Hiện nay, thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động hộ nghèo, cận nghèo có thể được thực hiện online không? - Quỳnh Anh (Bình Dương).
>> Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt
>> Hướng dẫn tra cứu tiến trình giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động
Hiện nay, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Quyết định 3511/QĐ-BHXH ngày 21/11/2022 về việc ban hành Quy trình đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022. Theo đó, Quy trình đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công đối với người lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo được hướng dẫn như sau:
1. Quy trình đăng ký tham gia BHXH tự nguyện đối với người tham gia thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo
Bước 1. Người tham gia thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác các trường thông tin theo Mẫu 02-TK trên Cổng Dịch vụ công và chịu trách nhiệm đối với nội dung kê khai.
Bước 2. Hệ thống phần mềm tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người tham gia kê khai để xác định nơi cư trú (cấp tỉnh, cấp huyện) với CSDL quốc gia về Dân cư, xác định đối tượng được nhà nước hỗ trợ mức đóng với dữ liệu người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do cơ quan BHXH theo dõi và xác định chính xác số tiền phải đóng để người tham gia nộp tiền trực tuyến.
Trường hợp xác định nơi cư trú không đúng hoặc không thuộc đối tượng được nhà nước hỗ trợ mức đóng, phần mềm hiển thị thông báo cho người tham gia biết về địa chỉ cư trú chưa đúng với CSDL quốc gia về dân cư hoặc thông tin chưa đúng với danh sách thuộc đối tượng được nhà nước hỗ trợ mức đóng để liên hệ với cơ quan Công an, cơ quan phê duyệt danh sách người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hướng dẫn, điều chỉnh, sau đó thực hiện lại Bước 1 hoặc có thể đăng ký tham gia tại các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc tại cơ quan BHXH.
Bước 3. Người tham gia thực hiện nộp tiền trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công, nhận Biên lai thu tiền điện tử, nhận thông báo thời hạn trả sổ BHXH theo quy định ngay khi giao dịch thành công.
Bước 4. Sau khi nhận được số tiền của người tham gia, Hệ thống phần mềm tự động:
Ghi nhận số tiền vào mã đơn vị quản lý riêng theo mã số BHXH của từng người tham gia trên phần mềm Kế toán tập trung và tạo lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ vào mã đơn vị quản lý riêng tại cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện nơi người tham gia cư trú.
Cập nhật hồ sơ, xác định thời gian tham gia, ghi quá trình đóng BHXH cho người tham gia và tổng hợp số tiền phải đóng của người tham gia (Mẫu C69- HD), xác định số tiền trích thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT (Mẫu D11-TS) theo quy định.
- Phân bổ ngay số tiền đã thu của người tham gia (Mẫu C83-HD), xác định số tiền chi thù lao cho tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT (Mẫu D12-TS) theo quy định.
- Tạo lập dữ liệu tờ bìa sổ BHXH cho người tham gia lần đầu theo quy định.
Bước 5. Sau khi hệ thống phần mềm thực hiện Bước 4, cán bộ thu, sổ thẻ kiểm tra hồ sơ, dữ liệu, trình Giám đốc BHXH tỉnh/huyện ký số tờ bìa sổ BHXH bản điện tử hoặc in tờ bìa sổ BHXH bản giấy theo quy định, chuyển cán bộ tiếp nhận và trả kết quả.
Bước 6. Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận dữ liệu hoặc tờ bìa sổ BHXH bản giấy, thực hiện việc phát hành, trả kết quả cho người tham gia; kết thúc quy trình giải quyết trên Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ.
Bước 7. Người tham gia nhận tờ bìa sổ BHXH bản điện tử hoặc sổ BHXH bản giấy theo phương thức đã đăng ký.
Quyết định 3511/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng dịch vụ công |
Hướng dẫn người lao động hộ nghèo, cận nghèo đăng ký BHXH tự nguyện trực tuyến theo Quyết định 3511/QĐ-BHXH (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 bao gồm:
- Tiêu chí thu nhập
+ Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng.
+ Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
+ Các dịch vụ xã hội cơ bản (06 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
+ Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
+ Dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt.
Lưu ý: Quy định chi tiết về ngưỡng thiếu hụt có thể tham khảo tại Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP.
>> Xem thêm bài viết:
>> Lưu ý khi chuyển từ đóng BHXH bắt buộc sang tự nguyện
>> Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
>> Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành năm 2022