Cho tôi hỏi hiện nay đối với Tài khoản 155 trong doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định như thế nào? – Gia Huy (Thái Bình).
>> Hướng dẫn tài khoản 156 (hàng hóa) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Thông tư 133/2016/TT-BTC, nguyên tắc kế toán Tài khoản 155 – Thành phẩm trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
- Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của các loại thành phẩm của doanh nghiệp. Thành phẩm là những sản phẩm đã kết thúc quá trình chế biến do các bộ phận sản xuất của doanh nghiệp sản xuất hoặc thuê ngoài gia công xong đã được kiểm nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và nhập kho.
Trong giao dịch xuất khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác, không sử dụng tại bên nhận ủy thác (bên nhận giữ hộ).
- Thành phẩm do các bộ phận sản xuất chính và sản xuất phụ của doanh nghiệp sản xuất ra phải được đánh giá theo giá thành sản xuất (giá gốc), bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung và những chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất sản phẩm.
- Không được tính vào giá gốc thành phẩm các chi phí sau:
+ Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác phát sinh trên mức bình thường.
+ Chi phí vận chuyển, bảo quản hàng tồn kho trừ các khoản chi phí vận chuyển, bảo quản hàng tồn kho cần thiết cho quá trình sản xuất tiếp theo và chi phí bảo quản trong quá trình mua hàng.
+ Chi phí bán hàng.
+ Chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Thành phẩm thuê ngoài gia công chế biến được đánh giá theo giá thành thực tế gia công chế biến bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí thuê gia công và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến quá trình gia công.
- Việc tính giá trị thành phẩm xuất kho được thực hiện theo một trong ba phương pháp: Phương pháp giá thực tế đích danh; Phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập hoặc cuối kỳ; Phương pháp Nhập trước - Xuất trước.
- Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, nếu kế toán chi tiết nhập, xuất kho thành phẩm hàng ngày được ghi sổ theo giá hạch toán (có thể là giá thành kế hoạch hoặc giá nhập kho được quy định thống nhất). Cuối kỳ, kế toán phải tính giá thành thực tế của thành phẩm nhập kho và xác định hệ số chênh lệch giữa giá thành thực tế và giá hạch toán của thành phẩm (tính cả số chênh lệch của thành phẩm đầu kỳ) làm cơ sở xác định giá thành thực tế của thành phẩm nhập, xuất kho trong kỳ (sử dụng công thức tính đã nêu ở phần giải thích Tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”).
- Kế toán chi tiết thành phẩm phải thực hiện theo từng kho, từng loại, nhóm, thứ thành phẩm.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 155 (thành phẩm) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 133/2016/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 155 - Thành phẩm trong doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định như sau:
Bên Nợ:
- Trị giá của thành phẩm nhập kho.
- Trị giá của thành phẩm thừa khi kiểm kê.
- Kết chuyển trị giá thực tế của thành phẩm tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá thực tế của thành phẩm xuất kho.
- Trị giá của thành phẩm thiếu hụt khi kiểm kê.
- Kết chuyển trị giá thực tế của thành phẩm tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế của thành phẩm tồn kho cuối kỳ.
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 133/2016/TT-BTC, đơn vị tiền tệ trong kế toán là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.