Điều kiện bảo hộ đối với giống cây trồng và thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng được thực hiện theo quy định sau đây:
>> Thủ tục yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
>> Cấp lại văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet
Căn cứ Điều 158 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 64 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), giống cây trồng được bảo hộ phải là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Cụ thể như sau:
(1) Có tính mới: nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký (xem tại Mục 3.1) hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 01 năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 06 năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, 04 năm đối với giống cây trồng khác (theo Điều 159 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 82 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
(2) Có tính khác biệt: có nghĩa là giống cây trồng phải có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.
Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ;
- Giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc đưa vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào;
- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các đơn này không bị từ chối.
Trong đó, Danh mục giống cây trồng nêu trên bao gồm giống cây trồng có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; giống cây trồng được công nhận lưu hành, công nhận lưu hành đặc cách, tự công bố lưu hành, công nhận chính thức; Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và danh mục giống cây trồng ở các quốc gia khác.
(Căn cứ Điều 160 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 19 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12 và Điều 5 Nghị định 79/2023/NĐ-CP).
(3) Có tính đồng nhất: nếu giống cây trồng đó có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống (theo Điều 161 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
(4) Có tính ổn định: nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ (theo Điều 162 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
(5) Có tên phù hợp: Tổ chức, cá nhân đăng ký quyền đối với giống cây trồng phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới và quốc gia có ký kết thỏa thuận với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.
Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.
Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:
- Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó hoặc bao gồm cả tên loài của giống cây trồng đó;
- Vi phạm đạo đức xã hội;
- Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống đó;
- Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
- Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
- Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
Lưu ý:
- Trường hợp tên giống cây trồng đăng ký bảo hộ không phù hợp với các yêu cầu nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng từ chối tên đó và yêu cầu người đăng ký đề xuất tên khác trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ghi nhận tên chính thức của giống cây trồng từ thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
- Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.
- Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.
(Căn cứ Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 20 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12 và khoản 65 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
(i) Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là:
- Tổ chức, cá nhân chọn tạo giống cây trồng;
- Tổ chức, cá nhân phát hiện và phát triển giống cây trồng;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng;
- Tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
(ii) Đồng thời, tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng phải thuộc các đối tượng sau:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam;
- Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài là công dân quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới hoặc quốc gia có ký kết với nước Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng;
- Cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam;
- Tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam;
- Tổ chức, cá nhân thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ của quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới.
(Căn cứ Điều 157 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 18 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12 và khoản 63 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
Theo Điều 164 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 66 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể như sau:
(i) Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển cây trồng bằng công sức và chi phí của mình.
(ii) Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc các trường hợp sau:
- Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn.
- Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký đối với giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn.
(iii) Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng bao gồm các tài liệu sau đây:
(i) Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP): từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
(ii) Tờ khai kỹ thuật:
- Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng đã có Tài liệu khảo nghiệm DUS: Sử dụng Mẫu tờ khai kỹ thuật trong Tài liệu khảo nghiệm DUS đó;
- Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng chưa có Tài liệu khảo nghiệm DUS hoặc Tài liệu khảo nghiệm DUS chưa có thông tin về tờ khai kỹ thuật: Sử dụng Tờ khai kỹ thuật theo quy định tại Mẫu số 02 (ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP);
Tài liệu khảo nghiệm DUS gồm: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Tài liệu hướng dẫn về khảo nghiệm DUS do UPOV hoặc nước thành viên UPOV hoặc các nước hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng công bố hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
(iii) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản ủy quyền đối với trường hợp nộp Đơn đăng ký thông qua Tổ chức dịch vụ đại diện quyền; nội dung của văn bản ủy quyền gồm: bên ủy quyền, bên được ủy quyền, phạm vi được ủy quyền, thời hạn ủy quyền;
(iv) Ảnh chụp thể hiện 03 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký: Tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9 cm x 15 cm;
(v) Bản sao có chứng thực Tài liệu chứng minh quyền đăng ký trường hợp người đăng ký được chuyển giao quyền đăng ký hoặc được thừa kế, kế thừa (Hợp đồng chuyển giao quyền đăng ký, văn bản thừa kế, kế thừa hoặc văn bản tương đương khác), Tài liệu chứng minh quốc tịch hoặc có thường trú hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh tại một nước thành viên UPOV;
(vi) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nếu Đơn đăng ký có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo quy định gồm: bản sao các tài liệu về Đơn đăng ký đầu tiên được cơ quan bảo hộ giống cây trồng tại quốc gia nộp đơn đầu tiên xác nhận, mẫu hoặc bằng chứng xác nhận giống cây trồng ở hai đơn là một, bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên (nếu có): các tài liệu chứng minh quyền ưu tiên này được cung cấp trong vòng 90 ngày kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ.
