PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục cập nhật hướng dẫn tài khoản 154 (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC qua bài viết sau:
Tại phần 3 của bài viết trước đã hướng dẫn phương pháp vận dụng tài khoản 154 (Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) trong ngành nông nghiệp. Bài viết sau đây sẽ tiếp tục hướng dẫn phương pháp vận dụng tài khoản 154 trong ngành xây dựng dựa trên quy định tại khoản 5 Điều 27 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:
Đối với hoạt động kinh doanh xây lắp quy định chỉ áp dụng phương pháp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, không áp dụng phương pháp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ nên tài khoản 154 dùng để tập hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, phục vụ cho việc tính giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp xây lắp.
Không được tính vào giá thành công trình xây lắp mà được hạch toán vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán đối với những phần chi phí sau:
- Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường.
- Phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ.
Tài khoản 154 trong ngành xây lắp có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1541 - Xây lắp: Dùng để tập hợp chi phí, tính giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp và phản ánh giá trị sản phẩm xây lắp dở dang cuối kỳ.
- Tài khoản 1542 - Sản phẩm khác: Dùng để tập hợp chi phí, tính giá thành sản xuất sản phẩm khác và phản ánh giá trị sản phẩm khác dở dang cuối kỳ (thành phẩm, cấu kiện xây lắp,...).
- Tài khoản 1543 - Dịch vụ: Dùng để tập hợp chi phí, tính giá thành dịch vụ và phản ánh chi phí dịch vụ dở dang cuối kỳ.
- Tài khoản 1544 - Chi phí bảo hành xây lắp: Dùng để tập hợp chi phí bảo hành công trình xây dựng, lắp đặt thực tế phát sinh trong kỳ và giá trị công trình bảo hành xây lắp còn dở dang cuối kỳ.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 154 (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 4)
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Việc tập hợp chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm xây lắp phải theo từng công trình, hạng mục công trình và theo khoản mục giá thành quy định trong giá trị dự toán xây lắp, gồm:
- Chi phí vật liệu;
- Chi phí nhân công;
- Chi phí sử dụng máy thi công;
- Chí phí chung.
Riêng chi phí chung được tập hợp bên Nợ tài khoản 1541 (Xây lắp):
- Chỉ bao gồm chi phí chung phát sinh ở đội nhận thầu hoặc công trường xây lắp.
- Chi phí quản lý doanh nghiệp xây lắp (là một bộ phận của chi phí chung) được tập hợp bên Nợ tài khoản 642 (Chi phí quản lý doanh nghiệp). Chi phí này sẽ được kết chuyển vào bên Nợ tài khoản 911 (Xác định kết quả kinh doanh) tham gia vào giá thành toàn bộ sản phẩm xây lắp hoàn thành và bán ra trong kỳ.
Chủ đầu tư xây dựng bất động sản sử dụng tài khoản 154 để tập hợp chi phí xây dựng thành phẩm bất động sản. Trường hợp bất động sản xây dựng sử dụng cho nhiều mục đích (làm văn phòng, cho thuê hoặc để bán, ví dụ như tòa nhà chung cư hỗn hợp) thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Nếu đủ căn cứ để hạch toán riêng hoặc xác định được tỷ trọng của phần chi phí xây dựng bất động sản để bán (thành phẩm bất động sản) và phần chi phí xây dựng bất động sản để cho thuê hoặc làm văn phòng (tài sản cố định hoặc bất động sản đầu tư) thì phải hạch toán riêng trên tài khoản 154 phần chi phí xây dựng thành phẩm bất động sản. Phần chi phí xây dựng tài sản cố định hoặc bất động sản đầu tư được phản ánh riêng trên tài khoản 241 (Xây dựng cơ bản dở dang).
- Trường hợp không hạch toán riêng hoặc xác định được tỷ trọng chi phí xây dựng cho các cấu phần thành phẩm bất động sản, tài sản cố định hoặc bất động sản đầu tư thì kế toán tập hợp chi phí phát sinh liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng trên tài khoản 241. Khi công trình, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kế toán căn cứ cách thức sử dụng tài sản trong thực tế để kết chuyển chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với bản chất của từng loại tài sản.
Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn tài khoản 154 (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 5).