Theo Luật Đầu tư 2024, trong năm 2024 ngành, nghề nào cấm đầu tư kinh doanh? Được quy định cụ thể như thế nào, có khác với quy định hiện hành không? – Minh Hoàng (An Giang).
>> Tại sao giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn? Phí gia công vàng miếng SJC là bao nhiêu?
>> Vàng miếng SJC có hàm lượng vàng là bao nhiêu? Tại sao giá cao thế?
Cho đến hiện nay, chưa có Luật Đầu tư 2024, nên các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong năm 2024 được thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2022/QH15).
Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 và được hướng dẫn bởi Điều 10 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
(1) Nhà đầu tư không được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề như sau:
(i) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I Luật Đầu tư 2020;
(ii) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II Luật Đầu tư 2020;
(iii) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III Luật Đầu tư 2020;
(iv) Kinh doanh mại dâm;
(v) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
(vi) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
(vii) Kinh doanh pháo nổ;
(viii) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
(2) Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các khoản (i), (ii), (iii) Mục (1) nêu trên được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện như sau:
- Các chất ma túy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về danh mục chất ma túy, tiền chất và Công ước thống nhất về chống ma túy năm 1961, Công ước Liên hợp quốc năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần;
- Các loại hóa chất, khoáng vật bị cấm theo quy định Luật Đầu tư 2020 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và các văn bản hướng dẫn Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế;
- Mẫu các loài thực vật, động vật hoang dã bị cấm theo quy định Luật Đầu tư 2020 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp.
Lưu ý: Việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nêu trên được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại các Điều 13 và 14 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực)
Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong năm 2024? (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 3 Điều 16 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, việc kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Căn cứ theo Điều 5 Luật Đầu tư 2020 quy định về chính sách đầu tư kinh doanh như sau:
(i) Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật Đầu tư 2020 không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(ii) Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định Luật Đầu tư 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
(iii) Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
(iv) Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
(v) Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
(vi) Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Việt Nam là thành viên.