Cho tôi hỏi đối với Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như thế nào? – Hoàng Huy (Gia Lai).
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Thông tư 133/2016/TT-BTC, nguyên tắc kế toán đối với Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp nhà nước trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
Tài khoản 333 dùng để phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước về các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước trong kỳ kế toán năm.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp nhà nước trong doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
- Doanh nghiệp chủ động tính, xác định và kê khai số thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước theo luật định; Kịp thời phản ánh vào sổ kế toán số thuế phải nộp, đã nộp, được khấu trừ, được hoàn...
- Các khoản thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng (kể cả theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế gián thu khác về bản chất là khoản thu hộ bên thứ ba. Vì vậy các khoản thuế gián thu được loại trừ ra khỏi số liệu về doanh thu gộp trên Báo cáo tài chính hoặc các báo cáo khác.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc ghi nhận doanh thu và số thuế gián thu phải nộp trên sổ kế toán bằng một trong 2 phương pháp:
+ Tách và ghi nhận riêng số thuế gián thu phải nộp (kể cả thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp trực tiếp) ngay tại thời điểm ghi nhận doanh thu. Theo phương pháp này doanh thu ghi trên sổ kế toán không bao gồm số thuế gián thu phải nộp, phù hợp với số liệu về doanh thu gộp trên Báo cáo tài chính và phản ánh đúng bản chất giao dịch.
+ Ghi nhận số thuế gián thu phải nộp bằng cách ghi giảm số doanh thu đã ghi chép trên sổ kế toán. Theo phương pháp này, định kỳ mới ghi giảm doanh thu đối với số thuế gián thu phải nộp, số liệu về doanh thu trên sổ kế toán có sự khác biệt so với doanh thu gộp trên Báo cáo tài chính.
Trong mọi trường hợp, chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và chỉ tiêu “Các khoản giảm trừ doanh thu” của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đều không bao gồm các khoản thuế gián thu phải nộp.
- Các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua nội địa hàng hóa, tài sản cố định thuộc diện chịu thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường được ghi nhận số thuế phải nộp vào giá gốc hàng mua. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hộ nhưng không có quyền sở hữu hàng hóa, ví dụ giao dịch tạm nhập - tái xuất hộ bên thứ ba thì số thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường phải nộp không được ghi nhận vào giá trị hàng hóa mà được ghi nhận là khoản phải thu khác.
- Số thuế tài nguyên phải nộp ngân sách nhà nước được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiền thuê đất, thuế nhà đất phải nộp được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền được hạch toán vào chi phí bán hàng hoặc chi phí quản lý doanh nghiệp tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp nhà nước) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023 (Phần 2).