Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ là một trong bốn phương thức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các quy định pháp luật về các trường hợp áp dụng, quy trình đấu thầu cũng như hồ sơ dự thầu theo phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ.
>> Hồ sơ dự thầu theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ
>> Danh mục 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Đấu thầu 2013, phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù trong trường hợp:
- Đấu thầu rộng rãi: lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự.
- Đấu thầu hạn chế: áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu
Căn cứ Mục 2 Chương IV Nghị định 63/2014/NĐ-CP, quy trình đấu thầu được quy định như sau:
Bước 1. Chuẩn bị đấu thầu giai đoạn một
- Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu.
- Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn một.
- Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Bước 2. Tổ chức đấu thầu giai đoạn một
- Mời thầu giai đoạn một;
- Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu;
- Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật (hồ sơ đề xuất về tài chính sẽ được mở ở giai đoạn hai);
- Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, căn cứ các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu và đề xuất của nhà thầu trong hồ sơ, bên mời thầu tiến hành trao đổi với từng nhà thầu nhằm xác định các nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật so với hồ sơ mời thầu.
- Bên mời thầu phải thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu giai đoạn một, trong đó mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trong giai đoạn một tham dự thầu giai đoạn hai.
Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định kết quả đánh giá về kỹ thuật.
Bước 3. Chuẩn bị, tổ chức đấu thầu giai đoạn hai
- Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn hai;
Hồ sơ mời thầu giai đoạn hai được lập trên cơ sở hồ sơ mời thầu giai đoạn một, phù hợp với các nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật đã trao đổi với các nhà thầu.
- Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu;
- Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu;
- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu.
- Mở thầu:
+ Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu. Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu;
+ Việc mở thầu được thực hiện đối với từng hồ sơ dự thầu theo thứ tự chữ cái tên của nhà thầu.
Bước 4. Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng giai đoạn hai
- Không đánh giá lại những nội dung đã thống nhất về kỹ thuật ở giai đoạn một;
- Nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong giai đoạn hai sẽ được xem xét đánh giá về tài chính thực hiện dựa trên:
+ Đề xuất về tài chính của nhà thầu trong giai đoạn một và đề xuất về tài chính trong giai đoạn hai;
+ Đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu trong giai đoạn một và những đề xuất về kỹ thuật hiệu chỉnh của nhà thầu trong giai đoạn hai.
Bước 5. Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng
Thành phần của hồ sơ dự thầu sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Tuy vậy, thông thường hồ sơ dự thầu sẽ bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu như sau:
Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
- Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
- Thỏa thuận liên danh (nếu có),
- Giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có);
- Bảo đảm dự thầu;
- Các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ;
- Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm;
- Đề xuất về kỹ thuật;
- Các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Hồ sơ đề xuất về tài chính:
- Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính;
- Bảng giá tổng hợp, bảng giá chi tiết;
- Bảng phân tích đơn giá chi tiết (nếu có);
- Các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về tài chính.
Lưu ý: Hồ sơ dự thầu giai đoạn hai bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai tương ứng với nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật.
Trên đây là quy định về Hồ sơ dự thầu theo phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: