn thành
trong 1 năm” đã khơi dậy tính tích cực, chủ động của toàn thể người lao động
trong ngành, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm
vụ được giao. Phát huy những kết quả đạt được của năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề “Toàn
ngành Thông tin và Truyền thông thi đua đổi mới, sáng tạo, đi đầu thực hiện chuyển
đổi số để phát triển bền vững”
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và để phong
trào thi đua ngành Thông tin và Truyền thông đạt hiệu quả tích cực, yêu cầu các
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn Ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng
tâm sau:
I. TỔ CHỨC TRIỂN
KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
1. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng;
quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị
số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác
thi đua, khen thưởng”. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số
73/CT-BTTTT ngày 25/10/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức
triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ
phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng
năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng.
Tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng,
chi bộ, chính quyền và các đoàn thể của cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ
đạo tổ chức các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được
giao gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 /CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị
khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, là
động lực phát triển góp phần tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm
2022.
2. Tổ chức các phong trào thi đua hiệu
quả, thiết thực với hình thức phong phú, nội dung cụ thể theo chủ đề “Đoàn kết,
sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động
tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Đổi mới hình thức tổ chức các
phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn
2021 - 2025, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía
sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức,
viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và phong trào thi đua “Ngành
Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” của Ngành.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả phong trào thi đua đặc biệt “Ngành Thông tin và Truyền thông đoàn kết,
chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống đại dịch
Covid-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong
phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những cách làm
hay trong công tác phòng, chống dịch để nhân rộng, tạo sức lan tỏa rộng khắp.
Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện
pháp phòng chống dịch, chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch
trong và ngoài nước lợi dụng tình hình dịch bệnh để đưa thông tin giả, sai sự
thật nhằm gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá nỗ lực phòng,
chống dịch của toàn dân tộc.
Đẩy mạnh thi đua thực hiện chuyển đổi
số quốc gia một cách toàn diện để xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế
số, xã hội số. Nội dung các phong trào thi đua cần bám sát vào việc thực hiện
nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ khó và cấp bách của Ngành, của đơn vị. Kết hợp việc
phát động các phong trào thi đua thường xuyên với việc phát động phong trào thi
đua theo đợt, theo chuyên đề phù hợp thực tế từng đơn vị.
3. Tăng cường phát hiện, bồi dưỡng và
nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến tiếp
tục phát huy, đóng góp tích cực hơn nữa cho phong trào thi đua yêu nước. Các cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng,
xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới điển hình.
Các cơ quan báo chí tăng thời lượng,
mở chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến
trong các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, tạo sức lan tỏa trong từng
cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn ngành.
4. Tiếp tục nâng cao chất lượng công
tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai. Động viên,
khuyến khích phát triển những nhân tố mới. Chú trọng khen thưởng người lao động
trực tiếp, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề đối với từng lĩnh vực
quản lý nhà nước của Bộ. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác
thi đua, khen thưởng.
5. Tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra
công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua
thường xuyên, phong trào thi đua theo chuyên đề, đột xuất; lựa chọn các tập thể,
cá nhân có thành tích xuất sắc để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
Việc biểu dương, khen thưởng phải khách quan, công bằng, đúng người, đúng việc,
lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành
tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
6. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Củng cố, kiện toàn bộ máy về thi đua
khen thưởng, bảo đảm ổn định để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng tại cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới
công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Đổi mới phương thức, nâng
cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cụm, khối thi đua.
7. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành
Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm
vận động đoàn viên hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp
phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao năm 2022.
II. MỤC TIÊU THI
ĐUA TRỌNG TÂM NĂM 2022
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai các phong trào
thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2022. Xác định các
nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng chỉ tiêu thi đua cụ thể, phù hợp đặc
điểm, tình hình từng đơn vị. Kết quả thực hiện phong trào thi đua phải gắn chặt
với công tác biểu dương, khen thưởng. Năm 2022, các lĩnh vực quản lý của Bộ tập
trung phấn đấu thực hiện các mục tiêu sau:
1. Lĩnh vực Bưu
chính
Bưu chính tiếp tục hướng đến phát triển
một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, trọng tâm trên cơ sở ứng dụng công nghệ
hiện đại. Huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào thúc đẩy phát triển
lĩnh vực bưu chính bằng các giải pháp, cách làm đột phá
Xây dựng, triển khai mô hình Vụ Bưu
chính ảo để huy động nguồn lực tham gia, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước
trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực
bưu chính.
Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ
trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu
chính Việt Nam sở hữu, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính
sách về chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính giữa các doanh nghiệp bưu
chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính
Đưa Việt Nam đạt thứ hạng 46 theo xếp
hạng Chỉ số phát triển bưu chính (2IPD) của Liên minh bưu chính thế giới UPU
vào cuối năm 2022.
