Trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh có thể không còn phù hợp với các nhu cầu và mục đích kinh doanh của chủ sở hữu. Khi đó, chủ sở hữu có thể cân nhắc để chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Vậy thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân được thực hiện như thế nào?
>> Hướng dẫn phân cấp công trình xây dựng theo quy định mới nhất
>> Thủ tục chuyển đổi công ty TNHH hai thành viên sang công ty cổ phần năm 2022
Hiện nay, không có quy định nào định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định:
Điều 79. Hộ kinh doanh
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân (DNTN) được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Khi chuyển từ hộ kinh doanh thành DNTN, chủ sở hữu có thể giữ được những lợi thế trong hoạt động kinh doanh của mình như tự do và tự quyết định các vấn đề của doanh nghiệp, đồng thời có được sự tín nhiệm khi vay vốn tại ngân hàng bởi chế độ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, cụ thể:
- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành DNTN cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
(1) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
(2) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo Phụ lục I-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHDT;
(3) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ DNTN;
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Hình thức nộp
Chủ hộ kinh doanh thực hiện việc đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DNTN có thể lựa chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ sau:
- Nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính; hoặc
- Nộp qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.
Thời gian giải quyết
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. (Khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020).
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh. (Khoản 3 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Lệ phí
Theo khoản 7 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC thì lệ phí đăng ký kinh doanh do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Trên đây là quy định về Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành DNTN năm 2022. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Cơ sở pháp lý