Trong môi trường kinh doanh, khi cần đến một nhà cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thường thì một chủ thể kinh doanh sẽ chủ động liên hệ với bên cung cấp, cung ứng mà mình thấy hài lòng rồi giao kết hợp đồng kinh tế. Thế nhưng, cách thức đó chỉ đáp ứng được những dự án có quy mô nhỏ hay các hợp đồng có giá trị không cao; còn với những dự án lớn, thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ đồng với vô số công đoạn, hạng mục thì không còn phù hợp nữa.
>> Những vấn đề liên quan đến chi trả cổ tức bằng cổ phần
>> Những vấn đề liên quan đến giảm vốn điều lệ Công ty Cổ phần
Xét từ một góc độ khác, hiện nay tình trạng độc quyền trong kinh tế đã không còn là rào cản, nên có thể với cùng một mặt hàng, một dịch vụ, sẽ có rất nhiều nhà cung ứng. Vậy, làm sao chủ đầu tư có thể biết được nhà cung ứng nào sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho mình, cho dự án của mình?
Trên đây chỉ là hai trong số những nguyên nhân mà đấu thầu ra đời và là hoạt động thương mại mà hầu hết các dự án lớn, đặc biệt là các dự án xây dựng, phải triển khai trước khi bắt đầu thực hiện.
Theo Luật thương mại năm 2005 và Luật đấu thầu năm 2013, có thể hiểu rằng đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Một cách đơn giản hơn, đấu thầu như một "cuộc thi" mà trong đó các đơn vị, cá nhân dự thầu (nhà thầu, nhà đầu tư) là "thí sinh" còn chủ đầu tư là "giám khảo":
Nhà thầu, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ dự thầu - "bài thi". Chủ đầu tư sẽ xét duyệt "bài thi" ấy dựa trên các quy định của pháp luật, tiêu chí được công bố khi mời thầu; hồ sơ mời thầu / hồ sơ yêu cầu / hồ sơ đề xuất đã gửi và sửa đổi, bổ sung, làm rõ sau đó - "đáp án". "Bài thi" đáp ứng về tài chính, kỹ thuật, ... sẽ được chủ đầu tư lựa chọn – “trúng thầu” và tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng kinh tế.
Vậy, bản chất của đấu thầu là một hoạt động cạnh tranh. Nhờ có tính cạnh tranh, đấu thầu sẽ giúp chủ đầu tư tìm được tổ chức, cá nhân có thể đáp ứng một hoặc một số nhu cầu nhất định của mình với chi phí phải chăng. Đồng thời, nhà thầu, nhà đầu tư tham gia sẽ có cơ hội cọ xát tăng kinh nghiệm, năng lực của mình và bảo chứng thương hiệu trên thị trường, chưa kể những lợi ích khổng lồ về kinh tế.
Song, không phải mọi dự án đều là đối tượng của đấu thầu. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu không hề đơn giản mà phải theo một trình tự nhất định.
Trong phạm vi bài viết này, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trân trọng giới thiệu đôi nét về đối tượng của đấu thầu và quy trình đấu thầu cơ bản (không áp dụng trong trường hợp quy định tại các Điều 25, 26, 27 Luật đấu thầu năm 2013).
Quỳnh Như