Tài khoản 601 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào? – Trung Nghĩa (Bình Dương).
>> Tài khoản 691 (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối)
>> Tài khoản 631 (chênh lệch đánh giá lại tài sản)
Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 601 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định tại khoản 1 Điều 41 Thông tư 05/2019/TT-BTC. Cụ thể như sau:
Tài khoản 601 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) dùng để phản ánh tình hình tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu bao gồm:
- Vốn chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô.
- Các khoản được bổ sung từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh.
- Các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản nhận được khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Tổ chức tài chính vi mô chỉ hạch toán vào Tài khoản 601 (Vốn đầu tư của chủ sở hữu) theo số vốn thực tế chủ sở hữu đã góp, không được ghi nhận theo số cam kết, số phải thu của các chủ sở hữu.
Tổ chức tài chính vi mô phải tổ chức hạch toán chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu theo từng nguồn hình thành vốn và theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn.
Tổ chức tài chính vi mô ghi giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu khi:
- Tổ chức tài chính vi mô nộp trả vốn cho Ngân sách Nhà nước hoặc bị điều động vốn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Trả lại vốn cho các chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Danh sách những Thông tư hướng dẫn kế toán đang còn hiệu lực |
Tài khoản 601 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Theo khoản 2 Điều 41 Thông tư 05/2019/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 601 (vốn đầu tư của chủ sở hữu) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định như sau:
- Bên Nợ: Vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm do:
+ Hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu vốn.
+ Điều chuyển vốn cho đơn vị khác.
+ Giải thể, chấm dứt hoạt động.
+ Bù lỗ kinh doanh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Bên Có: Vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng do:
+ Các chủ sở hữu góp vốn.
+ Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh, từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu.
+ Giá trị quà tặng, biếu, tài trợ (sau khi trừ các khoản thuế phải nộp) được ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Số dư bên Có: Vốn đầu tư của chủ sở hữu hiện có.
Theo quy định tại Điều 27 Thông tư 03/2018/TT-NHNN, vốn điều lệ của tổ chức tài chính vi mô là vốn đã được chủ sở hữu thực cấp hoặc vốn đã được các thành viên góp vốn thực góp và được ghi vào Điều lệ.
- Việc thay đổi vốn điều lệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
- Chủ sở hữu, thành viên góp vốn không được dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay dưới bất kỳ hình thức nào để góp vốn vào tổ chức tài chính vi mô và phải cam kết, chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp.