Hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
>> Xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ
>> Lệ phí trước bạ xe ô tô con ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mới nhất
1. Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng
1.1. Mức xử phạt
Căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
(i) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;
(ii) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.
(iii) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch.
(iv) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch.
(v) Cản trở hoạt động công chứng.
Như vậy, hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo có thể bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 20 triệu đồng, mức cao nhất là 30 triệu đồng.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Toàn văn File word Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn năm 2024 |
Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
1.2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.
2. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
Căn cứ Điều 5 Luật Công chứng 2014, giá trị pháp lý của văn bản công chứng được quy định như sau:
(i) Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
(ii) Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
(iii) Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
(iv) Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.
3. Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên
Căn cứ Điều 17 Luật Công chứng 2014, quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên như sau:
(i) Công chứng viên có các quyền sau đây:
- Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng.
- Tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng.
- Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật Công chứng 2014.
- Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng.
- Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
- Các quyền khác theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
(ii) Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng.
- Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng.
- Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng.
- Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng.
- Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
- Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh.
- Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
- Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên.
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.