Cách phân loại, tiêu chuẩn, nhận biết tài sản cố định

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
23/06/2022 09:38 AM

Tài sản cố định là một tư liệu sản xuất được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vậy tài sản cố định gồm những loại nào, tiêu chuẩn, nhận biết tài sản cố định như thế nào?

Cách phân loại, tiêu chuẩn, nhận biết tài sản cố định

Cách phân loại, tiêu chuẩn, nhận biết tài sản cố định (Ảnh minh họa)

1. Tài sản cố định gồm những loại nào?

Tài sản cố định bao gồm:

- Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải...

- Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...

- Tài sản cố định thuê tài chính: là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

Mọi tài sản cố định đi thuê nếu không thoả mãn các quy định nêu trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.

- Tài sản cố định tương tự: là tài sản cố định có công dụng tương tự trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương.

2. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định

2.1. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định hữu hình

Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

+ Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

+ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.

Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.

Đối với súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình.

Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời ba tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình.

2.2. Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình

Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn quy định tại mục (2.1), mà không hình thành tài sản cố định hữu hình được coi là tài sản cố định vô hình.

Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn nêu tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là tài sản cố định vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau:

- Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;

- Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;

- Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;

- Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;

- Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;

- Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;

- Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.

Lưu ý:

- Các chi phí sau không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:

+ Chi phí thành lập doanh nghiệp;

+ Chi phí đào tạo nhân viên;

+ Chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp;

+ Chi phí cho giai đoạn nghiên cứu;

+ Chi phí chuyển dịch địa điểm;

+ Chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh.

- Đối với các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ đã ban hành trước Nghị định 59/2011/NĐ-CP, có giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo phương pháp tài sản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo qui định thì thực hiện phân bổ giá trị lợi thế kinh doanh theo quy định tại Thông tư 138/2012/TT-BTC.

(Điều 2, 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,504

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn