Theo quy định mới, khi giao kết hợp đồng theo mẫu với người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu ý gì? Có đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan nhà nước? – Lê Trung (Sơn La).
>> Điều khoản không được quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng từ 01/7/2024
>> Trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng từ 01/7/2024
Theo tại Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, việc thực hiện hợp đồng theo mẫu kể từ ngày 01/7/2024 được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lưu giữ hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Trường hợp hợp đồng do người tiêu dùng giữ bị mất hoặc hư hỏng thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu từ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng.
- Hợp đồng theo mẫu phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết về nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Những lưu ý khi giao kết với người tiêu dùng bằng hợp đồng theo mẫu từ 01/7/2024
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Kể từ ngày 01/7/2024, hợp đồng theo mẫu được kiểm soát theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như sau:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có số lượng lớn người tiêu dùng mua, sử dụng thường xuyên, liên tục, có tác động trực tiếp, lâu dài đến người tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi sử dụng để giao kết với người tiêu dùng.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu theo quy định này.
- Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp được người tiêu dùng ủy quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu khi phát hiện hợp đồng theo mẫu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
- Việc xác định hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ, sửa đổi hợp đồng theo mẫu đã xác lập với người tiêu dùng trong giao dịch cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn cửa mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu theo quy định tại Mục 2 này.
Hiện tại, Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu được áp dụng theo Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 35/2015/QĐ-TTg, Quyết định 38/2018/QĐ-TTg và Quyết định 25/2019/QĐ-TTg), cụ thể bao gồm những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sau đây:
- Cung cấp điện sinh hoạt.
- Cung cấp nước sinh hoạt.
- Truyền hình trả tiền.
- Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất.
- Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước, trả sau).
- Dịch vụ truy cập internet.
- Vận chuyển hành khách đường hàng không.
- Vận chuyển hành khách đường sắt.
- Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp.