Thủ tục tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy như sau:
>> Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy thông dụng, hệ thống báo cháy, chữa cháy
>> Lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Theo quy định tại Điều 29 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (được hướng dẫn bởi Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP), việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thực hiện như sau:
Hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tạm đình chỉ trong các trường hợp sau đây:
(i) Trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ).
(ii) Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện, bao gồm: Tàng trữ, sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
(iii) Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy như:
Cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ảnh hưởng đến một trong các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy về dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới quy định tại điểm b, điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền.
Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục V danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền.
- Việc tạm đình chỉ hoạt động chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ nhất và theo nguyên tắc nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ xuất hiện ở phạm vi nào hoặc vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy ở phạm vi nào thì tạm đình chỉ hoạt động trong phạm vi đó.
- Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động được xác định căn cứ vào điều kiện, khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khả năng khắc phục vi phạm về phòng cháy và chữa cháy nhưng không vượt quá 30 ngày.
- Khi phát hiện trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động theo Mục 1.1 nêu trên thì người đang thi hành nhiệm vụ yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngừng hoạt động hoặc chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện theo trình tự sau:
+ Bước 1: Lập biên bản xác định phạm vi nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy;
+ Bước 2: Ra quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động.
- Quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải được thể hiện bằng văn bản.
Trường hợp cấp thiết có thể ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói và sau đó phải thể hiện quyết định bằng văn bản (cụ thể là đối với trường hợp trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ). Khi ra quyết định tạm đình chỉ bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, phạm vi và những hoạt động bị tạm đình chỉ.
- Quyết định tạm đình chỉ hoạt động hoạt động phải được giao cho đối tượng bị tạm đình chỉ, cấp trên trực tiếp quản lý của đối tượng bị tạm đình chỉ hoạt động (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi đối tượng bị tạm đình chỉ hoạt động có trụ sở hoặc cư trú; trường hợp các hoạt động bị tạm đình chỉ hoạt động có liên quan tới nhiều đối tượng thì phải giao cho mỗi đối tượng một quyết định.
- Người ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động có trách nhiệm tổ chức theo dõi việc khắc phục, loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tạm đình chỉ hoạt động theo quy định tại Mục 1 bên trên, đã hết thời hạn tạm đình chỉ mà không khắc phục hoặc không thể khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt động.
Việc đình chỉ hoạt động có thể thực hiện đối với từng bộ phận hoặc toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
- Khi hết thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó có trách nhiệm tổ chức kiểm tra cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tạm đình chỉ để xem xét khả năng loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy. Việc kiểm tra phải được lập thành biên bản.
- Kết thúc kiểm tra, nếu xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ chưa được loại trừ hoặc vi phạm không được khắc phục hoặc không thể khắc phục được thì người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Quyết định đình chỉ hoạt động phải được thể hiện bằng văn bản.
- Quyết định đình chỉ hoạt động phải được giao cho đối tượng bị đình chỉ hoạt động, cấp trên trực tiếp quản lý của đối tượng bị đình chỉ hoạt động (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi đối tượng bị đình chỉ hoạt động có trụ sở hoặc cư trú; trường hợp các hoạt động bị đình chỉ hoạt động có liên quan tới nhiều đối tượng thì phải giao cho mỗi đối tượng một quyết định.
(i) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong phạm vi cả nước; trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
(ii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.
(iii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong trường hợp tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
(iv) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi thẩm quyền của mình quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với từng bộ phận, toàn bộ cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình; trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
(v) Cán bộ, chiến sĩ Công an được tạm đình chỉ hoạt động đối với trường hợp có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ nêu tại trường hợp (i) của Mục 1.1 bên trên và trong thời gian ngắn nhất sau khi tạm đình chỉ phải báo cáo người trực tiếp quản lý có thẩm quyền quy định tại khoản (iii) Mục 4 này ra quyết định tạm đình chỉ.
- Người đứng đầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người điều khiển hoặc chủ phương tiện giao thông cơ giới khi nhận được quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải chấp hành ngay và có trách nhiệm loại trừ nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong thời gian ngắn nhất.
- Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động thông báo công khai trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông về việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đến khi được phục hồi hoạt động. Nội dung công bố công khai gồm tổ chức, cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm, hình thức xử lý.
Lưu ý: Việc phục hồi hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động được quy định cụ thể tại Điều 18 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.