Trong quá trình lao động tôi bị ngã giàn giáo. Hồ sơ để hưởng bồi thường tai nạn lao động đối với trường hợp này gồm những tài liệu gì? – Hoài Thanh (Gia Lai).
>> Mức bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023 là bao nhiêu?
>> Công ty trả lương cho ngày nghỉ ốm đau thì còn được hưởng chế độ BHXH không?
Đối với người lao động được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gồm các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH sau:
- Biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh, hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương.
- Biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động) hoặc biên bản xác định người lao động bị chết của cơ quan pháp y hoặc tuyên bố chết của tòa án đối với những trường hợp mất tích.
- Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH).
- Văn bản xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về (nếu có), đối với trường hợp không có các giấy tờ sau đây thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động:
+ Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn.
+ Biên bản điều tra tai nạn giao thông.
Nội dung văn bản xác nhận tham khảo theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Hồ sơ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động năm 2023 gồm những gì? (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Đối với người lao động được hưởng chế độ bồi thường bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ gồm các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH như sau:
- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Biên bản xác định người lao động bị chết do bệnh nghề nghiệp của cơ quan pháp y hoặc biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp) và kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền.
- Quyết định bồi thường bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH).
Tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định hồ sơ được lập thành 3 bộ, trong đó:
- Người sử dụng lao động giữ một bộ.
- Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (hoặc thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp) giữ một bộ.
- Một bộ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính, trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trợ cấp tai nạn lao động.
Điều 46. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp – Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này; b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này. 2. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ. |