Năm 2023, trong lĩnh vực thuế, biên lai giấy theo hình thức đặt in, tự in cần lưu ý những gì? Nguyên tắc tạo biên lai được quy định như thế nào? – Như Ý (Tây Ninh).
>> Những lưu ý về thời điểm lập hóa đơn năm 2023
>> Kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2023 tại doanh nghiệp
Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 35 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định Cục Thuế tạo biên lai theo hình thức đặt in (loại không in sẵn mệnh giá) được bán cho các tổ chức thu phí, lệ phí theo giá đảm bảo bù đắp chi phí in ấn, phát hành.
- Trường hợp đặt in biên lai, tổ chức thu phí, lệ phí lựa chọn tổ chức đủ điều kiện in theo quy định để ký hợp đồng đặt in biên lai thu phí, lệ phí.
- Trường hợp tự in biên lai, tổ chức thu phí, lệ phí phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có hệ thống thiết bị (máy tính, máy in) đảm bảo cho việc in và lập biên lai khi thu tiền phí, lệ phí.
+ Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015 và có phần mềm tự in biên lai đảm bảo dữ liệu của biên lai chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán để kê khai theo quy định.
Những lưu ý nổi bật về biên lai giấy theo hình thức đặt in, tự in năm 2023 trong lĩnh vực thuế
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Ngoài những điều kiện tại Mục 1.1, hệ thống tự in phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:
- Việc đánh số thứ tự trên biên lai được thực hiện tự động. Mỗi liên của một số biên lai chỉ được in ra một lần, nếu in ra từ lần thứ 2 trở đi phải thể hiện là bản sao (copy).
- Phần mềm ứng dụng để in biên lai phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật bằng việc phân quyền cho người sử dụng, người không được phân quyền sử dụng không được can thiệp làm thay đổi dữ liệu trên ứng dụng.
Trường hợp tổ chức thu phí, lệ phí mua phần mềm của các tổ chức cung ứng phần mềm tự in thì phải lựa chọn tổ chức đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện cung ứng phần mềm theo quy định.
- Biên lai tự in chưa lập phải được lưu trữ trong hệ thống máy tính theo chế độ bảo mật thông tin.
- Biên lai tự in đã lập được lưu trữ trong hệ thống máy tính theo chế độ bảo mật thông tin và nội dung biên lai phải đảm bảo có thể truy cập, kết xuất và in ra giấy khi cần tham chiếu.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định nội dung trên biên lai phải đúng với nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; biên lai phải được lập theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn.
Nội dung lập trên biên lai phải được thống nhất trên các liên có cùng một số biên lai, nếu ghi sai, hỏng thì người thu tiền không được xé khỏi cuống hoặc nếu đã xé thì phải kèm theo tờ biên lai đã ghi sai, hỏng; tổ chức thu phí, lệ phí khi lập biên lai phải đóng dấu của tổ chức thu phí, lệ phí vào góc trên, bên trái liên 2 của biên lai (liên giao cho người nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước).
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định biên lai được lập theo đúng hướng dẫn nêu trên tại Mục 2 là chứng từ hợp pháp để thanh toán, hạch toán và quyết toán tài chính.
Trường hợp không đáp ứng các hướng dẫn nêu trên tại Mục 2 thì không có giá trị thanh toán và không được hạch toán, quyết toán tài chính.
Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, xử lý biên lai đặt in, tự in trong trường hợp mất, cháy, hỏng được thực hiện như sau:
- Tổ chức thu các khoản phí lệ phí nếu phát hiện mất, cháy, hỏng biên lai đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp với nội dung như sau: tên tổ chức, cá nhân làm mất, cháy, hỏng biên lai; mã số thuế, địa chỉ; căn cứ biên bản mất, cháy, hỏng; tên loại biên lai; ký hiệu mẫu biên lai; ký hiệu biên lai; từ số; đến số; số lượng; liên biên lai chậm nhất không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng biên lai.
Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.
Báo cáo về việc mất, cháy, hỏng biên lai thực hiện theo Mẫu số BC21/BLG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp người nộp thuế, người nộp phí, lệ phí làm mất, cháy, hỏng chứng từ, biên lai thì được sử dụng bản chụp liên lưu tại tổ chức thu thuế, phí, lệ phí, trên đó có xác nhận, đóng dấu (nếu có) của tổ chức thu phí, lệ phí kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng biên lai để làm chứng từ thanh toán, quyết toán tài chính. Tổ chức thu phí, lệ phí và người nộp chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng biên lai.
>> Xem thêm bài viết liên quan:
>> Việc xử lý sự cố với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế năm 2023 như thế nào?
>> Việc đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử năm 2023 quy định thế nào?
>> Năm 2023, việc xử lý hóa đơn có sai sót được thực hiện thế nào?