Việc yêu cầu CQNN có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế được quy định như sau:
>> Đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
>> Cấp lại/cấp phó bản đối với văn bằng bảo hộ sáng chế
1. Trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế
Căn cứ Điều 145 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi khoản 56 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), quyền sử dụng sáng chế có thể được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế trong 05 trường hợp sau:
(i) Sử dụng sáng chế vì mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội.
(ii) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sau khi kết thúc 04 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc 03 năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế.
Cụ thể, người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ: sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.
(iii) Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng.
(iv) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
(v) Việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Lưu ý: Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao nêu trên không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Quyền sử dụng sáng chế được giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:
(i) Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền.
(ii) Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao, trừ trường hợp người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
(iii) Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác.
(iv) Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu.
(v) Quyền sử dụng được chuyển giao chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp (iv) và (v) nêu tại Mục 1.
Ngoài các điều kiện nêu trên, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
(vi) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý.
(vii) Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.
(Căn cứ Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 57 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
Căn cứ Điều 55 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế bao gồm:
(i) Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
(ii) Tài liệu chứng minh yêu cầu ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là có căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật; cụ thể:
- Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp (i) nêu tại Mục 1: Hồ sơ phải có tài liệu chứng minh tại thời điểm nộp đơn, thực tế đang có nhu cầu sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội, nhưng người nắm giữ độc quyền sáng chế đã không sử dụng sáng chế và việc không sử dụng sáng chế sẽ ảnh hưởng đến việc đạt được các mục đích đó.
- Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp (ii) nêu tại Mục 1: Hồ sơ phải có tài liệu chứng minh người nắm giữ độc quyền sáng chế đã không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và tại thời điểm nộp hồ sơ đã kết thúc thời hạn 04 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc thời hạn 03 năm kể từ ngày sáng chế được cấp Bằng độc quyền.
- Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp (iii) nêu tại Mục 1: Hồ sơ phải có tài liệu chứng minh rằng người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng, trong đó, phải nêu rõ nhu cầu sử dụng sáng chế, thời gian đã tiến hành thương lượng, mức giá và các điều kiện thương mại cụ thể mà người có nhu cầu sử dụng sáng chế đã đề xuất.
- Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp (iv) nêu tại Mục 1: Hồ sơ phải có tài liệu chứng minh rằng người nắm độc quyền sử dụng sáng chế đã thực hiện hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trong trường hợp (i), (iv) nêu tại Mục 1 và trong điều kiện (ii) nêu tại Mục 2 bên trên thì: Trong hồ sơ phải có tài liệu chứng minh việc sử dụng sáng chế đó chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc xuất trình tài liệu chứng minh người nắm độc quyền sử dụng sáng chế đã thực hiện hành vi bị coi là hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Trường hợp yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trong trường hợp (v) nêu tại Mục 1: Hồ sơ phải có tài liệu chứng minh rằng việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định của Điều 31bis Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.
(iii) Văn bản ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện).
(iv) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục).
Căn cứ khoản 1 Điều 56 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế được nộp như sau:
- Hồ sơ thuộc trường hợp (ii), (iii) và (iv) được nộp cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Hồ sơ thuộc trường hợp (i) và (v) được nộp cho các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực sáng chế.
Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ định một cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thuộc trường hợp nêu trên (sau đây gọi là “cơ quan thẩm định hồ sơ”).
Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 56 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, thời hạn giải quyết yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế như sau:
- Thời gian thẩm định hồ sơ: Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Thời hạn ra quyết định bắt buộc chuyển giao hoặc từ chối buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế:
+ Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả xem xét hồ sơ của cơ quan thẩm định hồ sơ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, hoặc gửi cho người nộp hồ sơ thông báo từ chối buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
+ Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét và ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, hoặc gửi cho người nộp hồ sơ thông báo từ chối buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Trong trường hợp không đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do.
- Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (Mẫu số 04) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
- Tờ khai đăng ký sáng chế (Mẫu số 01) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (Mẫu số 05) Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế (Mẫu số 04) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng đơn đăng ký sáng chế (Mẫu số 05) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai sửa đổi văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 06) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai gia hạn/duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 07) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 08) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai cấp phó bản/cấp lại văn bằng bảo hộ sáng chế (Mẫu số 09) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích (Mẫu số 10) Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Mẫu số 01) Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.