Theo pháp luật lao động thì nếu tôi làm việc cho một công ty hơn 10 năm thì sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Hoàng Khánh (Bạc Liêu).
>> 03 lưu ý khi đóng bảo hiểm cho người lao động thấp hơn mức lương thực nhận
>> Thủ tục báo cáo tình hình sử dụng lao động trong doanh nghiệp năm 2022
Tổng hợp các file excel quan trọng về lao động, tiền lương |
Hiện nay, thay vì lựa chọn nhảy việc thì nhiều người lao động chọn ở lại và gắn bó lâu dài với công ty. Không khó để gặp được những người gắn bó với một doanh nghiệp 05 năm, 10 năm, 20 năm và có khi còn nhiều hơn thế nữa. Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, khi làm việc lâu năm cho một doanh nghiệp, người lao động có thể được hưởng các quyền lợi sau đây:
Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về số ngày nghỉ hằng năm (thường gọi là ngày phép năm) đối với người lao động như sau:
(i) Đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày;
(ii) Đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 14 ngày;
(iii) Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: 16 ngày.
(iv) Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Khi nghỉ phép năm, người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động và một số doanh nghiệp cũng căn cứ vào số lượng ngày phép năm còn lại để làm căn cứ thưởng Tết, lương tháng 13,... cho người lao động. Do đó, số lượng ngày phép năm là một yếu tố thường được người lao động quan tâm. Tuy nhiên cũng lưu ý, số lượng ngày phép năm không cố định mà có thể tăng thêm theo thâm niên làm việc của người lao động tại doanh nghiệp. Cụ thể:
Theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ hằng năm tăng theo thâm niên làm việc: “Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.”
Do đó, khi người lao động làm việc cho một doanh nghiệp từ đủ 05 năm trở lên thì sẽ được cộng thêm ngày phép năm theo tỷ lệ: 05 năm = 01 ngày phép năm.
Hiện nay, hợp đồng lao động (HĐLĐ) được chia làm 02 loại theo khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm: HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ không xác định thời hạn.
Một số đặc điểm của 02 loại hợp đồng này được thể hiện qua bảng so sánh dưới đây:
Tiêu chí | HĐLĐ xác định thời hạn | HĐLĐ không xác định thời hạn |
Thời hạn hợp đồng | Từ 01 ngày đến tối đa 36 tháng | Không xác định |
Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ | 30 ngày | 45 ngày |
Thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do ốm đau tai nạn | Nghỉ điều trị dưới 06 tháng liên tục (hợp đồng từ 12 đến 36 tháng) hoặc nửa thời hạn hợp đồng lao động trở xuống (hợp đồng dưới 12 tháng) do ốm đau, tai nạn không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. | Nghỉ điều trị dưới 12 tháng liên tục do ốm đau, tai nạn không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. |
Từ bảng so sánh trên, có thể thấy hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ có nhiều lợi thế hơn: người lao động không cần lo lắng về thời hạn hợp đồng, thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ cũng dài hơn (bao gồm cả trường hợp vì lý do ốm đau, tai nạn)...
Khi làm việc lâu năm cho một công ty, người lao động sẽ có cơ hội được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
“Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.”
Theo quy định này, doanh nghiệp và người lao động chỉ được ký HĐLĐ xác định thời hạn tối đa 02 lần. Nói cách khác, nếu muốn tiếp tục giữ chân người lao động thì trong lần ký hợp đồng thứ 3, doanh nghiệp buộc phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động đó.
Ví dụ: Anh A làm việc tại công ty B với vị trí là nhân viên kinh doanh, ký HĐLĐ lần đầu là 36 tháng. Sau đó HĐLĐ này hết hạn, công ty B và anh A tiếp tục ký HĐLĐ mới (lần 2) là HĐLĐ xác định thời hạn 36 tháng. Sau đó, HĐLĐ lần 2 hết hạn mà anh A vẫn tiếp tục làm việc thì công ty B phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn.
Ngoài những quyền lợi nêu trên thì khi người lao động làm việc nhiều năm cho một doanh nghiệp thì người lao động còn có thể được nhận nhiều khoản phúc lợi khác theo quy chế riêng của doanh nghiệp như:
- Tăng phép năm thâm niên nhiều hơn so với quy định của Bộ luật Lao động;
- Có các khoản thưởng thâm niên nhân viên làm việc lâu năm bên cạnh thưởng kết quả làm việc, thưởng KPI,…;
- Nâng bậc lương cao hơn cho người lao động làm việc lâu năm; và
- Các chính sách đãi ngộ khác.