Tải App trên Android

Quy định lái xe ô tô liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
21/01/2025 12:30 PM

Quy định lái xe ô tô liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào? Lái xe ô tô kinh doanh vận tải liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ bao lâu?

Quy định lái xe ô tô liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào?

Quy định lái xe ô tô liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào? (Hình từ internet)

Quy định lái xe ô tô liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ chỉ áp dụng với tài xế lái xe nào?

Căn cứ theo Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định:

Tài xế lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, có thể thấy quy định tài xế không lái xe liên tục không quá 04 giờ chỉ áp dụng cho tài xế lái các loại xe kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.

Đối với các tài xế lái xe ô tô không thuộc trường hợp trên thì không áp dụng quy định này.

Tài xế lái xe ô tô kinh doanh vận tải liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ bao lâu?

Tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT về phương pháp tính toán thời gian lái xe, thì tài xế lái xe ô tô liên tục 4 tiếng phải dừng nghỉ như sau:

* Đối với xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch và xe vận tải hàng hoá, xe buýt liên tỉnh

- Cứ 4 giờ lái xe liên tục thì phải dừng, đỗ ít nhất là 15 phút.

- Tổng thời gian lái xe của một người trong ngày là không quá 10 giờ, tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ.

* Đối với xe buýt nội tỉnh, xe taxi

- Cứ 4 giờ lái xe liên tục thì phải dừng, đỗ ít nhất là 05 phút.

- Tổng thời gian lái xe của một người trong ngày là không quá 10 giờ, tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ.

Các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô từ năm 2025

Theo Điều 56 Luật Đường bộ 2024, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, trừ các hoạt động vận tải nội bộ được quy định tại khoản 12 Điều 56 Luật Đường bộ 2024. Trong đó, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm các loại hình sau:

- Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;

- Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

- Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

- Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng;

- Loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ.

(1) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình xác định.

(2) Kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) để vận tải hành khách, có xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm dừng xe để đón, trả khách với lịch trình, hành trình xác định; bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh, cụ thể như sau:

- Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

(3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người dưới 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách; tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau đây:

- Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền;

- Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử;

- Tiền cước theo thoả thuận với đơn vị kinh doanh vận tải.

(4) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô chở người để vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải, bao gồm cả thuê người lái xe.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]