Việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng từ ngày 15/11/2023 được quy định như thế nào? Rất mong được giải đáp cụ thể! Xin chân thành cảm ơn! – Hoài Minh (Bà Rịa – Vũng Tàu).
>> Quy định về khảo nghiệm DUS từ ngày 15/11/2023
>> Quy định về sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng từ 15/11/2023
Ngày 15/11/2023, Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 79/2023/NĐ-CP việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng từ ngày 15/11/2023 được quy định như sau:
(i) Trường hợp giống đăng ký bảo hộ được thực hiện khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm nộp bản chính Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS theo quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm DUS.
Trường hợp sử dụng kết quả khảo nghiệm DUS theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 79/2023/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận báo cáo khảo nghiệm DUS trực tiếp từ cơ quan bảo hộ giống cây trồng của quốc gia thành viên UPOV hoặc quốc gia hợp tác với Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.
Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS để cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được sử dụng trong việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng nếu tính khác biệt của giống đăng ký so với giống cây trồng được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ được đảm bảo.
(ii) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả khảo nghiệm DUS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
- Trường hợp giống đăng ký đảm bảo tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, đồng thời Đơn đăng ký bảo hộ đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 176 và điểm a khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bời Luật số 07/2022/QH15), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định cấp bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 09, Mẫu số 10 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP; trả kết quả cho người đăng ký; công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.
- Trường hợp giống đăng ký không đảm bảo tính khác biệt hoặc tính đồng nhất hoặc tính ổn định hoặc đơn đăng ký không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 176 và điểm a khoản 1 Điều 178 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bời Luật số 07/2022/QH15), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản về dự định từ chối cấp bằng bảo hộ giống cây trồng cho người đăng ký và nêu rõ lý do, ấn định thời hạn 30 ngày để người đăng ký khắc phục thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.
Qua thời hạn trên mà người đăng ký không có ý kiến phản đối dự định từ chối một cách xác đáng hoặc không khắc phục được các thiếu sót, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo từ chối cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Trường hợp người đăng ký khắc phục được các thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối một cách xác đáng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại đoạn (i) Mục này.
(iii) Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ được cấp 01 bản.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành
Cấp bằng bảo hộ giống cây trồng từ ngày 15/11/2023 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 168 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, bằng bảo hộ giống cây trồng và Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ được quy định cụ thể như sau:
- Bằng bảo hộ giống cây trồng ghi nhận tên giống và loài cây trồng, tên chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là chủ bằng bảo hộ), tên tác giả giống cây trồng và thời hạn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
- Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ghi nhận việc cấp bằng bảo hộ và nội dung bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và lưu giữ các thông tin đó.
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 79/2023/NĐ-CP quy định về việc sửa đổi, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng như sau:
(i) Chủ sở hữu bằng bảo hộ có yêu cầu sửa đổi, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng nộp hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hồ sơ gồm:
- Tờ khai yêu cầu sửa đổi, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng theo quy định tại Mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định 79/2023/NĐ-CP.
- Bản sao có chứng thực Tài liệu pháp lý chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ chủ sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc sai sót liên quan đến tên, địa chỉ của chủ sở hữu bằng bảo hộ.
- Bản chính bằng bảo hộ giống cây trồng (trừ trường hợp bằng bị mất).
(ii) Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định sửa đổi, cấp lại bằng bảo hộ giống cây trồng, cấp lại bằng cho người đăng ký, đăng tải trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định. Bằng bảo hộ giống cây trồng sửa đổi, cấp lại phải được giữ nguyên số bằng và ghi rõ nội dung “cấp lại” tại góc trái phía dưới của bằng bảo hộ.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản cho chủ sở hữu bằng bảo hộ và nêu rõ lý do.