Việc thành lập và đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng được quy định tại Luật Công chứng 2014.
>> Lưu ý một số vấn đề pháp lý khi thành lập công ty cổ phần năm 2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 19/08/2024
Căn cứ Điều 23 Luật Công chứng 2014, viêc thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định như sau:
(i) Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gồm đơn đề nghị thành lập và đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.
(ii) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(iii) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập.
Nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng bao gồm tên gọi của Văn phòng công chứng, họ tên Trưởng Văn phòng công chứng, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng, danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của Văn phòng công chứng (nếu có).
(iv) Hồ sơ đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng gồm đơn đăng ký hoạt động, giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng phù hợp với nội dung đã nêu trong đề án thành lập và hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng (nếu có).
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(v) Văn phòng công chứng được hoạt động công chứng kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Quy định về thành lập và đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 26 Luật Công chứng 2014, nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng được đăng báo như sau:
(i) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng công chứng phải đăng báo trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung sau đây:
- Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng.
- Họ, tên, số quyết định bổ nhiệm của công chứng viên hành nghề tại Văn phòng công chứng.
- Số, ngày, tháng, năm cấp giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động và ngày bắt đầu hoạt động.
(ii) Trong trường hợp được cấp lại giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng công chứng phải thực hiện việc đăng báo về nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại khoản (i) Mục này.
Căn cứ Điều 24 Luật Công chứng 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 2 Luật số: 28/2018/QH14), việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng được quy định như sau:
(i) Khi thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản (iii) Mục 1 nêu trên, Văn phòng công chứng phải đăng ký nội dung thay đổi tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đã đăng ký hoạt động.
Việc thay đổi trụ sở của Văn phòng công chứng sang huyện, quận, thị xã, thành phố khác trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định và phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
(ii) Văn phòng công chứng thay đổi tên gọi, trụ sở hoặc Trưởng Văn phòng công chứng thì được Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.