Khi áp dụng phương thức 02 giai đoạn 01 túi hồ sơ, việc đấu thầu sẽ được tổ chức thành hai giai đoạn. Với giai đoạn một, trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia, bên mời thầu sẽ xác định chuẩn xác yêu cầu về kỹ thuật, tài chính cho hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các quy định pháp luật về quy trình và hồ sơ dự thầu theo phương thức 02 giai đoạn 01 túi hồ sơ.
>> Danh mục 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài
>> Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2022
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 30 Luật Đấu thầu 2013, các trường hợp áp dụng phương thức 02 giai đoạn 01 túi hồ sơ bao gồm:
- Đấu thầu rộng rãi đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp: là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự;
- Đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp: áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Căn cứ Mục 1 Chương IV Nghị định 63/2014/NĐ-CP, quy trình đấu thầu chi tiết được quy định như sau:
Bước 1. Chuẩn bị đấu thầu giai đoạn một
- Lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu (có thể có hoặc không tùy thuộc vào quy mô, tính chất của gói thầu).
- Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn một
- Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu
Bước 2. Tổ chức đấu thầu giai đoạn một
- Mời thầu giai đoạn một
- Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu
- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi hoặc rút hồ sơ dự thầu
- Mở thầu:
+ Việc mở thầu phải được tiến hành công khai và bắt đầu ngay trong vòng 01 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu.
+ Chỉ tiến hành mở các hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu trước sự chứng kiến của đại diện các nhà thầu tham dự lễ mở thầu.
- Trao đổi về hồ sơ dự thầu giai đoạn một:
Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn một, bên mời thầu tiến hành trao đổi với từng nhà thầu nhằm chuẩn xác yêu cầu về kỹ thuật, tài chính của gói thầu phục vụ cho việc hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu giai đoạn hai.
Bước 3. Chuẩn bị, tổ chức đấu thầu giai đoạn hai
- Lập hồ sơ mời thầu giai đoạn hai
- Thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu
- Tổ chức đấu thầu: Bên mời thầu mời các nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu giai đoạn một đến nhận hồ sơ mời thầu giai đoạn hai.
- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu
- Mở thầu: tương tự như trường hợp mở thầu giai đoạn một
Bước 4. Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng giai đoạn hai
- Đánh giá, làm rõ, sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch hồ sơ dự thầu theo quy định tại Điều 15, 16, 17 và 18 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP
- Thương thảo hợp đồng giai đoạn hai thực hiện theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Bước 5. Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện và ký kết hợp đồng
Thành phần của hồ sơ dự thầu sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Tuy vậy, thông thường hồ sơ dự thầu sẽ bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:
- Đơn dự thầu;
- Thỏa thuận liên danh đối với trường hợp nhà thầu liên danh theo;
- Bảo đảm dự thầu;
- Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của nhà thầu;
- Tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ của người ký đơn dự thầu;
- Tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu;
- Đề xuất kỹ thuật và các tài liệu chứng minh sự đáp ứng về kỹ thuật;
- Đề xuất về giá và các bảng biểu được ghi đầy đủ thông tin;
- Đề xuất phương án kỹ thuật thay thế trong hồ sơ dự thầu;
- Các nội dung khác theo quy định tại Bảng dữ liệu đấu thầu.
Trên đây là quy định về Hồ sơ dự thầu theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: