Ngày 21/1/2024 Quốc hội ban hành Luật số 44/2024/QH15, theo đó từ ngày 01/07/2025 được phép kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
>> Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng mới nhất 2025
>> Mẫu đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN mới nhất
Căn cứ khoản 3 Điều 1 Luật số 44/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Luật Dược 2016), quy định kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi bị nghiêm cấm, trừ hoạt động mua, bán theo phương thức thương mại điện tử.
Bên cạnh đó căn cứ điểm a khoản 12 Điều 1 Luật số 44/2024/QH15 (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Dược 2016), kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến là một trong hoạt động kinh doanh dược.
Theo các quy định trên thì ngày 01/07/2025 chính thức được phép kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Lưu ý: Không được kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang thông tin điện tử (còn gọi là website thương mại điện tử) bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến (theo điểm d khoản 3 Điều 1 Luật số 44/2024/QH15).
Như vậy, từ 01/07/2025 được kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Từ 01/07/2025 được kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 1 Luật số 44/2024/QH15, theo quy định quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc sau đây:
(i) Thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
(ii) Thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
(iii) Thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Căn cứ khoản 1 Điều 42 Luật Dược 2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 18 Điều 1 Luật số 44/2024/QH15), từ ngày 01/07/2025 cơ sở kinh doanh dược có các quyền sau đây:
(i) Thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động kinh doanh dược nếu đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với từng loại hình cơ sở kinh doanh theo quy định của Luật Dược 2016.
(ii) Hưởng chính sách ưu đãi khi thực hiện hoạt động kinh doanh dược theo quy định của pháp luật.
(iii) Được thông tin, quảng cáo thuốc theo quy định của pháp luật.
(iv) Thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho bệnh nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
(v) Tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc lưu động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
(vi) Mua, bán thuốc kê đơn kể từ ngày Bộ Y tế tiếp nhận hồ sơ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc.
So với quy định hiện hành thì mua, bán thuốc kê đơn kể từ ngày Bộ Y tế tiếp nhận hồ sơ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc là một trong quyền mới của cơ sở kinh doanh được quy định từ ngày 01/07/2025.