Khi góp vốn vào doanh nghiệp thì việc góp vốn vào doanh nghiệp bằng tiền mặt hay chuyển khoản cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.
>> 54 phân ngành đầu tư từ ASEAN không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
>> Góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP :
“Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp
1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.”
Và căn cứ theo quy định tại Khoản1, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC:
“Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.”
Theo đó, đối với các giao dịch góp vốn của doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác, doanh nghiệp phải thực hiện chuyển khoản mà không được thanh toán bằng tiền mặt.
Quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC nêu trên chỉ quy định doanh nghiệp không được góp vốn vào doanh nghiệp khác mà không có quy định bắt buộc cá nhân góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng.
Vì vậy, khi một cá nhân thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp, có thể lựa chọn góp vốn bằng tiền mặt hoặc góp vốn qua tài khoản ngân hàng.
Ví dụ: Anh A cam kết góp vốn 1 tỷ vào thành lập công ty TNHH YYY, tuy nhiên anh A mới góp được một nửa, vậy thì với 500 triệu còn lại anh A có thể góp vốn bằng tiền mặt được không hay phải chuyển khoản theo Thông tư 09/2015/TT-BTC?
Như đã đề cập ở trên, chỉ hạn chế góp vốn bằng tiền mặt khi doanh nghiệp thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp khác chứ không hạn chế việc góp vốn của các thành viên là cá nhân vào doanh nghiệp.
Do đó, anh A có thể góp số vốn còn thiếu (500 triệu đồng) bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào công ty TNHH YYY.
Lưu ý: Việc góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Và doanh nghiệp khi nhận vốn góp cần lưu ý thực hiện một số công việc như chuyển đổi vốn điều lệ, chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn,…
Quý thành viên có thể tham khảo bài viết: Doanh nghiệp cần làm gì khi nhận vốn góp.
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: