Thần đồng đất Việt là một bộ truyện tranh nổi tiếng và gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Tuy nhiên, giữa tác giả và công ty sản xuất đã xảy ra tranh chấp bản quyền. Theo thông tin thì 28/12/2018 vụ kiện này sẽ được xét xử sơ thẩm sau 12 năm trì hoãn vì nhiều lý do. Từ vụ kiện bản quyền này xuất hiện nhiều vấn đề pháp lý cần nói, tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi xin thông tin đến Quý thành viên những thông tin pháp lý liên quan đến Đồng tác giả.
>> Bản quyền truyền hình! Chưa bao giờ hết "Hot"
>> Phân biệt dấu hiệu trùng và tương tự trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Vụ kiện này bắt đầu từ năm 2007, khi họa sĩ vẽ ra bộ truyện này kiện công ty phát hành, yêu cầu công ty phát hành công nhận họa sĩ là tác giả duy nhất của tác phẩm này chứ không phải là đồng tác giả như trong hồ sơ đăng ký bản quyền. Vậy ai mới là tác giả của tác phẩm này hay là đồng tác giả? Vấn đề này vẫn chưa được đưa ra xét xử để có kết quả cuối cùng.
Nhưng với những thông tin pháp lý dưới đây, hy vọng sẽ giúp Quý thành viên phần nào có những nhận định riêng về cho bản thân mình về vấn đề này.
1. Tác giả, đồng tác giả là ai?
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, tác giả, đồng tác giả được định nghĩa như sau:
- Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
- Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
2. Quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Bao gồm: Quyền nhân thân và quyền tài sản
Quyền nhân thân |
Quyền tài sản |
- Đặt tên cho tác phẩm; - Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; - Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; - Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
|
- Làm tác phẩm phái sinh; - Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; - Sao chép tác phẩm; - Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; - Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; - Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
|
3. Chủ sở hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân sở hữu một, một số hoặc toàn bộ quyền tài sản nêu trên.
Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả: Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân và tài sản nêu trên.
Chủ sở hữu quyền tác giả là đồng tác giả: Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền
Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả:
- Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Những hành vi xâm phạm quyền tác giả
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
- Mạo danh tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
- Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểmi khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
- Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Về đăng ký bảo hộ, chuyển nhượng quyền tác giả quyền tác giả Quý thành viên vui lòng xem những công việc sau:
- Đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
- Cấp lại, đổi giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan.
- Yêu cầu hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan.
- Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.
Căn cứ pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức:
Tài Giỏi