Xây dựng là hoạt động phổ biến trong đời sống kinh tế, là một trong các nhân tố quan trọng góp phần kiến tạo nên kiến trúc hạ tầng cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và phục vụ nhu cầu của cộng đồng, xã hội.
>> Một số quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động M&A
Trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng, giao kết, thực hiện hợp đồng xây dựng là một trong những hoạt động cơ bản trong quá trình kinh doanh. Vì lẽ đó, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trân trọng giới thiệu một số vấn đề pháp lý liên quan đến Hợp đồng xây dựng, nhằm thuận lợi cho Quý thành viên tìm hiểu và cập nhật.
Kỳ 1: Những khái niệm cơ bản
Hợp đồng xây dựng là kết quả của việc tổ chức đấu thầu xây dựng, đồng thời là khởi đầu của quá trình hiện thực hóa dự án xây dựng đó. Xét về bản chất pháp lý, hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng dân sự, là giao kết giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Vì vậy, việc giao kết, thực hiện hợp đồng xây dựng không những chịu sự điều chỉnh của pháp luật xây dựng mà còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu.
Trong hợp đồng xây dựng, bên nhận thầu có nghĩa vụ phải thực hiện công việc trong công trình theo nội dung đã giao kết và giao đúng thời hạn mà bên giao thầu yêu cầu. Bên giao thầu thì có trách nhiệm đưa ra các yêu cầu, số liệu, bản thiết kế, vật tư xây dựng,... số vốn đầu tư đúng tiến dộ công trình, đồng thời nghiệm thu và thanh toán đầy đủ các khoản tiền khi công trình đã hoàn thành.
Những vấn đề trên đây đều phải được các bên thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng bằng văn bản và có thể tiến hành công chứng, chứng thực theo nhu cầu. Các bên căn cứ theo khả năng, năng lực chuyên môn, nguồn tài chính, điều kiện thực tế,… mà tiến hành đàm phán, thương thảo để cùng đạt được kết quả thống nhất đối với từng vấn đề, song phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
- Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
- Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
- Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Cụ thể hơn, chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng. Nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh.
Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Một vấn đề quan trọng mà các bên cần lưu ý nữa là giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
Hợp đồng xây dựng sẽ có hiệu lực từ thời điểm ký kết hợp đồng hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên hợp đồng thỏa thuận chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Người ký kết hợp đồng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Bảo đảm các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng nêu trên;
- Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng.
Cơ sở pháp lý:
Quỳnh Như