ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2012/CT-UBND
|
Thủ Dầu
Một, ngày 31 tháng 8 năm 2012
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ LUẬT BẢO
HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế thuộc
hệ thống pháp luật Việt Nam được ban hành nhằm thể chế hóa các chính sách an
sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tổ chức thực hiện các văn bản Luật có hiệu quả,
tiến tới bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động và bảo hiểm y tế toàn dân là
trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện quyền và
nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của các cơ quan đối với chính sách
xã hội quan trọng này.
Hiện nay, tại tỉnh Bình Dương có hơn 610.000
người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gần 600.000 người tham gia bảo hiểm
thất nghiệp và 1,10 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Việc giải quyết các chế
độ trợ cấp và trả lương hưu cho đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp được thực hiện kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của
người tham gia bảo hiểm y tế; số người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội
và Luật Bảo hiểm y tế ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm.
Tình trạng vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế còn phổ biến,
tính chất ngày càng phức tạp như: không đóng hoặc
đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc; chậm đóng hoặc đóng nhưng
không đúng mức quy định; lập danh sách không đúng đối tượng để tham
gia, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm
y tế; xác nhận không đúng thời gian, mức đóng và các hành vi có mục
đích chiếm đoạt hoặc chiếm dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp, bảo hiểm y tế; không giới thiệu người lao động đi giám
định mức suy giảm khả năng lao động;…là thực trạng đã và đang diễn
ra ở một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài và tình trạng này cũng bắt đầu xuất hiện ở một số doanh nghiệp nhà nước
sau khi cổ phần hóa. Hàng ngàn doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh đi
vào hoạt động nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo
hiểm y tế và nhiều doanh nghiệp nợ đọng với số tiền lớn. Việc quản lý và sử dụng
Quỹ bảo hiểm y tế chưa thực sự hiệu quả; tình trạng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế
dưới nhiều hình thức khác nhau đã xảy ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh. Việc xử
lý những sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa nghiêm; xử
phạt vi phạm hành chính chưa hiệu quả do mức xử phạt còn nhẹ, không đủ sức ngăn
ngừa. Việc truy cứu trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật còn
nhiều hạn chế… dẫn đến tình trạng tái phạm và chậm khắc phục hậu quả làm cho
tính nghiêm minh của pháp luật không được đảm bảo và quyền lợi của người lao động
bị ảnh hưởng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có chức
năng quản lý nhà nước về pháp luật ở tỉnh, ngành, huyện, thị xã, thành
phố có nơi chưa thực sự được chú trọng, kịp thời và thiếu đồng bộ.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, thực hiện
nghiêm Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền và lợi ích
chính đáng của người lao động trên địa bàn tỉnh, tiến tới bảo hiểm xã hội cho
mọi người lao động và bảo hiểm y tế toàn dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị
các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan,
tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:
1. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
a) Chủ động phối
hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra, rà soát các đối tượng diện chính
sách có công, bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…
đảm bảo đúng và không bỏ sót đối tượng để thực hiện việc mua và cấp thẻ bảo hiểm
y tế hàng năm kịp thời, đúng đối tượng.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các
doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế; phối hợp chặt
chẽ với Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng quy trình xử lý các đơn vị sử dụng lao động
vi phạm pháp luật nhanh chóng, dứt điểm và hiệu quả, tổng hợp báo cáo kết quả
thanh tra, kiểm tra xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về Ủy
ban nhân dân tỉnh.
c) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản
lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các
doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã
hội và Luật Bảo hiểm y tế đến các đơn vị sử dụng lao động và người lao động
trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức thích hợp và thông qua các phương tiện
truyền thông.
b) Thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội
huyện, thị xã, thành phố chi trả đúng và kịp thời các chế độ theo quy định
của pháp luật; thường xuyên kiểm tra việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
thất nghiệp, bảo hiểm y tế và việc thanh toán các chế độ tại đơn vị sử dụng lao
động.
c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp
Việt Nam - Singapore để nắm số lượng người lao động đang làm việc và
yêu cầu doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
theo luật định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
d) Chủ động liên hệ với Cục Thuế tỉnh để
thu thập, xác minh thông tin liên quan đến người nộp thuế (danh sách đơn
vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hoạt động; danh sách và mức
lương người lao động;…) nhằm phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra việc chấp
hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
đ) Hàng quý, thống kê danh sách doanh nghiệp và
số nợ chuyển Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi và có kế
hoạch thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Những
doanh nghiệp cố tình không khắc phục, cơ quan bảo hiểm xã hội làm hồ sơ khởi kiện
ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
e) Chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh
tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết vụ kiện hoặc về thủ
tục khởi kiện; đồng thời hướng dẫn cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã,
thành phố chủ động làm việc với Tòa án nhân dân cùng cấp để phối hợp giải
quyết các khó khăn, vướng mắc.
g) Chủ động phối hợp với Cục Thi hành án dân
sự tỉnh để giải quyết việc thi hành án và hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan
cấp huyện, thị xã, thành phố của hai ngành thực hiện nhằm thu hồi
nợ đọng; giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao
động trong thời gian nhanh nhất.
h) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Y tế định kỳ hàng quý báo cáo việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
y tế của các doanh nghiệp, các đối tượng và các trường học cho Ủy ban nhân dân
tỉnh để có ý kiến chỉ đạo kịp thời hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiến
nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung các quy
định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quá trình thực hiện để
phù hợp với thực tiễn phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
i) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế kiểm tra, giám
sát các cơ sở khám chữa bệnh trong việc sử dụng thuốc và các chẩn đoán cận lâm
sàng, tình trạng chỉ định không phù hợp gây lãng phí, làm sai, làm giả hồ sơ
thanh toán bảo hiểm y tế… nhằm ngăn chặn các biểu hiện lạm dụng Quỹ bảo hiểm y
tế; thực hiện nghiêm túc những quy định về hồ sơ thanh quyết toán chi phí khám
chữa bệnh bảo hiểm y tế.
k) Tăng cường công tác kiểm tra việc thanh toán
chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
trong nội bộ ngành. Đặc biệt tập trung kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có
số thanh toán các chế độ chiếm tỷ trọng cao và có biện pháp ngăn ngừa tiêu cực
lạm dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
l) Chủ trì xây dựng chương trình, kế
hoạch, nội dung phối hợp cụ thể với Công an tỉnh trên cơ sở nguyên
tắc, nội dung và phương pháp hoạt động của hai bên nhằm đẩy mạnh các
hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, tích cực phát hiện, đấu
tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong
lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
3. Sở Tư pháp
Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản
lý các Khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam -
Singapore có kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội và
Luật Bảo hiểm y tế đến các đơn vị có sử dụng lao động, người lao động nói
riêng và người dân nói chung trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
4. Sở Y tế
a) Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
tổ chức tiếp nhận, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế
theo đúng trình tự và thủ tục về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo
quyền lợi theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo
hiểm y tế, đồng thời có các biện pháp ngăn ngừa việc lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế
trong khám và điều trị.
b) Tăng cường việc kiểm tra, có biện pháp ngăn
chặn và xử lý kịp thời tình trạng kê đơn thuốc không phù hợp, gây lãng phí.
c) Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bảo
hiểm y tế trong việc cân đối Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để sử dụng hợp
lý kỹ thuật cao chi phí lớn và các dịch vụ chẩn đoán cận lâm sàng nhằm hạn chế
tình trạng bội chi quỹ; sử dụng Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng mục đích
vì người bệnh, không vì lợi nhuận.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hàng quý, cung cấp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh danh
sách doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh để theo dõi, cập nhật, triển khai thực
hiện Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế theo quy định.
6. Sở Tài chính
Hàng năm, phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Sở Y tế xây dựng dự toán kinh phí mua bảo hiểm y tế cho các đối
tượng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế quản lý; đảm bảo nguồn
kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
theo luật định.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo các trường thực hiện bảo hiểm y tế
cho học sinh - sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh - sinh viên đăng
ký tham gia và thu tiền đóng bảo hiểm y tế của học sinh - sinh viên nộp cho cơ
quan bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế và quy định tại
Khoản 3, Điều 3, Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm
2009 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế. Yêu
cầu các trường sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí Quỹ khám chữa bệnh
12% được trích lại cho y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
- sinh viên.
b) Phối hợp, hỗ trợ Bảo hiểm xã hội tỉnh phát
hành thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh - sinh viên ngay sau khi các cơ sở giáo dục
thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hoàn tất việc đóng phí bảo hiểm y tế cho cơ
quan bảo hiểm xã hội; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng quy chế phối
hợp trong công tác thu phí bảo hiểm y tế và phát hành thẻ cho học sinh - sinh
viên thuộc các trường học trên địa bàn tỉnh.
8. Cục Thuế tỉnh
Phối hợp, hỗ trợ tích cực cho Bảo hiểm xã hội
tỉnh trong việc thu thập, xác minh thông tin người nộp thuế để phục vụ công
tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
9. Ban Quản lý các Khu
công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore
a) Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp đôn đốc
việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp
theo đúng quy định của pháp luật.
b) Hàng quý, cung cấp thông tin kịp thời cho Bảo
hiểm xã hội tỉnh: danh sách doanh nghiệp đang hoạt động thuộc phạm vi,
địa bàn quản lý; xác định số lao động cụ thể để cập nhật, đưa vào diện
triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế theo quy định.
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng và Bảo hiểm
xã hội tỉnh xác định những doanh nghiệp khó khăn, nếu doanh nghiệp có điều kiện
mà không thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế thì thống
nhất đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của người lao
động.
10. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố
a) Tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế tới
người dân để hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như trách nhiệm tham gia
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
b) Chỉ đạo và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp
thời những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế cho người lao động trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố quản
lý.
c) Thường xuyên tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành
về thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của
huyện, thị xã, thành phố; kiên quyết xử phạt những doanh nghiệp nợ hoặc trốn
tránh thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
d) Phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo và
giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố quan hệ trách
nhiệm với các ngành có liên quan như: Chi cục thuế, Phòng Lao động – Thương
binh và Xã hội, Công đoàn… để nắm danh sách, số lao động các hộ đăng ký
kinh doanh trên địa bàn và đưa vào diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế theo luật định.
11. Công an tỉnh
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm
xã hội tỉnh trong việc phòng ngừa, phát hiện; đấu tranh phòng, chống
tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế trên cơ sở chương trình, kế hoạch, nội dung
phối hợp đã xây dựng và ký kết để xử lý nghiêm minh nhằm răn đe và
góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
12. Đề nghị Tòa
án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đẩy nhanh
tiến độ giải quyết các vụ án, các vụ phá sản và thi hành án đối
với những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ tài sản về
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm giải
quyết dứt điểm từng vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp
của người lao động và đáp ứng tình hình chính trị, xã hội hiện nay
tại địa phương.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các đoàn thể tỉnh
phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp
luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các thành viên, đoàn viên, hội viên
tích cực hưởng ứng và tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện
nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho họ.
14. Các cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Nghiêm túc triển khai thực hiện
Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế; có trách nhiệm báo cáo và thực hiện
đầy đủ việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế
cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ
quan bảo hiểm xã hội để thanh toán kịp thời, đúng và đầy đủ các chế độ bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp chịu trách
nhiệm thi hành Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế cho Ủy ban nhân dân
tỉnh để chỉ đạo kịp thời nhằm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ổn
định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày
ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Thanh Cung
|