Lưu ý:
Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu (iii), (v), (vi) nêu trên và các tài liệu khác bổ trợ cho Đơn đăng ký có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu. Bản dịch phải được chứng thực hoặc có xác nhận của tổ chức dịch vụ đại diện quyền đại diện cho người đăng ký đối với giống cây trồng (theo khoản 2 Điều 174 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và khoản 4 Điều 6 Nghị định 79/2023/NĐ-CP).
Căn cứ Điều 4 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân tự mình nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng hoặc qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng đến Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn bằng một trong các hình thức sau đây:
- Nộp trực tiếp.
- Nộp qua dịch vụ bưu chính.
- Nộp qua môi trường điện tử.
Lưu ý: Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Căn cứ Mục 1 Phần III của Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 207/2016/TT-BTC: Phí thẩm định đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng: 2.000.000 đồng/lần.
Căn cứ khoản 3 Điều 6, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 11 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký bảo hộ giống cây trồng thực hiện
Thẩm định hình thức đơn: |
Trong 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. |
Trả kết quả cho người đăng ký, đăng tải thông báo trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: |
Trong 90 ngày kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông báo chấp nhận đơn đối với đơn hợp lệ. |
Sau khi Đơn đăng ký bảo hộ được chấp nhận hợp lệ, khảo nghiệm DUS phải được tiến hành theo hình thức như sau: (i) Thực hiện tại tổ chức khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát hiện nông thôn công nhận đối với giống cây trồng nông nghiệp; hoặc, cơ sở khảo nghiệm giống cây trồng lâm nghiệp đối với giống cây trồng. (ii) Khảo nghiệm DUS do doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký bảo hộ tự thực hiện; (iii) Sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS trên cơ sở thỏa thuận quốc tế về trao đổi kết quả khảo nghiệm DUS với quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia có hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng. Căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, việc khảo nghiệm DUS thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Nghị định 79/2023/NĐ-CP. Sau đó: - Trường hợp giống đăng ký bảo hộ được thực hiện khảo nghiệm DUS theo hình thức (i) và (ii) nêu trên, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện khảo nghiệm nộp bản chính Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo Mẫu số 08 (ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP) đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm DUS. - Trường hợp sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS theo theo hình thức (iii) nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận báo cáo khảo nghiệm DUS trực tiếp từ cơ quan bảo hộ giống cây trồng của quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng. |
|
Thẩm định nội dung: |
Trong 90 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS. |
Ban hành Quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng: |
Nếu giống cây trông đăng ký và đơn đăng ký bảo hộ đáp ứng đủ các điều kiện nêu bên trên. |
Công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: |
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định cấp Bằng bảo hộ (khoản 2 Điều 11 Nghị định 79/2023/NĐ-CP). |
- Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 01) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai kỹ thuật (Dành cho các loài chưa có Tài liệu khảo nghiệm DUS) (Mẫu số 02) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Thông báo về việc chấp nhận Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 03) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 04) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Thông báo về việc chấp nhận sửa đổi, bổ sung Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 05) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Nội dung tài liệu hướng dẫn khảo nghiệm DUS đối với loài cây trồng mới (Mẫu số 06) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Biên bản kiểm tra khảo nghiệm DUS do người đăng ký tự thực hiện (Mẫu số 07) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS (Mẫu số 08) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 10) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 11) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 12) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 13) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng (Mẫu số 14) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị giao quyền đăng ký giống cây trồng (Mẫu số 15) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn đề nghị cho phép sử dụng giống cây trồng (Mẫu số 16) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Đơn yêu cầu chấm dứt sử dụng giống cây trồng (Mẫu số 17) ban hành kèm Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Giấy ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
- Giấy ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng