Theo quy định pháp luật, tiền đền bù quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc được xác định như thế nào? – Lương Thương (TP. Hồ Chí Minh).
>> Hồ sơ yêu cầu ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế 2023
>> Quy định về sáng chế mật năm 2023
Ngày 23/8/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, căn cứ Điều 53 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc được quy định cụ thể như sau:
Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 57 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) được xác định theo giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao, trên cơ sở xem xét các yếu tố sau đây:
- Giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng;
- Kinh phí đầu tư để tạo ra sáng chế, trong đó phải xem xét đến phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có);
- Lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế;
- Thời gian hiệu lực còn lại của văn bằng bảo hộ;
- Mức độ cần thiết của việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
- Phạm vi và thời hạn chuyển giao;
- Các yếu tố khác trực tiếp quyết định giá trị kinh tế của quyền sử dụng được chuyển giao.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc 2023
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Tiền đền bù đối với quyền sử dụng sáng chế bị chuyển giao theo quyết định bắt buộc trong trường hợp người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế và người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thỏa thuận được không vượt quá 5% giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất theo sáng chế, với điều kiện bảo đảm nguyên tắc quy định tại Mục 1 của bài viết.
Nếu xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể thành lập hội đồng để xác định tiền đền bù theo quy định của pháp luật.
Điều 146. Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc – Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 07/2022/QH15) 1. Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây: a) Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền; b) Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật này. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; c) Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác; d) Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu; đ) Quyền sử dụng được chuyển giao chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 145 của Luật này. 2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý; b) Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc. |