QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC HỖ TRỢ DỊCH VỤ Y TẾ CHO NGƯỜI THUỘC DIỆN
TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2012/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2012 của
UBND tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối
tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng
Đối tượng được hỗ trợ dịch vụ y tế
theo Quy định này là những người thuộc hộ gia đình hoặc cá nhân bị thu hồi đất
để thực hiện các dự án đầu tư mà được bố trí tái định cư theo quy định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Chế
độ hỗ trợ dịch vụ y tế
Được hỗ trợ dịch vụ khám chữa bệnh
thông qua chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện.
1. Mỗi đối tượng theo quy định tại
Điều 1 được cấp một thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện:
a) Mệnh giá thẻ BHYT 4,5% mức
lương tối thiểu/người/tháng, theo quy định tại Điều 6, Thông tư Liên tịch số
09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện bảo hiểm y tế.
b) Đối với hộ gia đình bao gồm
toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà thì mệnh
giá thẻ bảo hiểm y tế của các thành viên thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và
Khoản 4, Điều 2, Thông tư Liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của
liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
- Người thứ nhất mệnh giá thẻ BHYT
bằng mức quy định;
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư mệnh
giá thẻ BHYT lần lượt bằng 90%, 80%, 70% mức đóng của người thứ nhất;
- Từ người thứ năm trở đi mệnh giá
thẻ BHYT bằng 60% mệnh giá thẻ BHYT của người thứ nhất.
c) Đối với học
sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc
dân mệnh giá thẻ BHYT bằng 30% mức lương tối thiểu/người/tháng.
2. Các dịch vụ được hỗ trợ
thực hiện thống nhất cho người tham gia BHYT được quy định theo Thông tư Liên tịch
số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện bảo hiểm y tế và Thông tư số 11/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế
về việc ban hành danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng và số ngày bình quân một
đợt điều trị của một bệnh nhân, nhóm bệnh được quỹ BHYT thanh toán.
3. Thời gian hỗ trợ là 12 tháng.
4. Trẻ em dưới 06 tuổi được hưởng
chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước không phải mua bảo hiểm y tế.
5. Đối tượng chưa mua bảo hiểm y tế
tự nguyện thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế (không cấp tiền).
6. Đối tượng đã mua bảo hiểm y tế
tự nguyện thì được cấp tiền theo mức phí đã mua bảo hiểm y tế.
Điều 3.
Phương thức cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh
1. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh
Tổ chức khám chữa bệnh (KCB) cho người
tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch
số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện bảo hiểm y tế. Đối với đối tượng học sinh, sinh viên, Cơ quan Bảo hiểm
xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với nhà trường và cơ sở KCB địa
phương để thực hiện việc KCB và thanh toán chi phí KCB cho học sinh, sinh viên
có thẻ BHYT trong thời gian được nghỉ học theo quy định, bảo đảm đầy đủ quyền lợi
và thuận tiện cho đối tượng.
2. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh
bảo hiểm y tế tự nguyện giữa Cơ quan Bảo hiểm xã hội với cơ sở KCB
a) Nguyên tắc thanh toán
- Cơ quan Bảo hiểm y tế thanh toán
chi phí KCB với cơ sở KCB trên cơ sở hợp đồng KCB bảo hiểm y tế đối với trường
hợp KCB đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật và trong trường hợp cấp cứu.
- Cơ sở KCB lựa chọn hình thức
thanh toán theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày
14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế.
- Cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở
KCB chỉ thực hiện một hợp đồng KCB bảo hiểm y tế chung cho cả đối tượng tham
gia bảo y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện.
b) Quỹ KCB bảo hiểm y tế được tính
trên số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB đó và theo mức đóng phí bình quân
của người tham gia bảo hiểm y tế.
c) Quỹ khám chữa bệnh của học
sinh, sinh viên được xác định dựa trên tổng số học sinh, sinh viên của trường
tham gia BHYT (kể cả số học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo đối tượng khác).
Căn cứ quỹ KCB của học sinh, sinh viên được xác định, bảo hiểm xã hội trích 12%
chuyển cho nhà trường để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh
viên tại trường.
3. Thanh toán trực tiếp giữa Cơ
quan Bảo hiểm xã hội với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế
a) Cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ
thanh toán trực tiếp với người tham gia bảo hiểm y tế KCB theo yêu cầu trong
các trường hợp sau:
- KCB tự vượt tuyến chuyên môn kỹ
thuật theo quy định của Bộ Y tế.
- KCB tại cơ sở y tế không ký hợp
đồng KCB bảo hiểm y tế.
- KCB ở nước ngoài.
b) Các trường hợp quy định tại Điểm
(a) nêu trên, người bệnh tự thanh toán các chi phí KCB với cơ sở KCB, đồng thời
lưu giữ toàn bộ chứng từ hợp lệ (đơn thuốc, sổ khám bệnh, hóa đơn mua thuốc, giấy
ra viện, biên lai thu viện phí theo quy định của Bộ Tài chính và các chứng từ
có liên quan khác) làm cơ sở để Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán lại một phần
chi phí KCB theo quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 16, Thông tư Liên tịch số
09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện bảo hiểm y tế.
c) Trường hợp học sinh, sinh viên
bị tử vong, Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán trợ cấp tử vong cho thân nhân học
sinh, sinh viên.
Điều 4. Kinh
phí thực hiện hỗ trợ dịch vụ y tế
Chủ dự án hỗ trợ 50%, ngân sách
Nhà nước cấp 50%.
Điều 5. Phương
thức cấp phát thẻ bảo hiểm y tế
1. UBND xã, phường, thị trấn có
trách nhiệm lập danh sách, xác nhận đối tượng thuộc diện tái định cư.
2. Căn cứ danh sách, xác nhận của
UBND xã, phường, thị trấn, bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã Long Khánh, thành
phố Biên Hòa (sau đây gọi chung là cấp huyện) tổ chức cấp phát thẻ bảo hiểm y tế
tự nguyện cho các đối tượng tái định cư theo nhóm đối tượng hộ gia đình (trước
khi di chuyển) theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC
ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y
tế.
3. Kinh phí sẽ được chuyển cho bảo
hiểm xã hội cấp huyện theo danh sách và số thẻ bảo hiểm y tế đã cấp phát.
4. Người được cấp thẻ bảo hiểm y tế
tự nguyện được chọn đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu thuận tiện, phù hợp với
nơi tái định cư mới và được hưởng các dịch vụ y tế theo chế độ bảo hiểm y tế.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách
nhiệm của Sở Y tế
Sở Y tế tổ chức mạng lưới khám, chữa
bệnh theo hướng phục vụ các cụm dân cư, chú ý các khu tái định cư. Tổ chức hệ
thống dịch vụ khám, chữa bệnh bằng những biện pháp đồng bộ, phân tuyến kỹ thuật
cho các cơ sở y tế trên địa bàn, đảm bảo quyền tự do lựa chọn cơ sở khám, chữa
bệnh cho người dân theo đúng tuyến kỹ thuật quy định, đảm bảo trang thiết bị, bồi
dưỡng, đào tạo cán bộ đủ khả năng thực hiện kỹ thuật và nhiệm vụ của tuyến
mình, đồng thời hỗ trợ cho tuyến dưới. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc
biệt là các đối tượng tái định cư sau khi bị thu hồi đất được cung cấp các dịch
vụ y tế thích hợp, có chất lượng và hiệu quả ngay tại địa bàn dân cư.
Điều 7. Trách
nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh
Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo Bảo
hiểm xã hội cấp huyện tổ chức cấp phát thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho các đối
tượng của dự án, trên cơ sở danh sách xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn. Hỗ
trợ các đối tượng trong quy định mua bảo hiểm y tế tự nguyện và lựa chọn nơi
đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp với nơi tái định cư mới. Hướng dẫn và tạo
điều kiện cho các đối tượng đã mua bảo hiểm y tế lựa chọn chuyển đổi nơi đăng
ký khám chữa bệnh ban đầu cho phù hợp với khu vực tái định cư mới.
Điều 8. Trách
nhiệm của UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa
UBND các huyện, thị xã Long Khánh,
thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện các quy định
này trên địa bàn, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn điều tra lập danh sách
các đối tượng được hỗ trợ để mua BHYT tự nguyện cấp cho các đối tượng này./.