Từ ngày 01/7/2024, quy định về trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại Luật Tài nguyên nước 2023 do Quốc Hội ban hành bắt đầu có hiệu lực.
>> Bộ TTTT phê duyệt kế hoạch ứng dụng AI hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
>> Quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước từ ngày 01/7/2024
Căn cứ Điều 26 Luật Tài nguyên nước 2023, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt được quy định như sau:
(i) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Người phát hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
(ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
- Kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
- Xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (được hướng dẫn bởi Mục 2 Chương II Thông tư 03/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/07/2024).
- Tổ chức quan trắc, công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
(iii) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.
(iv) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(v) Bộ Công an xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng quy định tại khoản (iv) Mục này.
(vi) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình có phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Như vậy, từ ngày 01/7/2024, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt theo quy định cụ thể nêu trên bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt từ ngày 01/7/2024
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 43 Luật Tài nguyên nước 2023, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt có trách nhiệm sau đây:
(i) Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và vận hành hệ thống cấp nước, có phương án cấp nước dự phòng, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước và các sự cố khác theo quy định của pháp luật về cấp nước bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước.
(ii) Chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và kiểm soát, theo dõi các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
(iii) Thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước và quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước khai thác theo quy định tại Điều 51 Luật Tài nguyên nước 2023 và kết nối, truyền dữ liệu về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Căn cứ Điều 46 Luật Tài nguyên nước 2023, quy định về khai thác tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản như sau:
(i) Nhà nước khuyến khích đầu tư khai thác nước biển cho sản xuất muối. Tổ chức, cá nhân khai thác nước biển để sản xuất muối không được gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và môi trường.
(ii) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho nuôi trồng thủy sản không được gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, hư hại công trình trên sông, gây trở ngại cho giao thông thủy và không được gây nhiễm mặn nguồn nước.
(iii) Việc nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ không được gây ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa, chất lượng nguồn nước, nhiệm vụ phòng, chống lũ, cấp nước cho hạ du của đập, hồ chứa.