Giãn cách xã hội 19 tỉnh phía Nam: 05 lưu ý quan trọng từ 19/7/2021

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
17/07/2021 17:24 PM

Thủ tướng vừa có Công văn 969/TTg-KGVX đồng ý áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam từ 0h ngày 19/7/2021.

1. Giãn cách xã hội đối với 16 tỉnh phía Nam từ ngày 19/7/2021

Theo đó, Chính phủ đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị 16 đối với các địa phương:

- Thành phố Hồ Chí Minh;

- Các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày.

2. 05 điều cần lưu ý đối với 16 tỉnh phía Nam từ ngày 19/7/2021:

(1) Kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

(2) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người theo quy định.

(3) Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho Nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.

(4) Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.

(5) Căn cứ kết quả thực hiện Chỉ thị 16 trên từng địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và điều chỉnh các giải pháp thực hiện cho hiệu quả, phù hợp với tình hình.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu và kêu gọi nhân dân chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm 5K. Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

3. Những trường hợp được ra ngoài khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16:

- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...

- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở được phép hoạt động.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

4. Những mức phạt dễ mắc phải khi thực hiện Chỉ thị 16

- Ra đường trong trường hợp không cần thiết: Phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

- Giao tiếp trong phạm vi dưới 2m: Phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

- Tụ tập trung quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng: Phạt tiền từ 10 triệu - 20.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 20 triệu – 40 triệu đồng đối với tố chức (Điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.)

- Không đeo hoặc quên đeo khẩu trang nơi công cộng: Phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

5. Những cơ sở, cơ quan, đơn vị được tiếp tục hoạt động:

- Các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao.

- Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu; điện, nước; nhiên liệu,...);

- Ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,934

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn