Tải App trên Android

Chứng từ điện tử: Ngoài chữ ký điện tử có thể xác nhận bằng phương tiện điện tử khác từ 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
26/12/2024 09:45 AM

Theo quy định mới, từ 01/01/2025, chứng từ điện tử có thể được xác nhận bằng chữ ký điện tử hoặc hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử.

Chứng từ điện tử: Ngoài chữ ký điện tử có thể xác nhận bằng phương tiện điện tử khác từ 01/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15).

Chứng từ điện tử: Ngoài chữ ký điện tử có thể xác nhận bằng phương tiện điện tử khác từ 01/01/2025

Cụ thể, khoản 5 Điều 2 Luật số 56/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung tên Điều và khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán 2015.

Theo đó, từ 01/01/2025, quy định về ký và xác nhận chứng từ kế toán như sau: 

Điều 19. Ký và xác nhận chứng từ kế toán

1. Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.

3. Chứng từ kế toán chi tiền phải do người có thẩm quyền duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện. Chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên.

4. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử hoặc các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Theo quy định hiện hành, thì khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán 2015 quy định chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy.

Như vậy, theo quy định nêu trên, từ 01/01/2025 chứng từ điện tử ngoài hình thức xác nhận bằng chữ ký điện tử thì còn có thể có các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (bắt buộc phải có 1 trong 2) thay vì chỉ có thể có chữ ký điện tử như quy định hiện hành.

Quy định về chứng từ điện tử

Theo Điều 17 Luật Kế toán 2015 quy định chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có các nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán 2015 và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.

- Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định. Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng.

- Khi chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch, thanh toán hoặc ngược lại thì chứng từ điện tử có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 555

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]