Sau khi có Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì doanh nghiệp gắn Nhãn xanh cho sản phẩm đã được chứng nhận. Vậy khi gắn Nhãn xanh, doanh nghiệp cần phải lưu ý những vấn đề gì?
>> Những điều cần biết về Chi nhánh
>> Một số vấn đề doanh nghiệp bất động sản cần lưu ý
Nhãn Xanh Việt Nam là tên gọi của chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống.
Nhãn xanh Việt Nam (sau đây gọi tắt là "Nhãn xanh") có thể được hiểu là loại nhãn được dùng để chỉ ra những sản phẩm có mức độ ưu tiên chung về môi trường cao hơn so với những loại sản phẩm khác trong cùng một nhóm sản phẩm trên cơ sở đánh giá những tác động và ảnh hưởng lên môi trường của toàn bộ chu trình luân chuyển (vòng đời) của sản phẩm.
Gắn Nhãn xanh
Doanh nghiệp lựa chọn một trong các hình thức gắn Nhãn xanh lên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm được chứng nhận Nhãn xanh như sau:
- Dán;
- Vẽ;
- Đính;
- Khắc;
- In.
Vị trí gắn Nhãn xanh do doanh nghiệp tự thiết kế, quyết định và dễ nhìn thấy nhưng không gây ảnh hưởng đến thông tin ghi trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Kích thước và màu sắc của Nhãn xanh Việt Nam được gắn cho sản phẩm theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 41/2013/TT-BTNMT.
Doanh nghiệp không được gắn Nhãn xanh trong những trường hợp sau:
- Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam hết hiệu lực.
- In sai mẫu Nhãn xanh Việt Nam;
- Gắn Nhãn xanh cho sản phẩm không phải là sản phẩm đã đăng ký và được cấp Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam.
1. Gắn Nhãn xanh là hoạt động tự nguyện của doanh nghiệp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
2. Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam có thời hạn là ba (03) năm kể từ ngày cấp.
3. Mã số sản phẩm được chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo số của Quyết định Chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam kèm theo năm được cấp.
4. Định kỳ một năm một lần, doanh nghiệp được cấp Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, có trách nhiệm lập báo cáo số lượng sản phẩm đã sản xuất, kinh doanh được gắn Nhãn xanh Việt Nam về Tổng cục Môi trường để tổng hợp.
5. Doanh nghiệp bị thu hồi Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp vi phạm quy định trong việc lập các báo cáo đánh giá;
- Doanh nghiệp vi phạm tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam;
Doanh nghiệp không được xem xét cấp chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày Quyết định thu hồi có hiệu lực.
Căn cứ pháp lý: Thông tư 41/2013/TT-BTNMT
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Bảo Toàn