2. Lĩnh vực Viễn
thông
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thương mại
5G với các thiết bị Make in Viet Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu và thúc đẩy triển
khai áp dụng các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến như MORAN (Multi
Operator Radio Access Network), MOCN (Multi-Operator Core Network),...
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển
khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về băng tần đấu giá, triển khai đấu
giá, cấp giấy phép băng tần cho thông tin di động 4G, 5G.
Xây dựng và triển khai hệ thống tiếp
nhận, giám sát và hỗ trợ xử lý can nhiễu trên cơ sở thu thập và phân tích dữ liệu
từ các trạm gốc của các doanh nghiệp thông tin di động
Xây dựng Quyết định về Mạng truyền số
liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và Xây dựng Trung tâm điều
hành hạ tầng mạng quốc gia.
3. Lĩnh vực Ứng dụng
công nghệ thông tin
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển
đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trọng
tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng
công nghệ số để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; khai mở giá trị mới, tạo ra
không gian phát triển đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội
Phát triển hệ sinh thái số Việt Nam với
các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến tới
làm chủ công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; làm chủ công
nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số. Mở rộng không
gian mạng quốc gia thông qua tăng cường phạm vi hoạt động của các nền tảng số
Make in Viet Nam có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.
Nghiên cứu xây dựng các chính sách về
dữ liệu mở; hướng dẫn các cơ quan nhà nước xây dựng các giải pháp chia sẻ dữ liệu;
phát triển nền tảng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia để cùng khai
thác, sử dụng; tạo thuận lợi cho thương mại hóa dữ liệu.
Hoàn thiện môi trường pháp lý cho
Chính phủ số. Hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 942/QĐ-TTg
ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ
điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tập
trung thực hiện: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó phấn đấu
áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân; ứng dụng công nghệ
số để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của
doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền số; kết nối chia sẻ cơ sở dữ
liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Phấn đấu đến hết năm 2022, Việt Nam
vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong xếp hạng
Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
4. Lĩnh vực An toàn
thông tin mạng
Phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố an
toàn thông tin mạng quốc gia, đảm bảo điều phối kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu
quả các lực lượng để ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin mạng, chống tấn công mạng.
Đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống
điện toán đám mây Make in Viet Nam. Đánh giá, công bố các nền tảng điện toán
đám mây của doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn thông tin mạng. Xây dựng Đề
án đưa Việt Nam thành trung tâm phân tích, chia sẻ dữ liệu an toàn thông tin mạng
trong ASEAN.
Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính
phủ về triển khai các hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng,
bảo đảm an toàn thông tin không gian mạng Việt Nam
Đẩy mạnh hoạt động xử lý lừa đảo trực
tuyến, tấn công mạng vào các thiết bị cá nhân. Tăng cường việc xử lý các
website vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
5. Lĩnh vực Kinh tế
số
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế: Xây dựng
và trình Chính phủ, Quốc hội Đề án Luật giao dịch điện tử sửa đổi (thay thế Luật
Giao dịch điện tử 2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao dịch điện tử
sửa đổi để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử
và giao dịch điện tử, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian
trong giao dịch điện tử.
Triển khai chiến lược kinh tế số, xã
hội số nhằm mục tiêu phát triển kinh tế số giúp mỗi người dân giàu có hơn; phát
triển xã hội số đi đối với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số;
phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời, bảo vệ người dân
trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.
Triển khai các hoạt động Thúc đẩy
chuyển đổi số doanh nghiệp: Triển khai Đề án đánh giá mức độ chuyển đổi số
doanh nghiệp, xây dựng và vận hành hệ thống nền tảng đánh giá mức độ chuyển đổi
số doanh nghiệp, xây dựng báo cáo đánh giá và công bố đánh giá mức độ chuyển đổi
số doanh nghiệp trên cả nước; Xây dựng và tổ chức hoạt động mạng lưới tư vấn
viên về chuyển đổi số, kinh tế số cho doanh nghiệp; Xây dựng và trình Bộ trưởng
ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
6. Lĩnh vực Công
nghiệp ICT
Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ số,
nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm hiện thực hóa chủ
trương “Make in Viet Nam” phục vụ phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã
hội số; tiếp tục đẩy mạnh việc thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ, sáng tạo
công nghệ, từ thị trường Việt Nam nhưng luôn hướng vào thị trường toàn cầu;
tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi công nghệ, thu hút đầu tư FDI có chọn lọc,
tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới góp phần đưa Việt
Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số.
Tập trung phát triển 04 loại doanh
nghiệp công nghệ số Việt Nam với sự dẫn dắt của Nhà nước thông qua chính sách
kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hệ thống quản
lý chất lượng sản phẩm và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Năm 2022, tỷ lệ
doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân đạt 0,7; tốc độ phát triển doanh nghiệp
công nghệ số Việt Nam từ 10% - 20%.
Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, xây
dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các chiến lược, chương trình kiến tạo
cho phát triển công nghiệp công nghệ số, như: Xây dựng Luật Công nghiệp công
nghệ số và các văn bản hướng dẫn; triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp
công nghệ số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Kế hoạch hành động
triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025, tầm
nhìn đến năm 2030.
Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp
công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tổ chức các hoạt động kết nối
cung cầu, kết nối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng mới và cập nhật, triển khai áp dụng chuẩn kỹ
năng nhân lực công nghệ số; đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao kiến thức kỹ
năng về quản lý, nghiệp vụ, các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công
nghệ số cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ
liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, quảng bá sản
phẩm Make in Viet Nam đến người tiêu dùng.
7. Lĩnh vực Báo chí,
truyền thông
- Nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí;
thúc đẩy chuyển đổi số báo chí; tiếp tục tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển
và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Xác định một số cơ quan báo chí chủ
lực, có vai trò đầu tàu để dẫn dắt sự thay đổi theo định hướng của Bộ, từ đó
lan tỏa ra các cơ quan khác, hình thành cơ chế các nhóm cơ quan báo chí liên kết
với nhau cùng phát triển.
Tăng cường giám sát bằng công nghệ để
kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định của pháp
luật, các tạp chí hoạt động đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành. Rà soát
tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí và xử lý quyết liệt các trường hợp hoạt
động không đúng tôn chỉ, mục đích.
- Chỉ đạo các Đài PTTH đẩy mạnh tuyên
truyền các sự kiện chính trị nổi bật của đất nước cũng như chủ trương đường lối
của Đảng gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương. Thúc đẩy sự phát triển của
lĩnh vực phát thanh, truyền hình, chuyển đổi số trong hoạt động của các Đài
PTTH. Phối hợp, thúc đẩy phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực
quốc gia lĩnh vực PTTH (VTV,VOV). Quản lý nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là
mạng xã hội, quảng cáo, kho ứng dụng. Triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh
hoạt động quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp trên
môi trường mạng.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan
trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị định hướng hoạt động xuất bản
trong tình hình mới (thay thế Chỉ thị số 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn
diện của hoạt động xuất bản).
Tăng cường năng lực hoạt động của các
đơn vị xuất bản, in và phát hành: Tổ chức xây dựng nhà xuất bản trọng điểm; Hỗ
trợ các đơn vị xuất bản phối hợp với các doanh nghiệp ICT xây dựng phần mềm quản
lý quy trình, hỗ trợ biên tập, tổ chức phát hành, phát triển các hình thức
thương mại điện tử. Thực hiện Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong hoạt động
xuất bản, thí điểm xây dựng nền tảng xuất bản và phát hành sách điện tử.
- Triển khai các nội dung thuộc lĩnh
vực thông tin cơ sở trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý và từng
bước luật hóa hoạt động thông tin đối ngoại, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước
của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các bộ, ban, ngành theo quản lý đặc
thù về thông tin đối ngoại. Đổi mới nâng cao năng lực công tác thông tin, tuyên
truyền và thông tin đối ngoại khu vực biên giới trên đất liền, biển, hải đảo.
Thúc đẩy thông tin đối ngoại góp phần thăng hạng hình ảnh quốc gia, đưa Việt
Nam vào nhóm quốc gia được nhận diện có hình ảnh tốt về giá trị trải nghiệm. Kết
hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa thông tin quốc nội đối ngoại và thông tin quốc
tế đối nội nhằm tạo đồng thuận trong nước và sự ủng hộ quốc tế.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Giao Vụ Thi đua - Khen thưởng theo
dõi, kiểm tra và đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong việc triển
khai các phong trào thi đua; tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn sơ kết,
tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan đánh giá việc thực hiện phong trào thi đua; lựa chọn
các gương điển hình tiên tiến để tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng.
2. Các cơ quan, đơn vị được giao làm
đầu mối chủ trì tổ chức triển khai phong trào thi đua và xét khen thưởng cho
các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 06 lĩnh vực thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng
và các đơn vị có liên quan phát động phong trào thi đua chuyên biệt trong từng
lĩnh vực, xây dựng văn bản hướng dẫn riêng từng phong trào thi đua; lựa chọn
các gương điển hình tiên tiến để biểu dương, tôn vinh, tuyên truyền, nhân rộng
năm 2022.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp trong toàn Ngành kịp thời phổ biến, quán triệt và tổ chức triển
khai thực hiện Chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao
động. Định kỳ hàng quý, đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua và gửi
báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Vụ Thi đua -
Khen thưởng) trước ngày 15 của tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng./.
Nơi nhận:
- Hội đồng TĐKTTW;
- Ban TĐKTTW;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các thành viên Hội đồng TĐKT Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ;
- Sở TTTT các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương;
- Các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTTT;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT, TĐKT, NAH (17)
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|