Có những quy định về giao hàng hóa và chứng từ liên quan đến hàng hóa trong năm 2024? Thời hạn giao hàng ra sao? Mong được giải đáp cụ thể! – Phương Nguyên (Hà Tĩnh).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 19/12/2023
>> Chức năng của các Phòng ban trong công ty 2024
Căn cứ Luật Thương mại 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Quản lý ngoại thương 2017 (sau đây gọi gọn là Luật Thương mại 2005), việc giao hàng hóa và chứng từ liên quan đế hàng hóa trong năm 2024 được quy định cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 34 Luật Thương mại 2005, quy định về giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa trong năm 2024 như sau:
(i) Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
(ii) Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật Thương mại 2005.
Toàn văn File word Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn (cập nhật ngày 20/12/2022) |
Quy định về giao hàng hóa và chứng từ liên quan đến hàng hóa 2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 35 Luật Thương mại 2005, địa điểm giao hàng hóa được quy định như sau:
(i) Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.
(ii) Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
- Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó.
- Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên.
- Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó.
- Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.
Căn cứ Điều 36 Luật Thương mại 2005, trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển như sau:
(i) Trường hợp hàng hóa được giao cho người vận chuyển nhưng không được xác định rõ bằng ký mã hiệu trên hàng hóa, chứng từ vận chuyển hoặc cách thức khác thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hoá được vận chuyển.
(ii) Trường hợp bên bán có nghĩa vụ thu xếp việc chuyên chở hàng hoá thì bên bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó.
(iii) Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.
Căn cứ Điều 37 Luật Thương mại 2005, thời hạn giao hàng được quy định như sau:
(i) Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.
(ii) Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.
(iii) Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.
Căn cứ Điều 38 Luật Thương mại 2005, trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.
Như vậy, đối với trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn cho bên mua thì cần thỏa thuận trước với bên mua nhằm tránh xảy ra thiệt hại cho mình (nếu không thỏa thuận trước thì bên mua có quyền từ chối nhận hàng).